Apple sẽ không thể giữ chân các nhà giáo dục nếu chỉ dựa vào phần mềm
Các sản phẩm của Apple từng rất được ưa chuộng trong các lớp học. Nhưng liệu chiếc iPad mới của họ có đủ sức để giữ chân các nhà giáo dục.
Đêm qua (theo giờ Việt Nam), Apple đã công bố một chiếc iPad hoàn toàn mới. Chiếc iPad này có màn hình 9.7-inch, camera sau 8-megapixel, thời lượng pin lên đến 10 tiếng, camera FaceTime độ phân giải HD ở mặt trước, chip xử lý Apple A10 Fusion, cùng khả năng hỗ trợ bút cảm ứng Apple Pencil. Nhưng điểm nổi bật ở chiếc iPad mới là nó được tung ra dành riêng cho các trường trung học, tại một sự kiện mang màu sắc giáo dục với đối tượng hướng đến rõ ràng là các lớp học. Ý đồ của Apple khá rõ: các trường học nên đầu tư vào iPad ngay thôi!
Với mức giá 299 USD (cộng thêm từ 50 đến 99 USD nếu kèm bút cảm ứng), các trường học có lẽ chẳng thể kiếm đâu ra ngân sách để sắm cả tablet lẫn laptop truyền thống cho học sinh. Trong bối cảnh hầu hết các trường công lập phải đối phó với tình hình tài chính khó khăn, họ sẽ buộc phải chọn một trong hai. Và dù tham vọng biến iPad thành một công cụ hỗ trợ giáo dục của Apple rất tiềm năng, laptop vẫn là một lựa chọn hợp lý hơn đối với hầu hết học sinh. Thế thì, tại sao Apple lại không làm ra một chiếc MacBook giá rẻ cho giáo dục thay vì iPad?
Apple rõ ràng đang tìm cách đánh mạnh vào các trường học trong một nỗ lực nhằm tìm lại những ngày tháng vinh quang xưa kia trong lĩnh vực giáo dục. Vào năm 1978, Apple đã đạt được một thoả thuận khá nổi tiếng với Liên đoàn Giáo dục Điện toán Minnesota (MECC), trong đó Nhà Táo cung cấp 500 máy tính cho các trường học; và đến năm 1982, MECC đã trở thành đại lý kinh doanh máy tính Apple lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Steve Jobs đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 1985 với trang Computerworld rằng "một trong những điều góp phần tạo nên chiếc máy tính Apple II chính là các trường học đã mua Apple II".
Có thể thấy, máy tính Apple như Macintosh và eMac đã từng là những điều rất đỗi bình thường xuất hiện nhan nhản tại các cơ sở giáo dục, trường học và đại học trên khắp nước Mỹ trong suốt thời kỳ từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000. Kết quả này phần lớn là xuất phát từ những hoạt động quyên góp máy tính quy mô lớn, những hợp đồng độc quyền với các trường đại học hàng đầu, và việc sản xuất eMac (và nhiều mẫu máy tính khác) cấu hình yếu hơn nhưng giá rẻ hơn so với các sản phẩm dành cho người tiêu dùng còn lại của Apple.
Giữa những năm 2000, Apple thực ra đã thử làm một chiếc MacBook giá rẻ cho trường học. Đó là chiếc MacBook vỏ nhựa với cấu hình cơ bản, và mặc dù ý định ban đầu là dành cho người tiêu dùng thông thường, Apple vẫn quảng bá và bán nó cho các trường học như một giải pháp máy tính giá rẻ. Khi chiếc MacBook này chấm dứt vòng đời vào năm 2011, Apple vẫn tiếp tục bán chúng cho các viện giáo dục với giá gần 900 USD mỗi máy.
Trong một vài năm trở lại đây, mọi thứ đã thay đổi. Theo một khảo sát mới đây của FutureSource Consulting, Apple đã tụt xuống vị trí thứ 3, xếp sau Google Chromebook và Windows PC trên thị trường giáo dục. Nguyên nhân là bởi Chromebook và PC có giá dễ chịu hơn nhiều. Nhằm biến các sản phẩm của mình trở nên hiện đại hơn, gọn nhẹ hơn, và nhanh hơn, Apple đã từ bỏ hầu hết các dòng sản phẩm ở phân khúc cơ bản. Chiếc MacBook rẻ nhất ở thời điểm hiện tại có giá đến 1.300 USD, chắc chắn không phải là một chiếc laptop giá tốt dù được đánh giá dưới bất kỳ tiêu chí nào.
Vậy tại sao Apple không thể làm ra một chiếc laptop giá rẻ?
"Về mặt lý thuyết, Apple có thể, nhưng trước tiên, họ sẽ phải chấp nhận giảm mức lợi nhuận biên của mình" - chuyên gia phân tích Rhoda Alexander của IHS Markit cho biết - "Tuy nhiên, mức lợi nhuận biên đó lại là một phần mấu chốt trong thành công của Apple, cho phép Apple liên tục tái đầu tư vào thương hiệu của mình, mở rộng cải tiến và nghiên cứu & phát triển phần cứng, phần mềm, và các nội dung liên quan".
Apple cũng có thể làm ra những chiếc laptop rẻ hơn với vỏ nhựa và CPU yếu, nhưng việc sản xuất phần cứng số lượng lớn như vậy có vẻ không nằm trong chiến lược hiện tại của hãng.
"Họ có thể đánh đổi nhiều thứ về mặt thiết kế và linh kiện để giảm giá thành, nếu mục tiêu cuối cùng của họ là tăng số lượng thiết bị" - Alexander nói tiếp, đồng thời nhấn mạnh rằng Apple vẫn muốn duy trì một "tiêu chuẩn cao cấp đối với mọi dòng sản phẩm mang thương hiệu của mình.
Đó có vẻ là lý do vì sao Apple chuyển hướng biến iPad thành một phần trong chiến lược giáo dục của hãng. Tablet không chỉ tiện lợi, gọn nhẹ và dễ sử dụng, chúng còn là một phần trong hướng đi thời kỳ "hậu PC" của Apple - khi mà hầu hết các tác vụ đều chỉ cần một màn hình cảm ứng cùng một đến hai món phụ kiện đi kèm.
Thực ra, chiến lược này cũng có lý. Nhiều người dùng sau khi thử dùng iPad Pro thay cho laptop trong vòng một tuần đều cho biết iPad hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên, cho phép họ thực hiện hầu hết các công việc một cách dễ dàng. Tất nhiên, nó không thể thay thế laptop - ví dụ, chỉnh sửa kích cỡ hình ảnh hàng loạt quả là một cơn ác mộng - nhưng nó đã gần đạt đến mức đó. Và đối với trẻ em, iPad có lẽ đã quá đủ.
Trên thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh đã sắm iPad cho con cái mình; đó là điều không thể đánh giá thấp. Rốt cuộc thì nó là một thiết bị mà nhiều trẻ em đã rất quen thuộc, và mang trải nghiệm ở nhà đến trường có vẻ là một bước đi hợp lý. Trong khi người lớn quen thuộc hơn với laptop và bàn phím, trẻ em ngày nay - vốn lớn lên cùng các loại tablet - sẽ rành các loại màn hình cảm ứng hơn. Kết hợp với việc hiện có rất nhiều ứng dụng giáo dục được viết cho iPad, không ngạc nhiên khi Apple nhận định iPad là chìa khoá giúp họ trở lại các lớp học.
Mức giá của iPad là một rào cản, không ai có thể chối cãi. Nếu được chọn giữa một chiếc iPad giá 300 USD và một chiếc Chromebook với giá khởi điểm chỉ 150 USD, các trường học sẽ không ngần ngại chọn cái thứ hai. Rõ ràng, một cái đẹp và có các ứng dụng mạnh mẽ, nhưng cái còn lại thì có bàn phím, cùng mọi chức năng quan trọng, mà giá lại rẻ hơn nữa!
Apple có thể làm một chiếc iPad hay MacBook chỉ dành riêng cho học sinh, nhắm đến thị trường giáo dục, có lẽ lại là những thiết bị vỏ nhựa. Miễn là chúng đủ mạnh để chạy bất kỳ ứng dụng giáo dục nào, cùng những công cụ phục vụ công việc của Apple mà không gặp vấn đề gì. Chiếc iPad hay MacBook đó có thể không đẹp và bóng bẩy như chiếc iPad đêm qua, hay như những chiếc MacBook hiện tại, nhưng ai mà quan tâm chứ?
Tuy nhiên, thực tế thì chúng ta có thể sẽ chẳng được thấy thứ gì như vậy, ít nhất là trong thời gian tới. Apple vẫn luôn là một hãng sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp. Apple sẽ chẳng còn là Apple nếu đột nhiên sản xuất những phiên bản giá rẻ bình dân của các thiết bị hiện có chỉ vì họ muốn bắt kịp với các đối thủ (hãy nhớ rằng chiếc iPhone 5c chẳng thể tồn tại được lâu). Nghiệt ngã thay, đó có lẽ là điều Apple cần phải làm để có thể thuyết phục thêm nhiều trường học chuyển sang dùng iPad.
Tham khảo: Engadget
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI