Apple sắp cán mốc vốn hóa 3 nghìn tỷ USD, chuyên gia kỳ cựu phải thốt lên 'chưa từng thấy công ty nào có quy mô như vậy'
Tim Cook sắp đưa Apple tới kỷ lục mà chưa từng công ty nào trên thế giới làm được.
Đà tăng trở lại của cổ phiếu Apple trong năm 2023 đang đưa họ quay trở lại ngưỡng lịch sử: Vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ USD.
Cụ thể, giá cổ phiếu Apple đã tăng 35% trong năm nay, bổ sung thêm gần 690 tỷ USD vốn hóa thị trường khi các nhà đầu tư hào hứng với cổ phiếu này. Động lực được cho là bởi iPhone vẫn tạo ra doanh thu ổn định và dòng tiền mặt khổng lồ. Lợi thế này đã đưa Apple tiến tới cột mốc nổi bật như kỷ lục mà họ lập được vào tháng 1/2022.
“Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa từng chứng kiến một công ty có quy mô thế này và tôi cũng chưa từng thấy một công ty có khả năng tạo ra dòng tiền mặt tự do tới 100 tỷ USD 1 năm như vậy”, theo Patrick Burton – Giám đốc quản lý quỹ MainStay Winslow Large Cap Growth. Quỹ của ông Burton sở hữu gần 4,5 triệu cổ phiếu của Apple. “Khi nhìn vào các chỉ số cơ bản, bạn không thể hiểu tại sao Apple lại làm tốt đến vậy”.
Apple và những gã khổng lồ công nghệ khác trở nên nổi bật trên thị trường vào năm nay khi các nhà đầu tư bị thu hút với những công ty có quy mô lớn nhất trong khi đó vẫn phải thường xuyên nhìn nhận, đánh giá rủi ro từ khả năng suy thoái, các vụ ngân hàng sụp đổ và hiện là nguy cơ vỡ nợ của Mỹ. Đây là cổ phiếu yêu thích với những nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu cơ, nhà đầu tư nhỏ lẻ và cả Warren Buffett.
Đầu năm 2022, Apple từng đạt mức vốn hóa trên 3 nghìn tỷ USD nhưng nhanh chóng sau đó họ bước vào đợt giảm dài tới 27% trong năm sau khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ do lãi suất tăng. Nếu bây giờ Apple đạt được cột mốc quan trọng này, họ sẽ là công ty đầu tiên trong lịch sử làm được điều đó. Hiện tại, ở mức vốn hóa 2,76 nghìn tỷ USD, Apple lớn hơn cả toàn bộ chỉ số Russell 2000.
Những kết quả kinh doanh khả quan của Apple vào tháng này có thể lý giải cho sự hưng phấn của các nhà đầu tư. Cả lợi nhuận và doanh thu của công ty đều vượt dự đoán nhờ vào sự phục hồi với mảng sản phẩm iPhone và tốc độ tăng trưởng với mảng Services. Công ty này cũng đã tăng trả cổ tức và tuyên bố kế hoạch mua lại 90 tỷ USD cổ phiếu.
Những cam kết mang lại lợi ích cho cổ đông cộng với dòng doanh thu lâu bền của công ty biến Apple và những cổ phiếu công nghệ siêu vốn hóa khác trở thành “thiên đường an toàn” vào đầu năm nay khi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank dẫn tới cú sốc với toàn bộ lĩnh vực ngân hàng. Hiện tại, giữa kỳ vọng FED sắp giảm lãi suất sớm vào tháng 6 để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế, các nhà đầu tư đang tìm tới các cổ phiếu công nghệ vì đặc điểm tấn công thay vì phòng thủ.
“Apple có khả năng hoạt động tốt trong môi trường có thuyết Rick on-Rick off (theo thuyết này, khi rủi ro được cảm nhận ở mức thấp, nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào các tài sản có rủi ro cao). Bạn không thể kỳ vọng lãi tới 20-30% từ đầu tư vào cổ phiếu Apple nhưng sẽ thích giữ tiền ở đó hơn là kho bạc. Có rất nhiều cơ hội để Apple tăng tốc độ tăng trưởng thậm chí trong môi trường khó khăn. Apple cũng trả cổ tức hào phóng, mua vào rất nhiều cổ phiếu và có một bảng cân đối kế toán đẹp tới khó tin. Tất cả những điều đó thu hút các nhà đầu tư”.
Dẫu vậy, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Apple với những chỉ số cổ phiếu chính có nghĩa là bất kỳ sự đảo ngược nào, tức là khi cổ phiếu Apple quay đầu giảm cũng sẽ gây ra rủi ro mở rộng cho thị trường. Cổ phiếu Apple hiện đại diện cho gần 7,5% chỉ số S&P500.
Khi một công ty hoạt động tốt như Apple, mọi người có thể cảm thấy họ sẽ miễn nhiễm với rủi ro", Sal Bruno, Giám đốc đầu tư tại IndexIQ cho biết.
"Ngay bây giờ chúng ta đang thấy mặt tích cực nhất vì công ty này đã mang lại kết quả tuyệt vời và cho thấy sức mạnh tuyệt vời. Nhưng, nhiều trường hợp trong quá khứ đã chứng minh bất cứ khi nào chúng ta thấy sự tập trung của thị trường tăng đột biến thì sau đó đều không kết thúc tốt đẹp. Nếu Apple chẳng may vấp ngã hoặc nhà đầu tư có cảm giác giá trị của họ đã được định giá quá cao, sẽ có nhiều rủi ro hơn cho thị trường nói chung”.
Nguồn: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Khoa học hay tâm linh: Lời giải thích nào cho những ký ức song song của người hiến tặng và người nhận tạng ghép?
Người nhận được nội tạng hiến tặng thường cảm thấy họ có trách nhiệm duy trì ký ức hoặc sở thích cũ của người hiến tạng, như một cách để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn tới người đã hi sinh mạng sống cho mình.
Intel Lunar Lake khiến fan Windows nở mày nở mặt vì thời lượng pin vượt cả MacBook