Apple đang đánh xuống dưới nhưng ai sẽ là nạn nhân kế tiếp?

    Ngocmiz,  

    Bây giờ, câu hỏi sẽ lại quay về: Liệu Apple sẽ chọn ai để đánh tiếp?

    Apple đã từng thắng lớn trên nhiều trận chiến. Hãng công nghệ này đã đặt ra chuẩn mực mới cho những chiếc smartphone và tablet hiện đại, sáng chế lại cách chúng ta nghe nhạc hay “triệt hạ” những chiếc ổ cồng kềnh trên laptop.

    Trong những trận chiến này, Apple đã phải chống lại loạt đối thủ khổng lồ đương thời như Microsoft, IBM hay Nokia. Đây chính là chiến lược để một công ty như Apple leo lên đỉnh cao: Tìm gã khổng lồ lớn nhất trong phòng rồi giáng thẳng một nắm đấm vào mặt hắn. Năm 2006, Nokia sở hữu tới 48% thị phần điện thoại di động và đạt giá trị vốn hóa 80 tỷ USD. Năm 2008, thị phần của hãng tụt xuống dưới 40% và đến 2010 thì chỉ còn 30%. Giờ đây, Nokia dường như không còn tồn tại nữa. Vấn đề không phải Apple đã chiếm sạch thị phần của Nokia mà là ở chỗ Steve Jobs đã thay đổi thế trận theo cách mà Nokia không thể phản kháng nổi.

    Điều tương tự cũng từng xảy ra với những chiếc máy nghe nhạc MP3 và các dịch vụ phân phối nhạc online.

    Thế nhưng với mục tiêu còn chưa rõ ràng trong địa hạt sản xuất xe hơi, Táo khuyết đang tìm kiếm trận chiến mới với những ai? Câu trả lời có vẻ như nằm ở những startup như Fitbit hay Spotify.

    Nhu cầu thấp có thể chính là lý do khiến Apple thuyết trình về Apple Watch, sản phẩm mới đầu tiên của hãng kể từ Steve Jobs qua đời, như một thiết bị theo dõi sức khỏe tuyệt vời để cạnh tranh với các startup vòng đeo chứ không phải một chiếc smartwatch như trước đây nữa. Năm 2015, Apple bắt đầu cuộc chiến với Samsung khi đưa một thiết bị điện toán lên cổ tay người dùng. Chỉ 1 năm sau đó, Táo khuyết đã phải vật lộn để đuổi kịp Fitbit về doanh số bán bởi hãng luôn tạo cho người ta cảm giác như thể phải mua hẳn một chiếc Ferrari cao cấp chỉ để đếm số bước chân.

    Xét trên phương diện này, Apple đang định vị sai hình ảnh của mình trên một thị trường hẹp với những đối thủ nhỏ bé nhưng tung ra sản phẩm phù hợp hơn.

    Fitbit đang có giá trị thị trường 3 tỷ USD, trong khi đó Apple đã đạt ngưỡng 620 tỷ USD. Hãng vòng đeo nổi tiếng tự tin dự đoán sẽ đạt giá trị 5,4 tỷ USD vào 2019 bởi đây là lĩnh vực Fitbit đã đi đầu từ ít nhất là năm 2014, dù đúng là có bị Apple có tước mất một lượng thị phần nhất định. Tuy vậy, ngay cả khi Apple có sở hữu toàn bộ thị phần thiết bị theo dõi sức khỏe vào năm 2019 thì doanh thu từ Apple Watch vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng doanh thu hàng năm của công ty (chính xác là 2%, theo số liệu năm 2015).

     Biểu đồ: Fitbit vẫn thống lĩnh thị trường thiết bị đeo (Cột tím: doanh số quý I/2015; cột xanh: doanh số quý I/2016)

    Biểu đồ: Fitbit vẫn thống lĩnh thị trường thiết bị đeo (Cột tím: doanh số quý I/2015; cột xanh: doanh số quý I/2016)

    Ngoài doanh thu dự kiến nêu trên, Apple Watch Series 2 còn được đặt mức giá cao một cách "quá đáng": 369 USD. Chiếc Fitbit Flex 2, sản phẩm tương đương với Apple Watch Series 2 với tính năng chống nước và thu thập dữ liệu cũng chỉ có giá 99 USD. Cho dù có thích một chiếc Fitbit Blaze smartwatch sành điệu thì số tiền bạn phải bỏ ra cũng rẻ hơn 150 USD so với chiếc Watch của Táo. Tuy có đôi chút khập khiễng nhưng nếu chỉ muốn sở hữu một chiếc vòng đeo theo dõi sức khỏe chống nước thì bạn thậm chí còn một lựa chọn giá tốt hơn nữa là Xiao Mi Band 2 chỉ với 30 USD.

    Tương tự với ngành công nghiệp âm nhạc, tương lai của Apple cũng không hề được đảm bảo. Thị phần của Apple Music vẫn thua xa Spotify, startup được định giá 8 tỷ USD nhưng sở hữu tới 40 triệu người dùng trả phí hãng tháng (đó là còn chưa tính lượng 60 triệu người dùng không trả phí nhưng giúp Spotify kiếm doanh thu từ quảng cáo). Apple, hãng công nghệ đã khai sinh ra phương thức phát hành âm nhạc trực tuyến hiện nay và bỏ lại sau nó không ít “xác chết” của các đối thủ cuối cùng lại chỉ sở hữu 17 triệu người dùng subscribe trả phí (Apple không có lượng người dùng không trả phí nhưng lại có chế độ free trial). Spotify đã tăng trưởng chóng mặt với hơn 10 triệu người dùng trả phí mới từ tháng 3 năm nay, trong khi đó Apple phải mất tới 5 tháng mới kéo thêm được 4 triệu người dùng mới.

    Chính chiến lược ban đầu của Apple đã đưa công ty lên đỉnh cao. Mặc dù chẳng sở hữu thị phần thống trị ở bất kỳ mảng cốt lõi nào nhưng Apple hiện vẫn đang là công ty có giá trị cao nhất thế giới. Điều quan trọng là Apple kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ đối thủ nào bán cùng những loại sản phẩm đó.

    Rất có thể Apple sẽ có tham vọng tiêu diệt các đối thủ từ trước khi họ trở thành những mối đe dọa lớn hơn, cũng có thể Apple đang dự kiến đặt chân vào những thị trường mới có mức tăng trưởng tương đương. Thế nhưng ngay lúc này đây, Apple đang không dành phần thắng. Đối với một công ty có thể bán hàng tỷ chiếc iPhone, mục tiêu sẽ là hoặc thắng lớn, hoặc chẳng là gì hết.

    Và bây giờ, câu hỏi lại quay về: Liệu Apple sẽ chọn ai để đánh tiếp?

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày