Apple kiện Samsung 1 tỷ USD vì ăn cắp thiết kế iPhone và hệ lụy cho toàn bộ nền công nghiệp smartphone

    Ngocmiz,  

    Tranh chấp pháp lý giữa hai hãng điện thoại lớn nhất thế giới có thể sẽ tạo thành tiền lệ cho rất nhiều vụ kiện tụng tương tự trong tương lai.

    Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc Apple kiện Samsung ăn cắp thiết kế hình chữ nhật bo tròn, khung viền máy và cách sắp xếp các icon trên màn hình Home của iPhone 3 để đưa lên 11 dòng điện thoại của mình. Ban đầu, Apple yêu cầu Samsung đền bù tới hơn 1 tỷ USD cho những thiết hại hãng phải gánh chịu. Năm 2015, số tiền được rút xuống còn 930 triệu USD nhưng Samsung vẫn chưa muốn hoàn trả.

    Đến thời điểm này, vụ kiện hóa ra còn chưa chấm dứt. Apple vẫn đang quyết liệt theo đuổi và đòi gã khổng lồ Hàn Quốc bồi thường toàn bộ lợi nhuận đã kiếm được trên các sản phẩm được coi là ăn cắp thiết kế.

    Một số phán quyền của tòa án tối cao cho rằng công ty đang nợ Apple khoản tiền 399 triệu USD do ăn cắp bản quyền thiết kế iPhone. Những phán quyết khác thì lại gây sức ép yêu cầu Apple phải trình ra tại sao thiệt hại của công ty lại liên quan đến toàn bộ lợi nhuận Samsung kiếm được từ chiếc máy chứ không phải chỉ là các chi tiết phần vỏ được coi là sao chép.

     Thiết kế icon mà Apple cho rằng Samsung đã ăn cắp

    Thiết kế icon mà Apple cho rằng Samsung đã ăn cắp

    Tranh cãi giữa hai gã khổng lồ phần cứng xoay quanh món nợ 399 triệu USD này thực ra khởi đầu từ một vụ kiện hồi năm 2011. Tại vòng xét xử cấp thấp hơn, Samsung được cho là đã ăn cắp 3 mẫu thiết kế được cấp bản quyền từ Apple: màn hình chữ nhật với 4 góc bo tròn, phần khung kim loại bao quanh máy và màn hình Home với các ứng dụng được sắp xếp theo dạng grid (với các hàng, cột) như trên iOS. Con số 399 triệu USD cũng đến từ tổng lợi nhuận Samsung kiếm được từ 11 dòng điện thoại được cho là ăn cắp thiết kế iPhone.

    Tuy nhiên, số tiền chính thức mà Samsung phải nộp hiện vẫn chưa được quyết định.

    Samsung đã liên tục thuyết phục tòa án tối cao rằng hãng không đáng phải nộp lại toàn bộ số lợi nhuận kiếm được từ các mẫu điện thoại này bởi chúng chỉ chứa một vài chi tiết bề ngoài giống với thiết kế iPhone của Apple.

    Bộ luật mà tòa án dựa vào để xử lý vụ việc khẳng định rằng: Bên ăn cắp bản quyền thiết kế có trách nhiệm phải nộp lại "toàn bộ" lợi nhuận thu được từ "một mặt hàng sản xuất" (một trong 4 yếu tố được bảo vệ khi xin cấp bản quyền) nào đó. Thế nhưng khẳng định này lại tập trung vào "mặt hàng sản xuất", thực chất có nghĩa là quan tòa có thể quyết định "mặt hàng sản xuất" ở đây là cả chiếc điện thoại hay chỉ là vài bộ phận cấu thành nó.

    Về phần mình, Apple bào chữa rằng thiết kế của iPhone không đơn thuần chỉ để trang trí - một khía cạnh nhỏ riêng biệt với chiếc máy. Điện thoại iPhone, vào thời điểm ra mắt, là một thiết bị mang tính cách mạng. Thiết kế độc đáo của nó chính là thứ tạo nên thành công cho chiếc máy.

    Chánh án John Roberts tra hỏi luật sư của Apple về "mặt hàng sản xuất" và cho rằng bản quyền thiết kế này chỉ nên áp dụng với các chi tiết bên ngoài của chiếc máy chứ không phải những thứ bên trong như chip và bo mạch. Roberts cho rằng khoản tiền Samsung phải đền cho Apple, nếu có, cũng không đáng bằng toàn bộ số lợi nhuận họ kiếm được từ những mẫu máy kia.

    Vụ việc này đã đặt các thành viên bồi thẩm đoàn vào tình thế vô cùng khó xử. Bộ tư pháp Hoa Kỳ cũng có mặt tại phiên tòa, phát biểu không thiên về bên nào nhưng ủng hộ cách tiếp cận trên nhiều phương diện để giải quyết vụ việc. Theo một luật sư của chính phủ, các thẩm phán phải cân nhắc đọc thêm các văn bản về bản quyền thiết kế để xác định được tầm quan trọng của các chi tiết thiết kế đối với sản phẩm.

    Họ cũng xem xét cả những trường hợp trước đây như vụ việc liên quan đến chiếc Volkswagen Beetle. Trong vụ Volkswagen, các chuyên gia trong ngành đã được mời đến để đánh giá về ảnh hưởng của thiết kế đến quyết định mua hàng của người dùng cũng như tham khảo các mẫu khảo sát khách hàng trước đây.

    Các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, Dell và eBay đều ủng hộ Samsung. Họ cho rằng Apple đang "đang đi sai hướng" và không đáng phải làm đến cùng như vậy. Samsung cùng các bên ủng hộ phản kháng rằng chiến thắng của Apple có thể dẫn tới những viễn cảnh khủng khiếp trong đó các công ty chỉ cần lấy lại những chi tiết thiết kế nhỏ xíu từ một doanh nghiệp khác cũng đã có phải chịu mất 100% lợi nhuận. Nó cũng giống như việc một hãng xe hơi phải đền toàn bộ phần lãi của một dòng ô tô cho một hãng khác chỉ vì "mượn tạm" cách thiết kế chỗ đựng cốc ở ghế sau.

    Samsung bày tỏ lo ngại rằng vụ việc này sẽ trở thành tiền lệ cho những cuộc kiện tụng không đáng có trong tương lai, đặc biệt là ở những sản phẩm công nghệ được cấu thành bởi hàng ngàn chi tiết, bộ phận khác nhau.

    Trong khi đó, Apple cùng nhiều designer chuyên nghiệp vẫn kêu gọi tòa án cân nhắc lại vụ việc với lý do thiết kế của một sản phẩm thường chính là đại diện của toàn bộ sản phẩm đó trong tâm trí khách hàng.

    Hiện vụ kiện này vẫn đang trong quá trình xem xét để đưa ra phán quyết.

    Tham khảo Buzzfeed

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ