Anh thông báo sẽ cấm Huawei khỏi mạng 5G, đồng thời yêu cầu nhà mạng loại bỏ thiết bị Huawei trước năm 2027.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cấm nhà mạng mua thiết bị mới do Huawei sản xuất và yêu cầu họ loại bỏ công nghệ Huawei khỏi mạng 5G trước năm 2027. Quyết định của Anh đánh dấu thắng lợi lớn đối với Mỹ.
Trước đó, Mỹ tiếp tục dồn Huawei vào chân tường khi cấm các nhà sản xuất bán dẫn sử dụng thiết bị Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép. Việc Mỹ hạn chế khả năng mua chip của Huawei đã khiến Anh đặt câu hỏi về khả năng cung ứng thiết bị 5G trong tương lai của hãng.
Trụ sở Huawei tại Anh. Ảnh: Getty Images
Oliver Dowden, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kỹ thuật số, phát biểu với báo giới rằng việc mua thiết bị 5G Huawei sẽ bị cấm từ cuối năm nay và thiết bị của công ty Trung Quốc sẽ phải biến mất khỏi mạng viễn thông Anh trước năm 2027. Ngoài ra, Anh cũng mở cuộc điều tra xem khi nào nên cấm mua thiết bị Huawei cho mạng cáp quang.
“Đây không phải quyết định dễ dàng nhưng là đúng đắn cho mạng viễn thông Anh, cho an ninh quốc gia và cho nền kinh tế của chúng ta, hiện tại và lâu dài”, ông Dowden nói.
Động thái của Anh được đưa ra sau khi Mỹ gây áp lực lên chính quyền châu Âu nhằm loại bỏ Huawei. Các quan chức cao cấp, dẫn đầu là cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và những người đồng cấp đến từ Italy, Đức, Pháp và Anh sẽ gặp nhau tại Paris vào tuần này.
Từ lâu, Mỹ tố Bắc Kinh có thể ra lệnh cho Huawei gián điệp hay phá hoại mạng 5G, cáo buộc mà cả Huawei và Trung Quốc liên tục phủ nhận. Canada là quốc gia duy nhất trong liên minh tình báo Five Eyes – bao gồm Anh, Mỹ, Australia và New Zealand – chưa quyết định có cho dùng thiết bị Huawei trong mạng 5G hay không.
Nhà mạng Anh cho rằng vội vàng loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng viễn thông có thể dẫn đến sự cố mạng đối với khách hàng, tổn hại hàng tỷ USD và trì hoãn triển khai 5G. Lãnh đạo các nhà mạng tuần trước phát biểu trước một hội đồng rằng phải có khung thời gian từ 5 tới 7 năm cho việc này để tránh bị gián đoạn. Dù vậy, một nhóm các nhà lập pháp nhấn mạnh chính phủ phải loại bỏ với tốc độ nhanh hơn.
Quyết định của Anh là đòn giáng nặng nề vào Huawei, vốn đang tăng cường đầu tư vào thị trường với một trung tâm nghiên cứu, phát triển mới tại Cambridge. Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị Mỹ - Trung. Gần đây, cuộc chiến còn mở rộng sang các dịch vụ Internet mà mục tiêu tiếp theo rất có thể là TikTok.
Huawei vừa báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 7 năm trở lại đây do chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ và dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Công ty đạt doanh thu 454 tỷ NDT trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Du Lam (Tổng hợp)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI