Apple mở mã nguồn nhân kernel iOS và MacOS cho các bộ xử lý ARM - Intel có giật mình?

    Nguyễn Hải,  

    Động thái này cho thấy Apple rất có thể đang nỗ lực nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào vi xử lý Intel trên MacOS.

    Apple luôn chia sẻ nhân kernel của MacOS sau mỗi lần phát hành các phiên bản mới. Nhân kernel này cũng chạy trên cả các thiết bị iOS do cả macOS và iOS đều được xây dựng trên cùng một nền tảng. Năm nay, Apple cũng chia sẻ nhân kernel phiên bản mới nhất trên GitHub. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên, bạn có thể thấy phiên bản ARM của nhân kernel này.

    Điều thú vị là cho đến nay tất cả những chiếc MacBook hiện tại của Apple đều đang chạy trên những con chip x86 của Intel. Bên cạnh đó, hiện có những tin đồn cho rằng Apple đang phát triển một phiên bản máy MacBook có thể chạy trên chíp ARM. Điều này dù chưa rõ ràng, nhưng nó là một động thái cho thấy, việc Apple thoát khỏi sự phụ thuộc vào Intel là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

    Dù vậy, trên thực tế, điều này lại không có nghĩa bạn sắp thấy một chiếc MacBook chạy trên chíp A11 Bionic. Apple có một truyền thống dài về việc viết code cho các kiến trúc khác “để dự phòng”, cho dù không bao giờ dùng đến (Đó là lý do vì sao quá trình chuyển từ chip PowerPC sang Intel trước đây lại diễn ra nhanh đến vậy).

    Hơn nữa, việc có mã nguồn nhân kernel của hệ điều hành MacOS cũng không có nghĩa bạn có thể tự tạo một phiên bản iOS của riêng mình để chạy trên chiếc Galaxy Note 8. Bạn cần quay lại lịch sử một chút để thấy tại sao lại như vậy.

    Phiên bản MacOS (ban đầu có tên Mac OS X) đầu tiên ra mắt vào năm 2001. Nó được xây dựng trên nền của NeXTSTEP, một hệ điều hành do NeXT phát triển. NeXT chính là công ty do Steve Jobs sáng lập vào năm 1985 và sau đó bán lại cho Apple vào năm 1997. Và Apple quyết định sử dụng NeXTSTEP làm nền tảng cho Mac OS X.

    Bản thân NeXTSTEP lại có nguồn gốc từ dự án mã nguồn mở BSD. Đó là lý do tại sao hệ điều hành Mac hiện sử dụng nhiều công nghệ mã nguồn mở. Và đó cũng là lý do tại sao hàng năm Apple đều phát hành một phần vô cùng nhỏ của hệ điều hành MacOS. Bạn không thể biên dịch nó để tạo và chạy một phiên bản MacOS của riêng bạn, nhưng các nhà phát triển nhân khác lại có thể rất quan tâm đến mã nguồn của nhân kernel này.

    Vậy còn iOS thì sao? Khi Steve Jobs lần đầu giới thiệu chiếc iPhone vào năm 2007, ông đã nói rằng hệ điều hành của iPhone chính là một nhánh của MacOS.

    Hôm nay, chúng tôi sắp giới thiệu cho bạn một bước đột phá về phần mềm. Một phần mềm đã đi trước đối thủ trên bất kỳ điện thoại nào khác ít nhất 5 năm. Chúng tôi làm điều đó như thế nào ư? Vâng, chúng tôi bắt đầu từ một nền tảng vững mạnh – iPhone chạy OS X.” Ông Jobs cho biết. “Tại sao chúng ta lại muốn hệ điều hành tinh vi như vậy trên một thiết bị di động? Bởi vì nó có mọi thứ chúng ta cần.”

    Sau này Apple gọi hệ điều hành này là iPhone OS, và sau đó là iOS. Nó không hoàn toàn là một phiên bản sao chép chính xác của MacOS, khi nó không có các cửa sổ nổi trên iOS. Nhưng iOS và MacOS sử dụng chung một nhân dựa trên Unix có tên Darwin cũng như nhiều framework khác. Hiện tại Apple Watch và Apple TV cũng chạy trên các biến thể khác của iOS, vốn cũng dựa vào Darwin.

    Tham khảo TechCrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ