Android chứ không phải iPhone, mới là thủ phạm tiêu diệt Windows Phone

    Nguyễn Hải,  

    Nếu không có iPhone, số phận của Windows Phone cũng đã được an bài khi Android ra mắt và tiêu diệt họ như hiện tại.

    Cuối cùng Windows Phone đã thực sự bị khai tử (ngoại trừ một lượng nhỏ thiết bị chạy Windows 10). Giờ đây khi nó đã bị đưa đến nghĩa trang của những nền tảng điện thoại bị khai tử, một câu hỏi lại được đặt ra: nguyên nhân của cái chết này là gì. Nguyên nhân thật đơn giản: Android.

    Apple đã thay đổi mọi thử của ngành di động, nhưng trong những năm hỗn loạn sau khi iOS ra mắt, vẫn còn một cơ hội khác cho sự lựa chọn thứ hai để có thể cùng thống trị thị trường. Đáng nhẽ Microsoft có thể chớp lấy cơ hội đó, nhưng cuối cùng Google lại là người đến trước.

    Windows Phone - chậm chạp đối phó với iPhone

    Giờ đã 10 năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy chiếc điện thoại này đã thay đổi ngành công nghiệp smartphone như thế nào. Nhưng nếu nhìn lại những lời châm biếm từ các đối thủ cạnh tranh của iPhone nói vào lúc đó, bạn sẽ thấy một điều khác hẳn.

     Giao diện Windows Mobile và iPhone.

    Giao diện Windows Mobile và iPhone.

    CEO vào BlackBerry vào thời điểm đó, Jim Balsillie đã nói “Nếu coi đó như một bước chuyển đổi khổng lồ cho BlackBerry, tôi sẽ nghĩ nó chỉ đang được phóng đại quá mức mà thôi.” CEO của Palm, Ed Colligan còn nói “Những anh chàng làm PC sẽ chẳng thể chỉ ngồi nghĩ ra điều này. Họ sẽ chẳng thể tiến vào thị trường này.” Steve Ballmer, CEO của Microsoft còn mạnh mẽ hơn “Nó sẽ không hấp dẫn với các khách hàng doanh nhân bởi vì nó chẳng có nổi một bàn phím.”

    Sau khi tất cả bọn họ nói những điều này, các vị CEO trên đều cố gắng đáp trả iPhone và đều đã thất bại. BlackBerry bổ sung phần mềm cho nền tảng cũ kỹ của họ để biến cố gắng biến cả màn hình thành một phím cảm ứng khổng lồ. Palm nỗ lực ra mắt WebOS nhưng không có được sự hỗ trợ của các nhà mạng, cũng như không có sản phẩm đủ tốt để khách hàng tìm đến họ.

    Lời đáp trả của Microsoft là Windows 6.5, một bản tinh chỉnh của hệ điều hành cũ, vốn không được thiết kế cho những thiết bị cảm ứng hoàn toàn. Sau đó là Windows Phone 7, một màn hồi sinh đáng khen ngợi với các ý tưởng thiết kế tuyệt vời. Nhưng nó đến quá muộn và quá lúng túng.

     Giao diện của Windows Mobile 6.5

    Giao diện của Windows Mobile 6.5

    Windows Phone 8 lại là bước thụt lùi và làm tình hình tồi tệ hơn khi chọc giận những người hâm mộ của Microsoft bằng thông tin rằng, thiết bị hiện tại của họ sẽ không được nâng cấp phần mềm. (Điều tương tự sau đó cũng xảy đến với Windows Phone 10, dù tác động ít hơn).

    Tuy nhiên đó vẫn là chưa phải là điều tệ nhất: sau đó Microsoft mua lại Nokia và biến một thương hiệu điện thoại có bề dày và đáng tin cậy nhất thế giới thành đồ bỏ đi. Thật không còn gì để nói.

    Thủ phạm thực sự cho cái chết của Windows Phone

    Vì vậy trong khi Microsoft không tự mình làm nổi điều gì đáng kể, nhiều người những tưởng sẽ chẳng ai có thể cản nổi iPhone. Tuy nhiên, kẻ thù thật sự của iPhone lại là một công ty đã đặt tham vọng về điện thoại của Microsoft vào tầm ngắm từ trước khi iPhone ra mắt.

    Tất nhiên công ty đó chính là Google, và họ chỉ muốn bám theo iPhone. Nhưng mục tiêu thực sự của Google luôn luôn là Microsoft, và họ đã làm được điều đó.

    Bằng chứng rõ ràng về mục tiêu đó của Google kể từ khi họ tạo ra Android là cuộc chiến pháp lý giữa họ và Oracle xung quanh Java vào năm 2012. Trong khi vụ kiện xoay quanh các chi tiết về quyền sử dụng API, nhưng phiên tòa công khai và kéo dài này đã đem lại cho chúng ta những món quà quý giá: các lời khai và tài liệu làm chứng.

    Dưới đây là những gì ông Eric Schmidt, từng là CEO của Google, phải nói về việc sáng tạo ra Android khi trả lời trước tòa:

    "Câu hỏi: Và cho đến khi Android và ông Rubin lộ diện, công ty có chiến lược kinh doanh nào về việc Android sẽ là gì và nó hoạt động như thế nào không?

    Ông Schmidt: Có.

    Câu hỏi: Ông có thể nói với bồi thẩm đoàn về chiến lược đó không? Nó là gì?

    Ông Schmidt: Tôi nhớ lại rằng chiến lược đó được phát triển từ năm đầu tiên, có lẽ là khoảng năm 2000 và vào năm 2006 là xây dựng một nền tảng – như chúng tôi đã từng thảo luận trước đó – là sẽ miễn phí và tránh phải lệ thuộc vào một số giấy phép khác vốn đang làm chậm lại sự phát triển của ngành công nghiệp này, và trên thực tế, điều đó sẽ tạo ra một sự thay thế khả thi cho những đối thủ quan trọng vào thời điểm đó. Như các ông đã từng thấy nó trong các tài liệu.

    Vì vậy, ý tưởng của chúng tôi là nếu chúng tôi làm được điều gì đó có thể có sẵn, nó sẽ cung cấp rất nhiều giá trị cho khách hàng; nó có thể là một nền tảng rất lớn; và nó sẽ tăng trưởng rất nhanh. Tất cả những điều đó quả thực đã xảy ra.

    Câu hỏi: Khi ông nói về tính mở và sự thay thế cho điều gì đó, hãy nói cho bồi thẩm đoàn biết điều đó nghĩa là gì?

    Ông Schmidt: Vào thời điểm đó, chúng tôi rất lo ngại về các sản phẩm của Microsoft. Hiện tại nó ít có liên quan đến nhau, nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi lo ngại rằng chiến lược di động của Microsoft sẽ thành công.

    Nó cũng đúng vào thời điểm đó, khi người đang thống lĩnh ngành công nghiệp là Nokia, hãng có hệ điều hành với tên gọi Symbian, một mối lo ngại khác của chúng tôi. Điều này xảy ra trước khi cuộc cách mạng iPhone bắt đầu và trước cả khi iPhone xuất hiện."

     Chiếc Android đáng nhẽ sẽ ra mắt, nếu không có sự xuất hiện của iPhone.

    Chiếc Android đáng nhẽ sẽ ra mắt, nếu không có sự xuất hiện của iPhone.

    Lúc đó, điều mà ông Schmidt và các lãnh đạo khác của Google lo lắng là phải đảm bảo người dùng di động vẫn tiếp tục truy cập vào thanh tìm kiếm của Google. Ông thấy một cách rõ ràng rằng, nền tảng phần mềm sẽ kết thúc khi nhiều nhà sản xuất khác sẽ chuyển sang cấp phép và sử dụng điện thoại, lúc đó ông muốn Google sẽ vẫn ở trên các thiết bị đó.

    Nhưng thay vì tin rằng Nokia và Microsoft hay ai đó sẽ mở cửa nền tảng với họ, Google muốn đi trước và tự làm nền tảng mở cho mình. Và sau khi phát hành nó để mọi người sử dụng miễn phí, làm hạ giá phí bản quyền của Microsoft dành cho Windows Mobile.

    "Giá như" Windows Phone

    Vì vậy, Windows Phone đã bị tiêu diệt khi nó bị Android đánh bại trên thị trường di động. Trong khi Microsoft mất quá nhiều thời gian để đưa ra một đối thủ của iPhone – đến tận năm 2010 nó mới được ra mắt. Cùng lúc đó, Android đã có mặt trên thị trường được hai năm, và Verizon đã bán ra chiếc Droid được một năm.

     Những chiếc Windows Phone đầu tiên ra mắt.

    Những chiếc Windows Phone đầu tiên ra mắt.

    Bất chấp việc thị trường bị iPhone làm chao đảo một thời gian, các nhà mạng tại Mỹ vẫn có quyền lực để làm nên người thắng kẻ thua trên chiến trường. Trong khi hãng AT&T độc quyền phân phối iPhone, ba nhà mạng khác của Mỹ cũng tìm kiếm các sản phẩm cạnh tranh. Đặc biệt là Verizon, nhà mạng sau khi thất vọng với BlackBerry Storm và Palm Pre, đã lựa chọn chiếc Droid cho hệ thống của mình. Windows Phone 7 đã ra mắt chậm một năm để được các nhà mạng và khách hàng lựa chọn.

    Trên đây chỉ là những mốc thời gian đã được đơn giản hóa. Trong thực tế, các hãng như Nokia, BlackBerry hay Palm đều đã có nhiều cơ hội để sửa sai, nhưng rồi họ lại mắc đủ các sai lầm khác, để bây giờ tất cả chỉ có thể tổng kết bằng những từ như “giá như”.

    Nhưng trong ngành công nghiệp di động, không ai có thể nói từ “giá như” nhiều hơn Windows Phone. Mọi thứ đã làm Android thành công cũng là những thứ mà Microsoft đã cố gắng thực hiện. Chỉ là họ đã không làm nó đủ tốt, không miễn phí và hoàn thành nó quá muộn.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ