Áp dụng công nghệ đứng sau những đồng tiền ảo, Trung Quốc kiên quyết đẩy lùi nạn thực phẩm giả
Bất chấp nỗ lực cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh cũng như việc áp dụng các công nghệ hiện đại, vấn nạn thực phẩm giả đã trở thành một căn bệnh mãn tính tại quốc gia này, và có thể lây lan ra những nơi khác.
Thưởng thức một bát kem lạnh giữa cái nóng gay gắt của Thượng Hải đã làm doanh nhân người Mỹ, ông Mitchell Weinberg phải trải qua lần ngộ độc thực phẩm tồi tệ nhất mà ông từng gặp phải. Nhưng sau đó, nó đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà tư vấn thương mại này lập nên Inscatech – một mạng lưới toàn cầu về giám sát thực phẩm.
Theo yêu cầu của các nhà sản xuất thực phẩm và các nhà bán lẻ đa quốc gia, Inscatech và các đại diện của mình tại các chuỗi cung ứng trên khắp thế giới đang săn tìm bằng chứng về nạn lạm dụng và gian lận trong ngành công nghiệp thực phẩm. Trong vòng 8 năm sau khi thành lập công ty của mình, Weinberg nhận thấy, Trung Quốc tiếp tục là một khu vực chủ chốt cho những kẻ gian lận trú ngụ cũng như là nơi đang phát triển các công nghệ nhằm chống lại chúng.
“Về mặt thống kê, chúng tôi phát hiện ra việc gian lận trong khoảng 70% vụ việc, nhưng ở Trung Quốc, con số lên tới gần 100%.” Ông cho biết. “Vấn nạn này rất phổ biến, xảy ra trên hầu hết các nhóm thực phẩm, và nó là bất cứ thứ gì mà bạn có thể tưởng tượng ra.”
Cảnh sát đang kiểm tra một cơ sở chế biến dầu ăn bất hợp pháp, trong một đợt truy quét vào tháng Tám 2010.
Quả thật, trong hơn một thập kỷ qua, những tin tức về các scandal thực phẩm giả ở Trung Quốc trong hầu hết các nhóm khác nhau – từ sữa công thức cho trẻ em bị nhiễm melamin, cho tới thịt chuột giả dạng thịt cừu – đã biến quốc gia này, từ một nơi tiêu thụ và sản xuất thực phẩm lớn nhất hành tinh, thành một nguồn cung cấp thực phẩm kém chất lượng, giả mạo và ô nhiễm.
Công ty của Weinberg đang phát triển các thiết bị theo dấu và xác định vân tay để giúp phân biệt các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và chính hiệu trước cơn bão thực phẩm giả. Các công ty có những cách tiếp cận khác đang theo đuổi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm theo dấu và ghi lại xuất xứ của thực phẩm, trên đường từ trang trại cho đến bàn ăn.
“Người tiêu dùng muốn biết sản phẩm đến từ đâu.” Shaun Rein, giám đốc điều hành của hãng tư vấn China Market Research, cho biết trong các cuộc khảo sát của hãng tư vấn này với người tiêu dùng và các nhà điều hành siêu thị.
Các cơ hội kinh doanh mới
Theo ông Rein, các dịch vụ giúp những công ty giảm nhẹ rủi ro về danh tiếng khi có liên quan đến thực phẩm giả đang trở thành “một khu vực tăng trưởng lớn”. “Đó là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời,” ông cho biết. “Nó không chỉ quan trọng đối với sân chơi Trung Quốc, mà còn trên cả sân chơi quốc tế, bởi vì các công ty thực phẩm Trung Quốc đang trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Một số công ty thực phẩm lớn nhất này đang hậu thuẫn cho một loại công nghệ đang làm nên những đồng tiền mã hóa trên thế giới. Nó được gọi là blockchain, và về cơ bản, nó là một sổ cái ghi lại các giao dịch, được mã hóa bảo mật và chia sẻ giữa những người dùng với nhau.
Công ty Wal-Mart Stores Inc., nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, là một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ này. Họ vừa mới hoàn thành việc thử nghiệm sử dụng blockchain để theo dõi đường đi của thịt lợn ở Trung Quốc, nơi họ có đến 400 cửa hàng trên cả nước.
Theo ông Frank Yiannas, phó giám đốc của Wal-Mart về an toàn thực phẩm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, nhờ công nghệ này, thời gian để theo dấu chuỗi cung ứng thực phẩm của mỗi miếng thịt đã được cắt giảm từ 26 giờ xuống chỉ còn vài giây, và blockchain có khả năng mở rộng ứng dụng sang các sản phẩm khác.
Trong tháng Sáu vừa qua, công ty dịch vụ công nghệ và thông tin Zhong An tại Thượng Hải cũng cho biết, họ sẽ sử dụng công nghệ này để theo dõi gà từ cơ sở chế biến ra đến thị trường và các cửa hàng.
Những người tiên phong trong blockchain
Tập đoàn Alibaba Group Holding là một người khổng lồ khác cũng nhìn thấy cơ hội từ loại công nghệ đã tám năm tuổi này. Họ có thể áp dụng nó để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm tốt hơn trên các nền tảng của mình, vốn chiếm đến 75% doanh số bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc trong năm 2015. Theo kế hoạch, dự án áp dụng blockchain này sẽ có sự tham gia của tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc và các nhà cung cấp thực phẩm tại Úc và New Zealand, Bưu điện Australia và hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers.
“Thực phẩm giả đang là một vấn nạn nghiêm trọng trên toàn cầu.” Maggie Zhou, giám đốc điều hành của Alibaba tại Úc và New Zealand. “Dự án này là bước đầu tiên trong việc tạo ra một nền tảng đáng tin cậy trên toàn cầu nhằm bảo vệ danh tiếng của những nhà buôn bán thực phẩm và giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi mua thực phẩm trực tuyến.”
Trưng bầy các loại rượu giả tại Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Bắc Kinh năm 2007.
Theo ông John Spink, giám đốc của Sáng kiến chống thực phẩm giả của Đại học bang Michigan, nạn giả mạo hàng năm làm tiêu tốn cho ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu đến 40 tỷ USD. Ở Trung Quốc năm 2008, cuộc khủng hoảng sữa nhiễm melamine đã dẫn đến cái chết của ít nhất 6 đứa trẻ, và trở thành một vấn đề nóng bỏng khi nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao và số lượng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng.
Một nghiên cứu của trung tâm Pew thực hiện vào năm ngoái cho thấy 40% người Trung Quốc xem an toàn thực phẩm như “một vấn đề rất quan trọng”, tăng 12% so với năm 2008.
Mối quan tâm toàn cầu
“Đó không phải vấn đề riêng của Trung Quốc – đó là một vấn đề toàn cầu.” Yongguan Zhu, tổng giám đốc của Viện Môi trường Đô thị, một bộ phận của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết. “Những gì chúng ta phải làm là củng cố các quy định để cải thiện tính minh bạch của chính quyền, ví dụ như chia sẻ thông tin.”
Ông Zhu cho rằng, blockchain có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở dữ liệu của của các hồ sơ có thể được xây dựng giống như một chuỗi liên kết và không thể bị phá vỡ hoặc sắp xếp lại mà không làm gián đoạn toàn bộ hệ thống kết nối.
Cảnh nông dân đổ bỏ sữa không bán được tại Hồ Bắc năm 2008.
Trong năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường các quy định về an toàn thực phẩm của mình, nhằm đối phó với số lượng lớn của các vụ scandal. Theo một báo cáo vào tháng Tư của Học viện Paulson, một cơ quan nghiên cứu tại Washington, những kẻ sản xuất thực phẩm giả và hàng giả sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp nghiêm khắc hơn, bao gồm cả việc bỏ tù, và hơn 800 triệu USD đã được sử dụng để thuê thêm nhân viên quản lý an toàn thực phẩm và giám sát các cơ sở sản xuất. Tháng trước, Bắc Kinh đã nhắc nhở các nhà chức trách về sự cần thiết phải sẵn sàng công khai các vấn đề về an toàn thực phẩm.
“Thực phẩm giả luôn tồn tại.” Yongning Wu, nhà khoa học trưởng tại Trung tâm quốc gia về Đánh giá Rủi ro An toàn Thực phẩm Trung Quốc, cho biết. Trong khi các nhà chức trách tại Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến toàn cầu chống lại vấn nạn này, ông Wu không cho rằng vấn đề này sẽ biến mất.
“Chúng ta chỉ có thể phát triển công nghệ để phát hiện nó.” Ông cho biết. “Tuy nhiên, những nhà sản xuất thực phẩm giả sẽ luôn cập nhật công nghệ của mình để tránh né việc giám sát.”
Blockchain không phải cây đũa thần cho nạn thực phẩm giả
Sự quỷ quyệt của những kẻ lừa đảo là điều làm ông Weinberg của Inscatech ít hy vọng vào blockchain. Hãng của công chủ yếu sử dụng những người cung cấp tin trên thực tế để xác định nơi nào đang sản xuất thực phẩm giả mạo, và phần lớn công việc của ông ở Trung Quốc là có liên quan đến công ty phương Tay đang sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm đó.
“Vấn đề là dữ liệu chỉ đáng tin cậy nếu người cung cấp dữ liệu đó đáng tin cậy.” Ông Weinberg cho biết, khi ông đã từng chứng kiến từ quả trứng đến con tôm bị làm giả, và vẫn có thể phát ra tiếng xèo xèo trong chảo. “Trong phần lớn chuỗi cung cấp, luôn có một hay nhiều hơn người cung cấp dữ liệu “không đáng tin cậy”. Điều này có nghĩa là blockchain dường như vô dụng trong việc bảo vệ và chống lại thực phẩm giả, trừ khi mọi dữ liệu được thu thập đều chính xác.”
Cuộc điều tra kéo dài một tháng của Bloomberg về hoạt động kinh doanh tôm trên toàn cầu vào năm ngoái đã cho thấy các tài liệu có thể không đáng tin đến mức độ nào, khi người ta phát hiện ra hàng loạt lộ trình chuyển tải bất hợp pháp có liên quan đến các nhà xuất thủy sản Trung Quốc.
Nhưng theo Yiannas, người phụ trách về an toàn thực phẩm của Wal-Mart, blockchain chỉ như “một đốm sáng nhỏ” so với hệ thống của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu ngày nay, vốn chủ yếu dựa vào các giấy tờ báo cáo. Ông cho rằng, bằng cách ghi lại danh tính của những người nhập dữ liệu vào chuỗi, công nghệ blockchain có thể loại bỏ sự ẩn danh, yếu tố giúp vấn nạn gian lận thực phẩm phát triển.
Ông Yiannas cho biết, vai trò của con người trong việc ghi chép chuỗi cung ứng cũng sẽ phải giảm bớt. “Ngày càng nhiều các loại tài liệu này cuối cùng sẽ được thu thập một cách tự động.”
Theo ông Michael Ellis, người phụ trách bộ phận buôn bán thực phẩm trái phép của Interpol đến tháng Mười năm nay, cho biết, các thách thức tại Trung Quốc là vô cùng rộng lớn, do diện tích, dân số, các tầng lớp của sự phân chia hành chính, và “sự sẵn sàng của bộn tội phạm khi khai thác mọi góc cạnh có thể để kiếm tiền.”
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín