Ngày 21-5, chủ tịch Apple Timothy D. Cook đã bị triệu tập đến Quốc hội Mỹ để giải trình về sự việc Apple - tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới - bị Quốc hội nước này chỉ ra đây là tập đoàn trốn thuế lớn nhất.
Báo New York Times dẫn báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết tập đoàn công nghệ số 1 thế giới này đã lập hàng loạt công ty “ma” ở khắp các châu lục để trốn thuế. Hệ thống công ty con này vượt xa mọi quy mô mà các chuyên gia từng ghi nhận.
Ngày 21-5, chủ tịch Apple Timothy D. Cook đã bị triệu tập đến quốc hội để giải trình về sự việc này. Việc Tim Cook xuất hiện trước Thượng viện Mỹ quả là chưa từng có tiền lệ đối với Apple. Theo báo New York Times, trong bài chuẩn bị cho cuộc điều trần, lãnh đạo Apple khẳng định họ không dùng thủ thuật trốn thuế nào cả.
Công ty con không nhân viên
"Các tập đoàn lớn của Mỹ đã tăng doanh thu của họ lên 15% trong năm ngoái và đạt 1.900 tỉ USD. Tuy nhiên, hầu hết đều né thuế bằng cách giữ lợi nhuận của mình ở nước ngoài"
Hãng kiểm toán Audit Analystics
Thế nhưng báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết một số công ty con của Apple ở các “thiên đường tài chính” trên thế giới hoàn toàn không có nhân viên nào và được dựng lên chỉ để làm bình phong giấu bớt lợi nhuận của tập đoàn mẹ.
Bằng việc chuyển lợi nhuận ra các công ty con, Apple trên thực tế đã biến thành một tập đoàn “phi quốc gia” và trốn được nhiều khoản thuế mà tập đoàn này lẽ ra phải nộp.
Trong số những công ty con của Apple ở nước ngoài, chi nhánh có tên Apple Operations International (AOI) tại Ireland là đáng kể nhất.
Thông qua chi nhánh này, Apple đã đàm phán được mức thuế thu nhập đặc biệt dưới 2%/năm. Trong khi đó AOI, với doanh thu khoảng 30 tỉ USD trong giai đoạn 2009-2012, lại chưa hề khai báo thuế ở Ireland, Mỹ hay bất cứ nước nào khác trong năm năm qua.
Một công ty con khác của Apple ở Ireland là Apple Sales International được xác định đã nộp 0,05% thuế trên doanh thu 22 tỉ USD trong năm 2011.
Điều tra của Thượng viện Mỹ cũng đồng thời phát hiện số tiền thuế Apple nộp cho nhà nước lại ít hơn nhiều so với con số tập đoàn này công bố công khai với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). “Apple đã lợi dụng sự khác biệt giữa luật thuế của Ireland và Mỹ” - báo cáo của Thượng viện Mỹ chỉ rõ.
Trong khi đó, Apple lại cho rằng AOI không giúp được gì cho họ trong việc họ giảm thuế và tập đoàn này sẽ phải nộp hơn 7 tỉ USD tiền thuế trong năm tài chính 2013. Thông thường các tập đoàn Mỹ sẽ phải trả 35% thuế doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận từ nước ngoài. Tuy nhiên, số thuế này sẽ chỉ phải nộp khi được chuyển về nước.
“Apple không chỉ dừng lại ở việc chuyển lợi nhuận đến những thiên đường thuế thấp ở nước ngoài - thượng nghị sĩ Carl Levin, chủ tịch tiểu ban điều tra thường xuyên của thượng viện, phân tích - Họ đã tạo ra những thực thể nắm giữ hàng chục tỉ USD ở nước ngoài trong khi lại nói mình không phải chịu thuế ở đâu cả”.
Theo báo cáo của Thượng viện Mỹ, trong những năm gần đây Apple đã né được thuế đối với hàng chục tỉ USD mà tập đoàn này kiếm được ở nước ngoài. Năm ngoái, các hoạt động ở nước ngoài của Apple chiếm khoảng 61% doanh thu của toàn tập đoàn.
Cho đến giờ, các nhà điều tra Mỹ vẫn chưa chính thức cáo buộc Apple về tội danh gì. Thế nhưng ngày 21-5, Phó thủ tướng Ireland Eamon Gilmore vội vã lên tiếng khẳng định quốc gia này luôn hành xử trong khuôn khổ luật pháp và “không chịu trách nhiệm” đối với việc Apple né thuế ở Mỹ.
“Trơ tráo không thể tin nổi”
Dù Apple không phải là tập đoàn đa quốc gia duy nhất của Mỹ bị điều tra về việc sử dụng “ma trận” các công ty con để trốn thuế, nhưng vi phạm của Apple bị coi là chấn động vì số tiền khổng lồ và vì việc tập đoàn này luôn khẳng định các công ty con của họ không phải chịu thuế của bất cứ chính quyền nào.
Tổng cộng, theo báo cáo, Apple đã chuyển về Mỹ ít nhất 74 tỉ USD trong giai đoạn 2009-2012. Dù đây là số tiền ở nước ngoài, nhưng theo các nhà điều tra, Apple vẫn có nghĩa vụ phải nộp thuế khi chuyển về Mỹ.
Theo các báo cáo của Apple với SEC, doanh thu ở nước ngoài chưa nộp thuế của Apple là khoảng 40,4 tỉ USD. Nếu chuyển số tiền đó về Mỹ, Apple sẽ phải nộp 13,8 tỉ USD tiền thuế.
“Có một từ ngữ mà các nhà kinh tế học thường dùng để chỉ các hành vi kiểu này là trơ tráo không thể tin nổi” - giáo sư Edward Kleinbard của ĐH Nam California mô tả. “Còn thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích thẳng: Apple tuyên bố họ là tập đoàn nộp thuế nhiều nhất, nhưng chỉ cần dựa trên quy mô vụ này thì Apple cũng là tập đoàn trốn thuế nhiều nhất”.
Theo Bloomberg, Apple hiện có khoảng 102 tỉ USD ở các tài khoản nước ngoài và đã chuyển hàng tỉ USD lợi nhuận ra khỏi Mỹ sang các công ty con ở Ireland. Apple đã lợi dụng quy định cho phép các phần cổ tức và các phần chi phí của các công ty con không bị Cục Thuế vụ liên bang kiểm tra để né được ít nhất 9 tỉ USD tiền thuế trong năm 2012.
Dù chưa kết tội Apple, các nghị sĩ đều cho rằng đây là trường hợp điển hình để họ có thể tìm ra biện pháp đánh thuế các tập đoàn chính xác hơn.
Theo Thanh Tuấn
Tuổi trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương