Ant Group của Jack Ma gặp biến lớn: Liên đới nhiều đại án tham nhũng, hàng loạt ngân hàng, công ty nhà nước bị yêu cầu giải trình mối quan hệ
Nguyên nhân thực sự đằng sau sự kìm kẹp của giới chức Bắc Kinh với Ant Group là gì?
Đã 16 tháng kể từ khi thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group bị hoãn ở cả Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc). Fintech này sau đó đã trải qua nhiều đợt tái cấu trúc, buộc mình trở thành một công ty cổ phần tài chính và tuân theo các quy định về vốn tương tự như ngân hàng. Ant Group khi đó đích thực là một "công dân ngoan ngoãn", thậm chí là nhàm chán.
Vậy nên, thật ngạc nhiên khi đế chế tài chính của Jack Ma lại một lần nữa bị Trung Quốc kìm kẹp. Nhiều ngân hàng và công ty quốc doanh đều bị yêu cầu kiểm tra mức độ rủi ro tài chính cũng như các mối liên hệ riêng đặc biệt với Ant Group trong công cuộc siết chặt giám sát mới nhất của giới chức đại lục.
Liệu đây có thể chỉ là đợt kiểm tra đơn thuần?
Theo Bloomberg, đây là một phần của chiến dịch chống tham nhũng cấp cao trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc từ tháng 10 năm ngoái. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nước này đã tiến hành thanh tra cải tổ 25 tổ chức tài chính, trong đó có nhiều cơ quan quản lý, ngân hàng chính sách, ngân hàng quốc doanh, các tổ chức tín dụng và công ty bảo hiểm. Ant đã thực hiện rất nhiều thương vụ với ngân hàng nhà nước trong mảng cho vay tiêu dùng, vì vậy, việc chính phủ yêu cầu các tổ chức báo cáo mối liên hệ với Ant cũng là điều dễ hiểu.
Ant Group
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thực sự có một nguyên nhân khác đằng sau động thái trên của chính phủ. Trong tháng này, Trung Quốc đã bắt giữ cựu bí thư thành ủy Hàng Châu - nơi Ant đặt trụ sở chính – do nghi ngờ ông nhận hối lộ. Một vài công ty fintech được cho là có liên đới.
Chiến dịch chống tham nhũng này đã trở thành lần điều tra mang quy mô lớn nhất kể từ năm 2016. Tháng 9 năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên ban hành bộ hướng dẫn chi tiết đối với 101 tội danh, bao gồm hối lộ, sao lãng nhiệm vụ, giao dịch nội gián hoặc ký phê chuẩn các thương phiếu đáng ngờ.
Hình phạt rất nghiêm khắc. Ông Hu Huaibang, cựu Chủ tịch tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã bị kết án tù chung thân với tội danh hối lộ và cấp hạn mức tín dụng 4,8 tỷ USD cho CEFC China Energy dù công ty này lúc đó đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ông Lai Xiaomin, cựu Chủ tịch China Huarong Asset Management cũng bị xử tử do nhận hối lộ 1,8 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).
Alibaba và rất nhiều công ty công nghệ khác bị chính phủ Trung Quốc "siết gọng kìm"
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sắp "mất kiên nhẫn với hệ thống các ngân hàng". Mọi hoạt động tín dụng và đầu tư không trong sạch theo đó đều có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD và khiến giới quan liêu ngồi tù nhiều năm.
Cũng có người cho rằng Trung Quốc hủy bỏ thương vụ IPO của Ant một phần là do không hài lòng với cấu trúc sở hữu phức tạp của công ty. Các báo cáo đều cho thấy Ant có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân được ít người biết đến.
Bên cạnh đó, việc chính phủ Trung Quốc kìm kẹp Ant cũng được cho là xuất phát từ mục tiêu "thịnh vượng chung" - tức tài sản được phân bổ ở mức vừa phải cho tất cả mọi người thay vì chỉ tập trung vào những nhóm giàu có.
Tuy nhiên, bất kể nguyên nhân là gì đi chăng nữa, Ant và Alibaba – "con cưng" của Jack Ma vẫn là những tập đoàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thậm chí, Bloomberg Intelligence còn dự báo sự kìm kẹp của chính phủ có thể khiến Ant "bốc hơi" 2/3 giá trị vốn hoá.
Mới đây nhất, Alibaba – chủ sở hữu hơn 30% cổ phần của Ant đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 đáng thất vọng. Tăng trưởng doanh thu của tập đoàn này hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu lần đầu hồi năm 2014.
Từng tăng trưởng rất nhanh, thậm chí thống trị thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, Alibaba vừa phải trải qua một năm đầy sóng gió: vừa đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, vừa vật lộn với sự giám sát chặt chẽ của giới chức Bắc Kinh. Công ty này hồi tháng 4/2021 đã lĩnh án phạt kỷ lục gần 3 tỷ USD với cáo buộc "lợi dụng vị thế thống trị" để độc quyền trong hoạt động kinh doanh.
CEO Alibaba Daniel Zhang cho biết fintech này sẽ buộc phải "lùi một bước" để tiến "nhiều bước" trong bối cảnh hiện tại.
"Chúng tôi tin rằng về cơ bản mình đã thu hút được tất cả người tiêu dùng có sức mua tại Trung Quốc. Chúng tôi sẽ chuyển trọng tâm, từ thu hút người dùng mới, sang giữ chân những người dùng cũ", ông Zhang cho biết.
Theo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín