Apple góp phần làm ô nhiễm hành tinh vì khuyến khích dùng quá nhiều loại dây nối cáp sạc khác nhau
Mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra. Nhưng Apple nói rằng những nỗ lực nhằm điều tiết các thiết bị di động để giảm rác thải sẽ bóp nghẹt "sự đổi mới".
Dùng đủ loại cáp khác nhau thì có vấn đề gì không?
Đó là câu hỏi mà nhiều người tự đặt ra khi đọc một bản báo cáo do Apple thực hiện, nội dung xoay quanh kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị di động phải áp dụng một bộ sạc chuẩn. Bản báo cáo này dài đến 92 trang, với ảnh bìa gồm 3 loại cổng sạc (USB-C, Micro-USB, và Lightning) đặt cạnh nhau một cách thân mật như một gia đình gấu nhỏ. Tiêu đề của nó là "United in Diversity" (Thống nhất trong Đa dạng).
Thật nghẹn ngào làm sao.
Khi Apple cam kết đa dạng hóa đội ngũ kỹ thuật viên với mức lương cao ngất ngưởng, những nỗ lực của họ cũng ngang bằng với phần còn lại của Thung lũng Silicon, vốn chẳng có gì đáng để khen ngợi cả. Website của công ty này có một trang dành riêng để nói về sự đa dạng trong đội ngũ nhân viên, với những số liệu thống kê đầy tính lấp liếm: họ nói rằng nữ giới chiếm 38% trong tổng số các nhân viên dưới 30 tuổi, và giấu nhẹm đi thông tin rằng đội ngũ kỹ thuật viên có đến 77% là năm giới và 89% là người da trắng hoặc gốc châu Á!
Nhưng khi Apple cam kết đa dạng hóa những món phụ kiện đang được bán với giá quá cao của mình, thì bạn có thể tin rằng họ "nói được, làm được". Có một số người phàn nàn rằng để xuất màn hình chiếc laptop Apple mới toanh của mình lên màn hình ngoài, họ phải sắm thêm một chiếc dongle giá 69 USD, và chiếc dongle này sẽ không tương thích với chiếc headphone mà bạn đang dùng trên chiếc smartphone Apple mới mua gần đây. Quả là một "sự cải tiến"!
Việc Apple bày tỏ sự kiên định trong việc đa dạng hóa dongle diễn ra sau khi EU tiếp tục nỗ lực thực thi các quy định nhằm yêu cầu mọi thiết bị di động phải sử dụng một bộ sạc chung. Tiêu chuẩn hóa dây sạc sẽ giúp giảm rác thải và có lợi hơn cho người tiêu dùng - những người đề xướng ra các quy định đó lập luận như vậy.
Đây không phải là lần đầu EU tìm cách giải quyết vấn đề chuẩn hóa bộ sạc: vào năm 2009, các công ty điện thoại đã ký kết một Biên bản ghi nhớ (MOU) trong đó cam kết hợp tác cùng nhau để đưa ra một bộ sạc chung trước những đe dọa từ các nhà làm luật thuộc EC. Hầu hết các công ty đã tuân thủ Biên bản đó, giảm số lượng bộ sạc trên thị trường các thiết bị di động không do Apple sản xuất từ hơn 30 xuống chỉ còn 2. Nhưng Apple đã lợi dụng một lỗ hổng trong MOU này để vạch ra đường đi riêng cho mình, giới thiệu dây sạc Lightning vào năm 2012 và tuân thủ thỏa thuận bằng cách sản xuất ra một adapter chuyển đổi (khác).
Người dùng MacBook Pro có lẽ chẳng lạ gì đống dongle này
"Chúng ta đang bị nhấn chìm trong một đại dương rác thải điện tử" - Roza Thun und Hohenstein, một thành viên người Ba Lan của Nghị viện châu Âu, tranh luận trước Nghị viện châu Âu cuối tuần trước. Xấp xỉ 50 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra mỗi năm, tức 16,6kg/mỗi người châu Âu.
Apple phản pháo EU vào hôm thứ 5 với lý lẽ rằng quy định được đề ra kia sẽ "bóp nghẹt đổi mới thay vì khuyến khích nó". "Quy chế này sẽ có một tác động tiêu cực trực tiếp khi phá hàng trăm triệu thiết bị và phụ kiện đang được sử dụng bởi các khách hàng của chúng tôi ở châu Âu...tạo nên một lượng rác thải điện tử chưa từng có tiền lệ và khiến người dùng phải chịu đựng sự bất tiện to lớn" - công ty nói.
Bản báo cáo "United in Diversity" lập luận tiếp rằng lợi ích về môi trường khi sử dụng một bộ sạc chung là tương đối nhỏ - 13 triệu Euro, khi so với 1,5 tỷ Euro thiệt hại vì những tác hại của quy định lên sự đổi mới (Apple dùng cụm từ "innovation harm").
Đúng là công ty nghìn tỷ đô có khác! Đến cả những lý lẽ họ đưa ra cũng đã đủ "đa dạng" rồi - vì khách hàng, và vì môi trường cơ đấy. Có lẽ cụm từ "đổi mới" ngày nay không còn mang ý nghĩa như nó đã từng trước đây nữa rồi.
Tham khảo: Guardians
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?