Apple, Samsung và Xiaomi đang ở đâu trong cuộc chiến đầu bảng giá rẻ?
3 ông lớn đại diện cho 3 thời kỳ riêng biệt của chiếc smartphone cảm ứng đều đang có những lợi thế và bất lợi nhất định khi mức giá tiêu chuẩn của smartphone đầu bảng không còn là 600, 700 USD như trước.
Nhắc đến giá rẻ là nhắc tới Xiaomi
Hiện tại, Xiaomi có thể coi là tên tuổi số 1 của làng "sát thủ đầu bảng". Gã khổng lồ non trẻ này cắt giảm chi phí một cách tài tình: cắt những thứ người dùng không cần, chọn những thứ họ thèm muốn để đầu tư, và thường là về cấu hình.
Hãy thử nhìn chiếc Mi 5 mới ra mắt mà xem. Ở mức giá chỉ khoảng 300 USD, bạn sẽ nhận được con chip mạnh nhất của Qualcomm, dù rằng đó là một con chip không đầy đủ tính năng như Snapdragon 820 trên Galaxy S7 hay LG G5. Phiên bản Snapdragon 820 trên Mi 5 là kết quả của chu trình sàng lọc CPU dựa vào kết quả của quá trình sản xuất. Một vài CPU thành phẩm có thể hoạt động ở xung nhịp cao hơn các sản phẩm khác, trong khi những con chip được dùng cho sản phẩm giá rẻ thường mang một số lỗi nhỏ nhưng không khiến cho CPU bị hỏng hoàn toàn.
Dĩ nhiên là Snapdragon 820 trên Mi 5 thuộc nhóm thứ 2 với xung nhịp chỉ khoảng 1.8GHz thay vì mức 2.15GHz như thông thường. GPU của mẫu Snapdragon 820 (hơi) lỗi này cũng chỉ đạt 510 MHz thay vì 624 MHz như trên sản phẩm cao cấp của Samsung và LG. Những điểm khác biệt này có thể coi là khá nhỏ, nhưng Xiaomi chắc chắn là có tiết kiệm được một ít tiền khi mua lại các bản Snapdragon 820 kém cỏi hơn mức trang bị.
Nhưng nếu bạn không muốn mua một chiếc smartphone có chip thuộc nhóm hơi lỗi, Xiaomi cũng sẽ làm vừa lòng bạn bằng chiếc Mi 5 Plus chạy phiên bản Snapdragon 820 có xung nhịp cao nhất. Giá thành của chiếc điện thoại này cũng chỉ vào khoảng 350 USD, tức là bằng một nửa Galaxy S7.
Tuyệt chiêu cắt giảm chi phí của Xiaomi không chỉ dừng ở thông số: cũng giống như nhiều hãng Trung Quốc khác, Xiaomi có vẻ là không đặt tôn trọng bản quyền và nhờ đó tránh được cuộc chiến bằng sáng chế lúc nào cũng nóng bỏng tại phương Tây. Hãy nhớ rằng Xiaomi hiện tại chưa đặt chân đến các quốc gia phát triển mà mới chỉ tập trung vào sân nhà Trung Quốc cùng các thị trường dân số cao như Ấn Độ, Indonesia và Brazil. Ngược lại, tại Mỹ chẳng hạn, bất kỳ một nhà sản xuất smartphone nào cũng đều đang vướng rắc rối pháp lý với một đối thủ cạnh tranh khác.
Cuộc chiến pháp lý từng là một vũ khí mạnh mẽ để Apple chống lại các đối thủ cạnh tranh trong nhiều năm liền, đặc biệt là dưới thời Steve Jobs. Sản phẩm của Microsoft gần như đứng ngoài cuộc cách mạng di động, nhưng sự trỗi dậy của Android vẫn mang lại cho hãng này hàng tỷ USD tiền bản quyền: có tới 70% thiết bị Android bán ra mang lại phí nhượng quyền cho Microsoft. Đây cũng chính là cách các nhà sản xuất lâu đời như Nokia, RIM và Motorola kiếm chác khi đã thất thế: nhờ đi đầu mà họ đã đăng ký được gần như là tất cả các tính năng cần thiết trên di động. Đáng chú ý nhất, bản quyền ngôn ngữ Java khiến cho Google đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát Android.
Chiến tranh bản quyền là một cuộc chiến đẫm máu – thắng, thua hay dàn xếp cũng đều khiến các nhà sản xuất phải trả giá đắt. Khi đã rục rịch đặt chân lên chiến trường Âu Mỹ, Xiaomi sẽ phải sớm tập hợp một đội ngũ luật sư đông đảo để làm lá chắn chống lại Apple và Samsung.
Apple bắt đầu để mắt tới giá rẻ
Phải đến tháng trước, Apple mới đặt… một nửa bàn chân vào cuộc chiến giá rẻ với chiếc iPhone SE có giá chỉ 400 USD. Nhưng, với một chiếc smartphone "vỏ 5s, ruột 6s" như iPhone SE, có thể thấy rằng mô hình "đầu bảng giá rẻ" của Apple khác hẳn với các nhà sản xuất khác. Với Xiaomi, bạn sẽ tự hỏi công ty Trung Quốc này sẽ làm thế nào nếu muốn bán được smartphone đầu bảng giá 700 USD trong tương lai. Ngược lại, smartphone giá rẻ của Apple không trực tiếp cạnh tranh với smartphone giá cao của hãng vì chỉ có màn hình 4 inch. Ngôn ngữ thiết kế khá vuông vắn được sử dụng từ iPhone 5 cũng được tái sử dụng để tô đậm sự khác biệt với những chiếc iPhone 6 và 6s tròn trịa.
Apple khẳng định iPhone SE là minh chứng cho thấy những chiếc iPhone cỡ nhỏ vẫn rất được ưa thích, nhưng dĩ nhiên mẫu iPhone 4 inch này cũng cho phép Apple thu lời nhiều hơn so với các nhà sản xuất khác. Khi phần lớn các nhà sản xuất Android đều sử dụng màn hình 5 inch cho phân khúc 300-400 USD, iPhone SE rõ ràng là sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Ở mức giá thấp hơn 50 USD so với giá cũ của iPhone 5s, iPhone SE cũng là chiếc smartphone dễ tiếp cận nhất của trong nhiều năm trở lại.
Nhiều người khẳng định iPhone SE sinh ra là để dành cho các thị trường đang phát triển. Thậm chí, theo số liệu của SimilarWeb, phần lớn lưu lượng đổ về trang web của Apple sau khi iPhone SE ra mắt thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng tiếc rằng đây sẽ là 2 thị trường khó nhằn hơn cả iPhone 5s, bởi giá quốc tế của Apple thường quá cao so với giá gốc tại Mỹ. Tại Trung Quốc, giá chính hãng của iPhone SE là vào khoảng 508 USD trong khi tại Ấn Độ con số đó lên tới 588 USD, tức là không còn cách quá xa so với giá của iPhone 6s tại Mỹ (650 USD).
CNBC khẳng định iPhone SE đã nhận được tới 3,4 triệu đơn đặt hàng tại Trung Quốc. Con số đó có vẻ ấn tượng, nhưng Mi 5 thì thậm chí còn thu được 16 triệu đơn hàng trong vòng chưa đầy 1 tháng. Mức giá chỉ 508 USD của iPhone SE vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán trung bình của iPhone tại Trung Quốc là 718 USD, nhưng rõ ràng người dùng Trung Hoa sẽ không thấy rõ sự chênh lệch giữa chiếc iPhone "cấp thấp" này và iPhone 6s như người dùng tại Mỹ.
Ẩn số Samsung
Thật bất ngờ, nhà sản xuất có thể tạo ra một chiếc "sát thủ đầu bảng" chất lượng nhất, dễ dàng nhất cho đến nay vẫn chưa hề tham gia vào cuộc chiến này. Điều đó càng trở nên bất ngờ khi Samsung sẽ là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất khi smartphone đầu bảng giá rẻ lên ngôi và lợi nhuận từ các mẫu smartphone cao cấp ngày càng suy giảm. Đó là còn chưa kể Samsung vẫn chưa chinh phục được thị trường cao cấp một cách thuyết phục như Apple.
Samsung đã tụt hạng trầm trọng tại Trung Quốc. Theo thống kê của IDC, Samsung thậm chí còn không lọt vào nổi top 5 Trung Quốc và cũng chỉ được đánh đồng hạng với các công ty ngồi "chiếu dưới" như OPPO và Vivo. Mọi thứ có vẻ khả quan hơn tại Ấn Độ, nơi Samsung chiếm vị trí số 1. Nhưng cuộc chiến tại Ấn Độ cũng đang nóng dần lên từng ngày. Xiaomi mới gia nhập thị trường này vào năm 2014 nhưng đã đủ sức khiến các nhà sản xuất nội địa khốn đốn. Apple tiếp tục tập trung vào Trung Quốc nhưng cũng đang mang tham vọng bán iPhone tái chế tại Ấn Độ. Ở thời điểm hiện tại, Samsung đang chủ yếu tranh đấu với Xiaomi, Lenovo cùng các nhà sản xuất nội địa như Micromax, Intex và Lava.
Danh mục sản phẩm của Samsung tại Mỹ hoàn toàn vắng bóng các sản phẩm giá rẻ: công ty chỉ bán ra các mẫu đầu bảng đời mới nhất và các mẫu đầu bảng đời cũ. Trong số 45 mẫu smartphone được Samsung ra mắt vào năm ngoái, chỉ có 4 mẫu được phát hành tại Mỹ. Cả 4 mẫu này đều có giá từ 650 USD trở lên.
Nếu so sánh trang sản phẩm của Samsung tại Mỹ và tại Ấn Độ, bạn sẽ thấy 2 bức tranh hoàn toàn khác biệt. Tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, Samsung vẫn bán ra Galaxy S7 và Galaxy Note 5, nhưng đi cùng chúng là chiếc Galaxy A5 có giá 430 USD, chiếc On7 có giá 150 USD và chiếc J2 có giá 126 USD cùng một loạt các mẫu smartphone khác trải dài trên toàn bộ khung giá. Tại Mỹ, Samsung không bán smartphone giá rẻ và cũng không bán smartphone trực tiếp. Nếu muốn mua Galaxy tại Mỹ, bạn sẽ phải tìm đến các nhà mạng.
Chẳng có một sản phẩm nào của Samsung chạm tay vào phân khúc đầu bảng giá rẻ cả. Ví dụ, ngay cả chiếc Galaxy A5 có giá gần với mốc 400 USD cũng chỉ có vi xử lý Snapdragon 615. Cùng lúc, Xiaomi mang Snapdragon 616 lên chiếc Redmi 3 có giá chỉ… 100 USD.
Rõ ràng là Samsung không muốn hạ giá các mẫu đầu bảng của mình, nhưng nếu như gã khổng lồ Hàn Quốc thực sự muốn tạo ra một chiếc smartphone có tỷ lệ hiệu năng/giá thành tương tự như Xiaomi, Samsung có tiềm năng để đè bẹp các đối thủ. Hãy nhớ rằng Samsung là công ty duy nhất có khả năng tự sản xuất gần như toàn bộ các linh kiện smartphone. Bất kỳ nhà sản xuất nào khác đều sẽ phải mua màn hình từ LG, Samsung hoặc Sharp; mua chip do Qualcomm thiết kế (và Samsung hoặc TSMC sản xuất); module camera từ Sony hoặc Samsung; pin từ LG Chem, Sony hoặc Samsung… Cuối cùng, Foxconn hoặc Inventec sẽ đóng vai trò lắp ráp. Tất cả những cái tên kể trên đều muốn thu lợi nhuận từ phần của mình trong chuỗi cung ứng, và bớt được một tên tuổi cũng sẽ giúp lợi nhuận tăng đáng kể.
Nếu muốn, Samsung có thể hất cẳng tất cả các công ty khác trên chuỗi cung ứng. Khi phần lớn các nhà sản xuất phải mua SoC từ Qualcomm, Qualcomm vẫn phải thuê bộ máy chế tác của Samsung, chưa kể chính Samsung cũng có dòng chip Exynos của riêng mình. Trên các lĩnh vực màn hình, RAM, bộ nhớ, camera và pin, Samsung thuộc top đầu của thế giới. Khi hợp nhất chuỗi cung ứng và tạo ra một chiếc smartphone gần như 100% là Samsung, gã khổng lồ Hàn Quốc sẽ tạo ra một mẫu đầu bảng có giá thành hấp dẫn hơn nhiều so với các đối thủ.
Chưa đoàn kết
Câu hỏi lớn là liệu Samsung có muốn (và có nên) làm như vậy. Bộ phận sản xuất smartphone của Samsung có vị thế rất lớn, nhưng bộ phận sản xuất linh kiện cũng không kém cạnh. 2 bên đang nhìn nhận nhau một cách độc lập. Mảng linh kiện của Samsung bán sản phẩm với giá thành ngang mức thị trường cho mảng di động. Đó là lý do vì sao Samsung đã từng thắng lớn với chip Exynos 7420 của năm ngoái, năm nay lại trở lại dùng chip của Snapdragon. Đơn giản là Samsung Mobile không có động lực kinh tế nào để chuyển sang sử dụng chip do Samsung sản xuất cả.
Chiến lược này không hẳn là vô lý. Các mảng gia công chip, bộ nhớ, module camera… của Samsung đạt thành công vượt trội trên thị trường. Bạn gần như chắc chắn sẽ không thể mua được một chiếc smartphone không có phần của Samsung, bất kể là thương hiệu nào. Khi mua Galaxy S7 không sử dụng chip Exynos, bạn vẫn đang mua một chiếc smartphone có chip do Samsung trực tiếp sản xuất. Khi mua dòng sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với dòng Galaxy S là iPhone, bạn rất có thể vẫn đang mua smartphone có sử dụng chip do Samsung gia công. Một nửa số SoC A9 trên iPhone 6s/6s Plus là do Samsung sản xuất; tỷ lệ này trên các đời iPhone cũ có thể còn cao hơn nữa.
Do đó, trong khi Samsung có thể tạo ra một mẫu đầu bảng giá rẻ hơn nữa bằng cách hợp nhất 2 mảng di động và mảng linh kiện (hoặc ít nhất là ép buộc 2 bên giao dịch với mức giá có lợi cho smartphone Galaxy), kịch bản này sẽ không có lợi cho mảng linh kiện. Mù quáng theo đuổi một thị trường đã bão hòa và ngày càng gay gắt như smartphone rõ ràng là không hợp lý, nhất là khi bàn phím sản xuất linh kiện của Samsung đang dần trở thành nguồn thu chủ chốt và ổn định nhất của công ty. Tiếp tục giữ tình thế của ngày nay có lẽ là hợp lý hơn cả, đặc biệt là khi thị trường smartphone đã khó khăn tới mức ngay cả Apple cũng gặp suy thoái.
Cái chết của những mẫu đầu bảng 600 đô
Khi thị trường khó khăn và khái niệm smartphone trở nên tầm thường, chắc chắn giá bán trung bình của smartphone sẽ ngày càng giảm hơn nữa. Giá smartphone trong nhiều năm qua đã không thay đổi nhiều, nhưng trước đó giá thành PC desktop và laptop đều đã đi từ chỗ "chỉ dành cho người giàu" trở thành "dành cho tất cả mọi người". Khi Xiaomi, OnePlus cùng nhiều hãng khác nhảy vào phân khúc đầu bảng với những sản phẩm mang tính chất phá giá, có lẽ càng ngày những chiếc smartphone giá trên 400 USD sẽ càng khó bán hơn.
Trong số các ông lớn của thị trường smartphone, Xiaomi vẫn đang đi đầu trong cuộc đua đầu bảng giá rẻ. Apple có lợi thế về thương hiệu, hệ điều hành và hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ để sống sót qua cuộc chiến giá rẻ. Điều này khiến cho các tên tuổi đi đầu khác, mà điển hình là Samsung, đứng trước nguy cơ để mất vị thế của ngày hôm nay.
Từ góc nhìn của người tiêu dùng, giá càng rẻ thì chúng ta càng có lợi. Nhưng điều đó cũng sẽ đe dọa tới sự tồn tại lâu dài của các nhà sản xuất và cả thị trường nói chung, do đó, họ sẽ phải sớm tìm cách để có thể thích nghi với tiêu chuẩn "đầu bảng" của thời đại mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời