Apple khởi động dự án nghiên cứu sức khỏe tim mạch với Apple Watch

    zknight,  

    Apple Watch có khả năng phát hiện ra những bất thường của tim với độ chính xác 97%.

    Cuối tuần trước, Apple vừa phát hành một ứng dụng có tên là Apple Heart Study, cho phép người sử dụng theo dõi nhịp tim nhờ cảm biến trên Apple Watch. Ứng dụng này có thể đo nhịp tim chính xác hơn, giúp cảnh báo người dùng về chứng rung tâm nhĩ (AFIB).

    Apple Heart Study là một phần dự án nghiên cứu, hợp tác giữa Apple và Đại học Y Stanford, cùng sự hỗ trợ của công ty tư vấn sức khỏe trực tuyến American Well.

    Người dùng sở hữu Apple Watch có thể đăng ký tham gia vào đó như một tình nguyện viên sử dụng Apple Heart Study. Điều kiện là họ phải đủ 22 tuổi trở lên và dùng Apple Watch Series 1 hoặc phiên bản mới hơn.

    Những người dùng phát hiện bất thường về nhịp tim sẽ được tư vấn miễn phí với bác sĩ của American Well. Họ cũng có thể được đo điện tâm đồ để giám sát chính xác hơn tình trạng sức khỏe tim của mình.

     Apple khởi động dự án nghiên cứu sức khỏe tim mạch với Apple Watch

    Apple khởi động dự án nghiên cứu sức khỏe tim mạch với Apple Watch

    Apple lần đầu tiên đề cập đến chương trình Apple Heart Study hồi tháng 9, khi họ giới thiệu WatchOS 4. Apple có kế hoạch sử dụng dữ liệu nhịp tim, thông báo cho bệnh nhân, bác sĩ, và các nhà nghiên cứu các trường hợp rối loạn nhịp tim.

    "Làm việc cùng với cộng đồng y tế, chúng tôi không chỉ thông báo cho mọi người về những điều kiện sức khỏe nhất định của họ, mà còn hy vọng thúc đẩy những khám phá trong khoa học về tim mạch", Jeff Williams, giám đốc điều hành của Apple cho biết.

    Ứng dụng mới sử dụng công nghệ hiện có của Apple Watch để đo nhịp tim, thông qua một chiếc đèn LED màu xanh nhấp nháy hàng trăm lần mỗi giây, đo lượng máu chảy qua cổ tay.

     Apple Heart Study cho phép người sử dụng theo dõi nhịp tim nhờ cảm biến trên Apple Watch

    Apple Heart Study cho phép người sử dụng theo dõi nhịp tim nhờ cảm biến trên Apple Watch

    Về phía Đại học Y Stanford, các nhà nghiên cứu hy vọng dự án này sẽ giúp chứng minh các sản phẩm đeo tay có thể theo dõi sức khoẻ hiệu quả đến thế nào.

    Các thiết bị cũng sẽ mở ra nhiều hướng giám sát sức khoẻ người sử dụng. Các thông tin này sẽ cực kỳ có ích cho các bác sĩ và nhà nghiên cứu. Điều này cũng có thể giúp giảm lượng bệnh nhân nhập viện, ngăn ngừa bệnh tật từ trước khi chúng xảy ra và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

    Trong khi Apple Watch chưa đủ chính xác để chẩn đoán bệnh tim, nó có khả năng phát hiện ra những bất thường của tim với độ chính xác 97%. Vì vậy, Apple Watch có thể trở thành một công cụ sàng lọc có giá trị cho chứng rung tâm nhĩ (AFIB).

    Trên thực tế, rung tâm nhĩ là chứng rối loạn nhịp tim, khiến cơ tim dường như rung thay vì co lại. Nó khó có thể được chẩn đoán từ các triệu chứng bên ngoài.

     Apple Heart Study là một phần dự án nghiên cứu, hợp tác giữa Apple và Đại học Y Stanford

    Apple Heart Study là một phần dự án nghiên cứu, hợp tác giữa Apple và Đại học Y Stanford

    Đối với Apple, nghiên cứu này có thể giúp khẳng định lại một điều rằng Apple Watch là "thiết bị hoàn hảo cho một lối sống lành mạnh". Apple đã thay đổi hướng phát triển chiếc đồng hồ thông minh của họ như một thiết bị theo dõi sức khoẻ vào giữa năm 2016, sau khi doanh số bán hàng bắt đầu sụt giảm.

    Kể từ đó, công ty đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn, nhằm giúp Apple Watch trở thành một thiết bị không thể thiếu cho cuộc sống.

    Ngoài theo dõi nhịp tim, công ty cũng đang làm việc để phát triển một thiết bị đo đường huyết không xâm lấn cho người bệnh tiểu đường. Apple còn hợp tác với công ty bảo hiểm Aetna của Mỹ, để theo dõi và giám sát tình trạng sức khoẻ và thể lực của người sử dụng, giúp giảm chi phí bảo hiểm cho khách hàng.

    Tham khảo Businessinsider, Theverger

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ