Đây là cách doanh nghiệp Trung Quốc đánh nhòa thương hiệu, nhập nhèm sản phẩm Mỹ - Trung, hạ uy tín của Apple.
Liên quan tới thông tin hãng công nghệ của Mỹ vừa bị một tòa án của Trung Quốc xử thua kiện trong việc cạnh tranh sử dụng thương hiệu iPhone, PGS.TS Vũ Trí Dũng (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, khái niệm Thương hiệu có nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng về căn bản nó mang mang tính phân biệt hoặc chỉ dẫn đến một nguồn gốc thương mại của hàng hóa/dịch vụ, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với một sản phẩm cụ thể và thậm chí trong một số trường hợp nó còn liên hệ tới hình ảnh của một quốc gia.
Giải mã đòn hiểm
Dưới góc độ pháp lý, một thương hiệu có thể được bảo hộ dưới nhiều dạng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, ví dụ như Nhãn hiệu, Tên thương mại, Chỉ dẫn địa lý,… nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ tranh chấp bản quyền, thương hiệu nhất là với những thương hiệu lớn.
Theo vị PGS, có hai nguyên tắc để xác lập quyền sở hữu cho mình nhằm chiếm đoạt thương hiệu của doanh nghiệp khác cụ thể như sau:
Theo nguyên tắc giới hạn quyền độc quyền theo lãnh thổ. Vì đặc trưng của quyền sở hữu công nghiệp (chẳng hạn như quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,…) là bị giới hạn theo nguyên tắc lãnh thổ, nghĩa là đăng ký ở đâu thì chỉ được hưởng quyền độc quyền ở lãnh thổ đó mà không mặc nhiên phát sinh hiệu lực ở nước khác
Tiếp theo là, nguyên tắc ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước. Hầu hết luật nhãn hiệu các nước trên thế giới đều quy định chỉ có đơn đăng ký nhãn hiệu nào được nộp sớm nhất trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu đó thì mới được cấp đăng ký bảo hộ.
Trong trường hợp của doanh nghiệp Trung Quốc có tên là Xintong Tiandi, theo lập luận của doanh nghiệp này họ đăng ký thương hiệu iPhone cho sản phẩm của mình tại Trung Quốc từ năm 2007 và trước khi iPhone của hãng công nghệ Mỹ trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc thì về mặt pháp lý doanh nghiệp này có quyền được sử dụng thương hiệu iPhone nhưng chỉ trong phạm vi lãnh thổ nước này và chỉ với những sản phẩm được đăng ký.
Tuy nhiên, Apple là thương hiệu có giá trị và nằm trong top những thương hiệu lớn nhất của thế giới có giá trị lên đến vài chục tỷ đô la Mỹ . Vì thế, mất thương hiệu sẽ gây ra những hậu quả đặc biệt tai hại không những đối với chủ sở hữu mà còn thậm chí ảnh hưởng tới cả một quốc gia, mà cụ thể ở đây là Mỹ.
Theo ông Dũng, ảnh hưởng trước hết Apple phải đối diện là nguy cơ mất độc quyền thương hiệu. Các sản phẩm đi theo của Apple cũng có thể bị kiện hoặc bị cấm xuất khẩu vào Trung Quốc do xâm phạm quyền độc quyền của thương hiệu đã đăng ký tại lãnh thổ đó bất kỳ lúc nào.
Thứ hai, chắc chắn doanh thu của Apple sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường lớn, chiếm tới 1/6 thị trường tiêu thụ thế giới.
Thứ ba, uy tín và danh tiếng gắn liền với thương hiệu có thể bị suy giảm nghiêm trọng khi một mặt người tiêu dùng không phân biệt được nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ đang cung cấp bởi cùng một thương hiệu, hoặc mặt khác trong một số trường hợp kẻ chiếm đoạt lợi dụng uy tín của thương hiệu sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng hóa kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng nhằm động cơ trục lợi hoặc hủy hoại danh tiếng của thương hiệu.
"Đây là cách doanh nghiệp Trung Quốc đánh nhòa thương hiệu, nhập nhèm sản phẩm Mỹ - Trung, hạ uy tín của Apple. Đây cũng sẽ là thách thức rất lớn với nền công nghệ của Mỹ. Vì trên thực tế, Apple là thương hiệu lớn của Mỹ và đóng góp tới 1% GDP cho Mỹ. Như vậy, đánh vào Apple cũng chính là đánh vào kinh tế Mỹ", vị chuyên gia cho biết.
Dụng ý ngầm
Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan tới thương hiệu của Apple tại thị trường này sẽ thấy có một dụng ý rất rõ ràng từ phía Trung Quốc là "ngầm tẩy chay sản phẩm công nghệ của Mỹ" trên đất nước mình.
Dù không có một chính sách cụ thể hay không có một chiến dịch chính xác là "tẩy chay" nhưng sự thật là Trung Quốc vẫn luôn tìm cách hạn chế sự hiện diện cũng như sự ảnh hưởng của nền công nghệ Mỹ trên đất nước này. Họ luôn tìm cách cố hạn chế tối đa, kể cả trong tư tưởng lẫn cả việc áp dụng cơ chế luật pháp.
Vào năm 2012, Apple cũng đã phải lao vào cuộc chiến pháp lý tranh chấp thương hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc. Vụ kiện khiến Apple không được sử dụng thương hiệu trên cho sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc.
Cuối cùng, để vụ việc được dàn xếp ổn thỏa, Apple đã phải chấp nhận đền bù cho công ty Trung Quốc mức phí 60 triệu USD (tương đương 1.260 tỉ đồng). Đổi lại, thương hiệu iPad sẽ hoàn toàn là của hãng công nghệ Mỹ.
Với cách làm tương tự, đánh vào iPhone cũng có thể là một đòn cạnh tranh Trung Quốc đang áp dụng với nhà táo.
Theo ông Dũng, rất có thể Apple cũng sẽ lại phải bỏ ra một khoản chi phí để mua lại thương hiệu này từ doanh nghiệp Trung Quốc nếu không muốn bị mất độc quyền.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia vẫn cho rằng, việc tranh chấp chỉ là về thương hiệu, nếu doanh nghiệp Trung Quốc muốn lợi dụng vụ kiện này để tạo ra một sản phẩm iPhone tương tự thì đó là điều không tưởng.
"Cùng với đăng ký thương hiệu còn có quy định về đăng ký kiểu dáng, mẫu mã, bản quyền công nghệ, thiết kế phần mềm... Vì thế, dù có một sản phẩm mới với thương hiệu như vậy nhưng chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã không tốt cũng không thể được lòng người mua", ông Dũng nói.
Theo Báo Đất Việt
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4