Phía sau những ánh hào quang của Apple Music, có vẻ như ứng dụng này đã cạnh tranh không lành mạnh.
Như chúng ta đã biết, sự xuất hiện của phiên bản iOS 8.4 đã đem tới cho người dùng ứng dụng Apple Music - dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hoàn toàn mới của Apple. Ngay lập tức, Apple Music đã trở thành một trào lưu âm nhạc cực hot trên thế giớim đồng thời, nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dùng cũng như chuyên gia.
Tuy nhiên, theo những thông báo phát đi mới đây của đơn vị chống độc quyền của Mỹ, phía sau những ánh hào quang của Apple Music, có vẻ như ứng dụng này đã cạnh tranh không lành mạnh.
Được biết, trên kho ứng dụng App Store, Apple Music không phải ứng dụng nghe nhạc trực tuyến duy nhất và cũng không công ty đầu tiên nhận ra tiềm năng của lĩnh vực này. Thế nhưng, để nhanh chóng trở thành một ứng dụng phổ biến như hiện nay, Apple đã tính phí 30% trên tất cả các khoản thanh toán liên quan ứng dụng nhạc số và game.
Thậm chí, có không ít các công ty có cùng mức thu phí là 9,99 USD cho dịch vụ âm nhạc của mình cũng phàn nàn rằng, Apple đang "xấu chơi" bằng việc gỡ bỏ ứng dụng của họ, hoặc cắt bỏ một phần lợi nhuận của họ trên App Store mà không đưa ra bất kì thông báo nào.
Hiện tại, Ủy ban thương mại Liên Bang Mỹ đang rà soát lại vụ việc này, nhưng vẫn chưa có một cuộc điều tra chính thức nào được phê chuẩn. Ngoài ra, tên tuổi của các công ty cung cấp bằng chứng chống lại Apple cũng được giấu tên.
Một nguồn tin cho biết, Ủy ban và các bên liên quan đã làm việc với nhau trong vài cuộc họp, tuy nhiên, cơ hội mở ra một cuộc điều tra về Apple Music là rất thấp. Còn như đại diện của Apple và Ủy ban thương mại Liên Bang Mỹ, họ từ chối bình luận về vụ việc này.
Theo các chuyên gia, từ lâu, dịch vụ âm nhạc đã trở thành một lĩnh vực phổ biến được cả người dùng và các công ty lớn quan tâm. Trước đây, Apple đã từng rất thành công với dịch vụ iTunes Store, do đó, với Apple Music, việc thống trị thị trường chỉ là tương lai gần.
Tuy nhiên, trên con đường dẫn tới thành công của Apple Music, rất nhiều cuộc chiến "ngầm" đã diễn ra. Đơn cử như việc rất nhiều công ty đã phải khó chịu với lối hành xử thiếu công bằng của Apple như ở trên. Tất nhiên, người dùng cũng có thể ủng hộ ứng dụng yêu thích của mình bằng cách đăng kí trực tiếp thông qua trang chủ ứng dụng, thay vì App Store.
Tyler Goldman, Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của công ty âm nhạc trực tuyến Deezer, cho biết:
"Đất diễn trong lĩnh vực âm nhạc vốn rất nhỏ, và hành động cắt giảm lợi nhuận từ ứng dụng trên App Store sẽ càng khiến các công ty trở nên khó khăn hơn. Đây không còn là vấn đề của riêng bất kì ứng dụng hay công ty nào, đây là vấn đề của toàn ngành công nghiệp âm trong tương lai.
Chúng ta có 2 lựa chọn ở đây: tăng giá dịch vụ để bù lại khoản thu đã mất. Tất nhiên với cách này, dịch vụ của bạn sẽ tỏ ra thiếu tính cạnh tranh với Apple Music. Còn lựa chọn thứ hai đó là không tăng giá và chấp nhận chết dần."
Cũng theo nguồn tin này, việc Apple bị tố "xấu chơi" không chỉ liên quan tới vấn đề âm nhạc, mà nó còn bao gồm việc cấm quảng cáo trong các ứng dụng, và một lệnh cấm liên kết đến trang web khác, từ bên trong ứng dụng. Tất nhiên, nếu nhìn vào đối thủ của Apple là Google, gã khổng lồ phần mềm Mỹ cũng đang áp dụng tính phí 30% trên tất cả các khoản thanh toán, nhưng với chính sách dễ thở hơn.
Trước đó, Apple cũng nhận phải nhiều lời chỉ trích về việc tính phí 30% đối với mỗi khoản thanh toán được thực hiện trên iTunes. Làn sóng phản đối tiếng tục tăng cao sau khi công ty ra mắt dịch vụ nghe nhạc Apple Music.
Theo một số luật sư, Apple có thể biện minh cho hành động của mình bằng cách cho rằng, việc tính phí sẽ giúp hạn chế các hành động hoặc hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, trên thực tế, họ đã có rất nhiều bằng chứng để buộc Ủy ban thương mại Liên Bang Mỹ mở ra một cuộc điều tra công khai.
Luật sư Jeffrey Jacobovitz của công ty luật Arnall Golden Gregory nhận định: "Có thể App Store là của Apple và họ có thể làm mọi điều mà mình thích. Nhưng trong trường hợp này, đây hoàn toàn là sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều này chả khác nào vừa đá bóng lại vừa thổi còi."
Thậm chí, ngay tại Việt Nam, khi tiết lộ về vấn đề Apple Music đã làm gì để thâm nhập thị trường Việt Nam và vấn đề bản quyền đã được Apple giải quyết tốt như thế nào, anh Nguyễn Minh Kha, Phó giám đốc NCT Corporation đã từng chia sẻ:
"Điều quan ngại nhất với chúng tôi là sự cạnh tranh không lành mạnh của Apple khi vào thời điểm chuẩn bị ra mắt Apple Music thì AppStore xóa đi 2 ứng dụng nhạc thông dụng nhất ở Việt Nam trong đó có NhacCuaTui và thay đổi chính sách về những ứng dụng nghe nhạc, gây khó khăn rất nhiều so với trước đây."
Và ở một khía cạnh nào đó, có thể Apple đang thống trị thị trường nhạc số chủ yếu thông qua iTunes, với thị phần smartphone chạy iOS là khoảng 17,9%. Tuy nhiên, nếu Apple Music xuất hiện trên nền tảng Android của Google, chiếm 78,9 phần trăm trên thế giới, đây sẽ không còn là câu chuyện với App Store hay iPhone, mà đó là vấn đề của toàn ngành công nghiệp âm nhạc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?