Việc bán iPhone cũ khiến các dòng smartphone giá rẻ của Samsung và các thương hiệu khác ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau Trung Quốc, Ấn Độ đang nhanh chóng trở thành thị trường ưu tiên tiếp theo của ngành công nghiệp smartphone. Nhiều hãng sản xuất smartphone đang tìm mọi cách để kiếm được một miếng bánh thị phần tại đất nước đông dân thứ hai thế giới.
Đương nhiên là Apple không thể bỏ qua miếng bánh tại Ấn Độ. Hãng sản xuất iPhone đang xin phép chính phủ Ấn Độ để trở thành hãng đầu tiên được phép nhập khẩu và bán iPhone đã qua sử dụng tại đất nước này. Đây là lần thứ hai Apple đệ trình kế hoạch này trong vài năm qua.
Tuy nhiên, là một thị trường đang phát triển không đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng. Đất nước này vừa từ chối chương trình Internet miễn phí của Facebook bởi vì nó giới hạn người dùng vào một số trang web mà Facebook chọn lựa. Và nay, ngành công nghiệp Ấn Độ đang chung tay ngăn chặn kế hoạch nhập khẩu và phân phối iPhone đã qua sử dụng của Apple vì sợ rằng kế hoạch này có thể làm suy yếu nền kinh tế và môi trường của quốc gia trong thời gian dài.
Về mặt giá trị, nên dành một số lời khen cho ý tưởng của Apple. Giống như Trung Quốc, thị trường smartphone Ấn Độ tràn ngập các thiết bị có giá dưới 100 USD, thậm chí cả những thương hiệu lớn như Samsung cũng phân phối smartphone giá rẻ tại quốc gia này. Đương nhiên, với mức giá đắt đỏ, Apple rất khó xâm nhập Ấn Độ. Tuy nhiên, cùng với iPhone SE và iPhone đã qua sử dụng, Apple hoàn toàn có thể đặt chân vào đất nước "Cô dâu 8 tuổi", đồng thời giúp giấc mơ sở hữu iPhone của người Ấn Độ trở thành hiện thực dễ dàng hơn.
Tất nhiên, kế hoạch của "Táo khuyết" sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất smartphone tại địa phương. Một nhóm vận động đã tập hợp các ông lớn trong ngành công nghiệp, cùng nhau viết một kiến nghị gửi cho chính phủ, phản đối kế hoạch của Apple. Họ cho rằng kế hoạch này sẽ gây nguy hiểm cho các doanh nghiệp địa phương, tăng chất thải điện tử tại địa phương và về cơ bản đi ngược lại những gì chính phủ Ấn Độ đã làm nhằm khuyến khích sản xuất trong nước. Nhóm phản đối bao gồm các công ty như Micromax, Intex và Samsung.
Chương trình "Make in India" được Ấn Độ tung ra vào năm 2014 nhằm giảm bớt sự phục thuộc vào nhập khẩu thiết bị điện tử và khuyến khích các công ty địa phương sản xuất sản phẩm trong nước. Cho đến nay, chương trình đã đạt được một số thành công nhất định. Thậm chí Foxconn, gã khổng lồ gia công Trung Quốc, còn xem xét kế hoạch mở nhà máy tại Ấn Độ nhằm lợi dụng những ưu tiên mà chương trình trên cung cấp. Nhóm phản đối cho rằng cho phép Apple nhập khẩu iPhone cũ là một sự nhạo báng với chương trình trên.
Ngoài ra, kế hoạch của Apple thực sự có thể biến Ấn Độ thành một bãi rác, không chỉ dành cho smartphone cũ mà còn cho rác thải điện tử. Smartphone đã qua sử dụng không còn những linh kiện tốt. Pin là linh kiện thường phải thay thế. Ấn Độ có thể bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi quốc gia này chưa có những dây chuyền xử lý chất thải độc hại phát ra từ smartphone và các linh kiện bị phá hủy.
Đây là lần thứ hai Apple đề nghị chính quyền Ấn Độ cấp phép nhập khẩu iPhone cũ nhưng là lần đầu tiên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ như thế. Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Tham khảo Slashgear
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"