Apple điều chỉnh dự báo lợi nhuận cho thấy hãng này quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc

    Tấn Minh,  

    Virus Corona đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả chuỗi cung ứng lẫn nhu cầu thị trường đối với nhà sản xuất iPhone.

    Lần thứ hai trong hai năm, Apple đã phải hạ mức dự báo lợi nhuận vì những biến động tại Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò "động cơ" cho sự tăng trưởng và thành công của hãng. Đầu tiên là cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, và hiện tại là dịch virus Corona - cả hai đã khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về sự lệ thuộc của nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng giá trị nhất thế giới vào Trung Quốc, với vai trò là một thị trường đáng tin cậy và cũng là một đối tác chuỗi cung ứng.

    Dịch virus Corona đang "bóp nghẹt" mọi dây chuyền sản xuất và dịch vụ hậu cần của mọi nhà sản xuất tại Trung Quốc, và chuỗi cung ứng lẫn nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm của Apple cũng không phải là ngoại lệ: các nhà máy của hãng dù đã trở lại hoạt động nhưng vẫn chậm hơn dự kiến, và phần lớn trong số 42 cửa hàng Apple tại quốc gia này cũng rơi vào tình trạng lặng im. Tất cả cho thấy hoạt động kinh doanh của Apple đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào bởi những sự cố diễn ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Doanh thu tại thị trường này giảm sút sẽ gần như ngay lập tức tác động đến kết quả kinh doanh toàn quý, và tình hình trì trệ đang lan rộng trong các dây chuyền sản xuất đang đe dọa ảnh hưởng đến lợi nhuận iPhone trên toàn cầu trong nhiều tháng tiếp theo.

    Giữa dịch virus Corona, Apple đang chuẩn bị tung ra một chiếc iPhone giá rẻ mới, khoảng 400 USD. Mẫu máy này vẫn được lên lịch ra mắt vào tháng 3, dù rằng mọi kế hoạch có thể được thay đổi vào phút chót. Apple cũng đang chuẩn bị cập nhật các mẫu iPad Pro với một hệ thống camera mới trong nửa đầu năm 2020, và virus Corona có vẻ vẫn chưa gây ra bất kỳ sự chậm trễ hay khó khăn nào lên các kế hoạch này.

    Kể từ khi gia nhập công ty vào cuối những năm 1990, CEO Tim Cook đã biến chuỗi cung ứng của Apple thành một thế lực hùng mạnh khiến cả ngành công nghiệp phải ghen tị. Các sản phẩm của công ty được sản xuất tại Trung Quốc nhờ nguồn nhân lực trình độ cao nhưng giá rẻ, và có thể được chuyển đi khắp thế giới chỉ trong vài ngày. Dựa vào tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan trong hoạt động sản xuất, và hệ thống giao thông vận tải được đầu tư mạnh của Trung Quốc để đảm bảo khâu hậu cần, Apple đã trở thành một công ty nghìn tỷ đô, chủ yếu nhờ vào việc bán các sản phẩm iPhone, iPad, Mac, và các linh kiện liên quan - tất cả đều được sản xuất tại Trung Quốc.

    Có công tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân Trung Quốc, Apple còn nhận được sự ưu ái của chính phủ Trung Quốc, cho phép họ xâm nhập sâu vào thị trường này đến mức mọi ông lớn công nghệ Mỹ chỉ dám mơ mới có được. Facebook và Google đều phải đứng bên ngoài, nhìn thèm thuồng trong khi Apple bán đủ loại thiết bị tại Trung Quốc. Tập đoàn này mang về hơn 40 tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc đại lục, chỉ sau các thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, ưu thế này đồng thời cũng là yếu điểm của Apple.

    Hôm thứ hai vừa qua, Apple đã phải hạ thấp dự báo lợi nhuận trong quý I/2020 (kết thúc vào ngày 31/3), vốn đã dài hơn thông thường vì tính bất lường của dịch virus Corona. Chỉ số hợp đồng tương lai và giá trị cổ phiếu tại Mỹ của các nhà cung ứng Apple, từ Nhật Bản đến Hong Kong, đều sụt giảm sau công bố gây quan ngại về thiệt hại mà dịch gây ra cho hợp tác quốc tế lẫn hệ sinh thái của Apple. Năm ngoái, công ty đã phải điều chỉnh dự báo lợi nhuận vì nhu cầu iPhone tại Trung Quốc sụt giảm, mà theo hãng thì nguyên nhân một phần từ cuộc thương chiến đang nổ ra vào thời điểm đó giữa Mỹ và Trung Quốc.

    Tình trạng trì trệ trong dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất iPhone chính của Apple tại Trịnh Châu có thể kéo dài sang quý II/2020 (kết thúc vào tháng 6), và thậm chí là lâu hơn nữa. Foxconn chỉ mới bắt đầu tuyển dụng thời vụ vào hôm thứ hai, trễ nhiều tuần so với lịch trình dự kiến, và công ty này còn phải đáp ứng những quy định mới hết sức khắt khe nhằm hạn chế sự lây lan của virus Covid-19 trong các nhà máy của mình. Một nhà tuyển dụng (giấu tên) cho biết công ty hiện chỉ tuyển dụng công nhân mới tại khu vực Trịnh Châu, thắt chặt mọi giới hạn và buộc phải bỏ qua một lượng rất lớn người lao động đang chờ việc làm.

    Apple điều chỉnh dự báo lợi nhuận cho thấy hãng này quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

    Phải thực hiện cách ly tối đa 14 ngày đối với các công nhân trở lại làm việc từ các tỉnh xa hơn, Foxconn còn đối mặt với những thách thức trong việc quản lý lịch trình di chuyển của đội ngũ quản lý. Tại Thâm Quyến, công ty phải "nhồi nhét" đến 10 công nhân vào mỗi phòng trọ trong thời gian cách ly. Số lượng giường trống đang ngày một ít đi khi số công nhân trở lại làm việc dần tăng cao.

    Dịch đã khiến các nhà máy trên toàn Trung Quốc phải đóng cửa ngoài dự kiến thêm nhiều tuần sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, và cơn ác mộng tồi tệ nhất mà Foxconn và nhiều công ty khác lo sợ chính là dịch bệnh lây lan trong các nhà máy, khiến nhiều phần của chuỗi cung ứng bị đóng băng, qua đó gây nên tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa. Các nhà máy của Apple đã tái mở cửa trở lại, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy họ vẫn chưa thể hoạt động hết công suất như trước đây.

    Số iPhone tồn kho hiện có của các nhà bán lẻ sẽ bước đầu giúp làm dịu bớt tình hình trì trệ trong sản xuất, nhưng các nhà phân tích dự báo rằng sẽ sớm thôi, tình trạng khan hàng trên toàn cầu sẽ diễn ra.

    "Tôi cho rằng chúng ta sẽ bắt đầu thấy tình trạng khan hàng iPhone tại các thị trường ngoài Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến dự báo lợi nhuận" - nhà phân tích Apple Shannon Cross cho biết. "Trên lý thuyết, tình hình này sẽ không giết chết nhu cầu. Mà đơn giản là sẽ có nhiều đơn hàng tồn đọng hơn cần phải xử lý khi những vấn đề nêu trên được giải quyết".

    Phản ứng tức thời đối với việc Apple hạ thấp dự báo lợi nhuận đã khiến cổ phiếu của các công ty công nghệ tại châu Á sụt giảm, đặc biệt là cổ phiếu của các nhà cung ứng cho Táo khuyết. Nhưng một số tác động đối với Apple đã được dự báo rộng rãi trước đó.

    "Chúng ta chẳng thấy gì ngoài những bài báo về virus trong nhiều tuần qua. Starbucks đã đóng cửa mọi cửa hàng. Caterpillar cho các nhà máy ngừng hoạt động. Hết công ty này đến công ty khác nói điều tương tự" - Jim Paulsen, chuyên gia hoạch định chiến lược đầu tư tại Lauthold Group cho biết. Ông bày tỏ sự lạc quan của các nhà đầu tư về một sự đảo chiều nhanh chóng: "Chúng ta trông chờ những tin tức tồi tệ về doanh thu, điều đó không tốt, nhưng cũng không đáng ngạc nhiên"

    Di chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc là điều bất khả thi đối với Apple trong thời gian ngắn hạn, bởi quy mô của các mạng lưới hãng đã thiết lập, cũng như khả năng tận dụng một lực lượng lao động lên đến hàng triệu người tại quốc gia này. Những biến cố lớn từng đe dọa chuỗi cung ứng của hãng trong năm 2018 và 2019, chủ yếu xuất phát từ cuộc thương chiến, nhưng đội ngũ của Tim Cook vẫn kiên định với khu vực này và chưa cho thấy bất kỳ động thái đáng kể nào liên quan đến một cuộc "đại di tản" cả.

    "Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc quá chặt chẽ và quá lớn, sẽ rất khó để lặp lại điều đó khi di chuyển ra khỏi khu vực này" - Cross nói. "Tôi nghĩ bạn sẽ tiếp tục thấy hãng mở rộng dần sang Ấn Độ, nhưng phần lớn dây chuyển sản xuất vẫn sẽ ở Trung Quốc".

    Apple nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh của hãng vẫn tốt, rằng công ty vẫn đang trên đà đạt được lợi nhuận dự báo ở các khu vực ngoài Trung Quốc đối với cả mảng sản phẩm lẫn dịch vụ. Công ty đã triển khai một kế hoạch đa dạng hóa lâu dài, đổ hàng tỷ đô để tạo nên những nội dung stream của riêng mình cho dịch vụ Apple TV và xây dựng các dịch vụ trả phí như Apple Music và Apple Arcade. Đây chính là động thái mạnh mẽ nhất của hãng nhằm giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại: giảm tỉ lệ doanh thu phần cứng đơn thuần trong tổng doanh thu.

    Nói về cả ngành công nghiệp smartphone tại Trung Quốc, Strategy Analytics trong tháng vừa qua đã dự báo số lượng smartphone bán ra thị trường trong nửa đầu năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, sau đó sẽ hồi phục và tăng nhẹ trong những tháng cuối năm. Nếu Apple cũng theo xu hướng này, thì nhu cầu đối với iPhone có thể sẽ tăng vào những quý cuối năm chứ không phải tụt dốc trong toàn năm.

    Apple điều chỉnh dự báo lợi nhuận cho thấy hãng này quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc - Ảnh 4.

    Dự báo về số smartphone bán ra trong thời kỳ virus Corona: màu đen là dự báo trước khi dịch bệnh bùng phát, màu xanh là dự báo sau khi dịch bệnh bùng phát

    "Tôi nghĩ xét về lâu dài, Apple sẽ duy trì được vị thế rất tốt. Sẽ có đôi chút áp lực lên giá trị cổ phiếu, nhưng đó chỉ là những ảnh hưởng ngắn hạn, các nhà đầu tư sẽ vượt qua điều đó" - Cross nói.

    Tham khảo: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ