Apple đối mặt với tình trạng năng suất thấp ở Ấn Độ: 50% linh kiện bị trả về vì chưa đạt tiêu chuẩn

    Bảo Nam, toquoc.vn 

    (Tổ Quốc) - Với việc Apple muốn giảm thiểu các lỗi xuống gần bằng 0 nhất có thể, thì tỷ lệ 50% là rất khó chấp nhận.

    Apple đang tiến hành đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình sang nhiều quốc gia. Điều này nhằm thay đổi khỏi việc phụ thuộc vào Trung Quốc sau nhiều năm ảnh hưởng từ đại dịch cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Sáng kiến này hứa hẹn sẽ giúp Apple tìm thấy sự ổn định hơn trong việc sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của mình.

    Và Ấn Độ, quốc gia đến từ Nam Á đang quyết tâm hơn bao giờ hết để trở thành trung tâm sản xuất iPhone mới bên ngoài Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) Pankaj Mohindroo mới đây đã tuyên bố tuyệt đối không được để lỡ mất “cơ hội vàng” lần này, như cách người Ấn đã để vuột mất hoàn toàn hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của Samsung vào tay Việt Nam trước kia.

    Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch các dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ đang cho thấy đây là một thách thức lớn. Thực tế đang cho thấy những khó khăn lớn hơn nhiều so với suy tính ban đầu, bởi các vấn đề về năng suất và sự nhiệt tình được cho là đã cản trở kế hoạch này.

    Năng suất quá thấp

    Vội tranh giành ‘miếng bánh Apple’ với Việt Nam, Ấn Độ quên nhìn lại bản thân: Năng suất lao động quá thấp, 50% linh kiện bị trả về vì chưa đủ tiêu chuẩn - Ảnh 1.

    Theo một báo cáo mới từ Financial Times, Apple đã cử các nhà thiết kế và kỹ sư sản phẩm đến các nhà máy ở Ấn Độ. Bốn nguồn tin quen thuộc với các hoạt động này cho biết họ có nhiệm vụ đào tạo công nhân và thiết lập dây chuyền sản xuất.

    Cách làm này mô phỏng lại chiến lược mà hãng đã đặt ra ở Trung Quốc hai thập kỷ trước, các việc kỹ sư và nhà thiết kế sẽ dành hàng tuần hoặc hàng tháng tại các nhà máy để giám sát quá trình sản xuất.

    Và mặc dù Apple đã sản xuất iPhone cấp thấp ở Ấn Độ kể từ năm 2017, nhưng từ tháng 9 năm ngoái, các nhà cung cấp Ấn Độ mới bắt đầu tham gia xây dựng các mẫu iPhone hàng đầu. Nhưng các kết quả cho thấy không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió.

    Điển hình như việc tại một nhà máy sản xuất vỏ iPhone ở Hosur do tập đoàn Tata của Ấn Độ điều hành, một trong những nhà cung cấp của Apple, cứ hai linh kiện ra khỏi dây chuyền sản xuất thì chỉ có một linh kiện ở tình trạng đủ tốt để cuối cùng được gửi đến Foxconn.

    Với việc Apple muốn giảm thiểu các lỗi xuống gần bằng 0 nhất có thể, thì tỷ lệ 50% này rõ ràng là không thể chấp nhận được. Hai người từng làm việc trong các hoạt động ở nước ngoài của Apple cho biết nhà máy này đang có kế hoạch nâng cao trình độ nhân lực. Nhưng quá trình này có thể sẽ tốn nhiều thời gian và công sức.

    Thói quen quản lý thiếu sự khẩn trương

    Vội tranh giành ‘miếng bánh Apple’ với Việt Nam, Ấn Độ quên nhìn lại bản thân: Năng suất lao động quá thấp, 50% linh kiện bị trả về vì chưa đủ tiêu chuẩn - Ảnh 2.

    Một phần khác của vấn đề là sự khẩn trương, cấp bách trong quá trình hoàn thành các công việc được giao. Tại Trung Quốc, các quan chức chính phủ và nhà cung cấp dường như sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để thu hút sự chú ý và đầu tư của Apple.

    Mức độ cam kết cao này được minh họa bằng việc các cựu nhân viên Apple từng mô tả nhiều nhiệm vụ cụ thể, thứ thường ước tính phải mất vài tuần để xử lý, đã được hoàn thành chỉ sau một ngày, bằng tốc độ mà họ không tưởng tượng được.

    Trong khi đó, các hoạt động ở Ấn Độ không vận hành với tốc độ như vậy. Một cựu kỹ sư của Apple đã mô tả về vấn đề này rằng: “Họ không có cảm giác cấp bách.”

    Điều này đã được minh họa rõ ràng hơn bởi nghiên cứu từ công ty tư vấn Venture Outsource. Trong nghiên cứu về môi trường kinh doanh được thực hiện cách đây 5 năm, các nhà sản xuất Ấn Độ thường tuyên bố rằng họ "có thể đáp ứng mọi nhu cầu", bên cạnh những lời hứa sẽ đảm bảo các đơn đặt hàng.

    Nhưng trên thực tế, các nhà sản xuất sẽ "chậm đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng sau khi thỏa thuận được ký kết" hoặc sẽ "thiếu linh hoạt" khi cần thực hiện các thay đổi.

    Một minh chứng đi kèm là các kỹ sư của Apple đôi khi cũng được bố trí ở tại các khách sạn ở trung tâm thành phố ở Chennai, thủ phủ của bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, cách nhà máy nơi họ đang làm việc hai giờ đồng hồ di chuyển. Điều này đòi hỏi những người này sẽ phải tốn tới bốn giờ đi lại hàng ngày, với kết nối Wi-Fi đôi khi khá kém dọc theo tuyến đường, khiến họ không thể làm việc trực tuyến được.

    Tất nhiên, bản thân Apple cũng là nguyên nhân của một số vấn đề trong việc chuyển dịch các dây chuyền sản xuất. Vào tháng 8/2022, một báo cáo đã chỉ ra rằng văn hóa giữ bí mật của Apple đã gây ra nhiều xung đột với các nhà sản xuất Ấn Độ. Phần lớn bởi công ty Mỹ đòi hỏi quy trình an ninh chặt chẽ và các nỗ lực giảm thiểu các thông tin rò rỉ.

    Vội tranh giành ‘miếng bánh Apple’ với Việt Nam, Ấn Độ quên nhìn lại bản thân: Năng suất lao động quá thấp, 50% linh kiện bị trả về vì chưa đủ tiêu chuẩn - Ảnh 3.

    Vivek Wadhwa, một doanh nhân và học giả người Mỹ gốc Ấn sống và làm việc tại Thung lũng Silicon, cho biết các tỉnh của nước này đang cố gắng nỗ lực để đưa các nhà đầu tư công nghiệp vào và họ có thể sẽ làm như những gì người Trung Quốc đã làm.

    Trong báo cáo của Financial Times, Wadhwa cũng dự báo rằng Apple có thể sẽ đứng vững và mở rộng quy mô trong ba năm ở nước này. Nhưng điều đó chỉ thành công nếu công ty Mỹ học được cách "làm cho bằng được" với những gì mà họ có, "bởi vì mọi thứ ở đây đều là một trở ngại."

    Bất chấp khó khăn, các quảng cáo việc làm gần đây của Apple cũng cho thấy rõ họ có tham vọng lớn ở quốc gia đang trên đà vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay.

    “Ấn Độ” cũng là cụm từ được nhắc đến 15 lần trong báo cáo thu nhập của Apple vào đầu tháng này. Giám đốc điều hành Tim Cook nói rằng ông “rất lạc quan về Ấn Độ”. Ông gọi thị trường này là "cực kỳ thú vị" và là "trọng tâm chính", đồng thời xác nhận kế hoạch sớm mở các Apple Store đầu tiên tại quốc gia này.

    Tham khảo Apple Insider, Financial Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ