Apple giáng đòn mạnh vào thị trường xách tay Việt Nam, chủ cửa hàng nói chỉ bị ảnh hưởng nhẹ
Apple áp dụng chính sách bảo hành mới tại Việt Nam, yêu cầu khách hàng phải có hoá đơn mua hàng chính hãng khi mang sản phẩm đi bảo hành. Quy định này được hiểu nhằm hạn chế khách mua hàng xách tay, hàng cũ không rõ nguồn gốc, tuy nhiên các cửa hàng cho rằng chỉ bị ảnh hưởng nhẹ trước bước đi của Apple.
Các trung tâm bảo hành Apple tại Việt Nam từ 31/7 cho biết chỉ nhận bảo hành sản phẩm khi có hoá đơn mua hàng chính hãng từ Apple. Như vậy, những người mua hàng xách tay (không chính ngạch) hay mua máy cũ nếu không có bằng chứng mua từ các điểm bán chính hãng của Apple thì sẽ không được bảo hành sản phẩm. Trước đây, ngoài iPhone, các thiết bị khác của Apple đều nhận được chính sách bảo hành, sữa chữa toàn cầu.
Với chính sách mới, nhiều người cho rằng Apple đang nhắm vào các cửa hàng chuyên bán hàng không chính ngạch, các cửa hàng bán máy cũ không rõ xuất xứ.
Macbook của Apple trưng bày trong một siêu thị điện thoại - Ảnh: Hải Đăng
Nói về việc này, ông Đào Nhật Huy, chủ một cửa hàng chuyên bán sản phẩm đã qua sử dụng của Apple tại TP.HCM, cho biết chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi chính sách bảo hành mới của Apple.
Ông Huy cho biết hầu hết sản phẩm Apple do cửa hàng bán ra đều do cửa hàng tự bảo hành, rất ít sản phẩm cần bảo hành tại hãng.
“Đã nhiều năm nay người mua hàng Apple phân ra thành 3 nhánh. Người có tiền sẽ mua hàng chính hãng mới, nhiều người khác chọn mua hàng xách tay để được tiết kiệm vài triệu đồng. Nhóm khác nữa chọn mua hàng cũ, để giảm hơn dăm bảy triệu đồng. Cho đến giờ vẫn thế”, ông Huy nói. Nhóm khách đã chọn mua hàng xách tay hay hàng cũ chủ yếu tin tưởng cửa hàng, do đó có vấn đề phát sinh sẽ được cửa hàng bảo hành, sửa chữa. Do đó chính sách mới của Apple không ảnh hưởng quá nhiều đến các cửa hàng không bán hàng chính hãng.
Các nguồn hàng xách tay hiện nay được nhập về từ các nước như Hồng Kông, Singapore, Mỹ,... không qua chính hãng. Một người am hiểu trong ngành còn cho biết, các nguồn hàng xách tay này có một bên thứ 3 đứng ra nhận sản phẩm, sau đó gửi về lại những nơi đã mua để bảo hành.
Chẳng hạn, một chiếc iPhone có khi chỉ bị hỏng giắc sạc nhưng theo chính sách bảo hành của Apple có thể được đổi sang sản phẩm mới. Lợi dụng điều này, một số người sẽ lấy các linh kiện như màn hình, bo mạch của chiếc máy đó, tráo vào các linh kiện tương tự nhưng bị hư rồi gửi đi để được đổi máy mới. Như vậy những người này vừa có máy được đổi mới, vừa "thửa" được các linh kiện từ máy cũ để đem bán.
Mặc dù vậy, ông Đạt Nguyễn, quản lý chuỗi Di Động Việt, cho biết chính sách bảo hành mới của Apple tại Việt Nam "đi ngược với xu hướng".
"Đa phần người dùng mua sản phẩm rất ít khi giữ lại hoá đơn, đến khi xảy ra sự cố cần sự hỗ trợ từ Apple mà gặp vấn đề đòi hỏi hoá đơn là một bất tiện rất lớn cho người dùng… Như thế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng là chính và ảnh hưởng đến chính sách toàn cầu sau bán hàng của Apple", ông Đạt trả lời ICTnews.
Trước đây, người dùng đi bảo hành chỉ cần nhập số series của sản phẩm thì sẽ được biết thời hạn bảo hành và được hưởng chế độ bảo hành của hãng. ICTnews vẫn chưa liên hệ được với một số trung tâm bảo hành chính thức của Apple để tìm hiểu rõ chính sách mới, tuy nhiên trả lời trên Facebook, Thakral One - một trong các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hành của Apple - cho biết nếu mua hàng từ nước ngoài thì khách phải có hoá đơn từ cửa hàng Apple nước đó. Khi mất có thể xin cấp lại; ngoài ra, hoá đơn điện tử cũng được chấp nhận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?