Apple và câu chuyện chuỗi cung ứng sản xuất iPhone
Từ mức chỉ đóng góp 3,6% tổng giá trị mỗi chiếc iPhone cách đây 10 năm, các nhà cung ứng Trung Quốc hiện đang chiếm hơn 25% giá trị mỗi chiếc điện thoại của Apple.
Theo tờ New York Times (NYT), Apple đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng sự phụ thuộc quá lớn của họ vào Trung Quốc không dễ dàng thay đổi trong ngắn hạn, nếu không muốn nói là ngày càng phụ thuộc hơn.
Gần đây, việc Apple dịch chuyển một phần nhỏ chuỗi cung ứng sản xuất iPhone ra ngoài Trung Quốc được cho là động thái mới của nhà táo khuyết để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, thế nhưng với những gì đang diễn ra với iPhone 14, câu chuyện có lẽ còn phức tạp hơn nhiều.
Tờ NYT nhận định sau 15 năm làm việc cho Apple, những công nhân và nhà cung ứng tại Trung Quốc đang cung ứng nhiều khía cạnh, từ thiết kế, sản xuất loa cho đến pin cho iPhone. Vậy là sản phẩm này từ giai đoạn được thiết kế ở Mỹ và sản xuất ở Trung Quốc thì nay đã bắt đầu được thiết kế ở cả 2 nơi.
Với sự phát triển công nghệ của mình, những kỹ sư Trung Quốc đang tham gia ngày càng nhiều cho việc phát triển iPhone, nhất là iPhone 14 sắp ra mắt tới đây. Ban đầu Apple nhắm đến nhân công và chi phí rẻ ở Trung Quốc, đi kèm năng suất tại đây. Thế nhưng sau nhiều năm tiếp cận, những kỹ sư Trung Quốc đang dần dịch chuyển lên trong chuỗi cung ứng của Apple và chiếm vai trò ngày một quan trọng hơn.
Thậm chí chính bản thân Apple cũng nhận thức được điều này khi cố gắng chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Ấn Độ. Vậy nhưng ngay cả khi dịch chuyển sang Ấn Độ thì Apple vẫn phụ thuộc khá lớn vào các công ty Trung Quốc.
Tại Chennai, nhà máy Foxconn của Đài Loan sẽ là nơi hướng dẫn cho các công nhân Ấn Độ lắp ráp thiết bị cung ứng cho Apple. Họ sẽ được hỗ trợ bởi những nhà cung ứng đến từ Trung Quốc khác như Lingyi iTech, vốn chuyên cung cấp bộ sạc và một số thiết bị cho iPhone. Hiện tập đoàn BYD nổi tiếng của Trung Quốc cũng đang thiết lập nhà máy cắt kính màn hình tại Ấn Độ để sẵn sàng cung ứng cho Apple.
"Họ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng điều này quá khó khăn. Apple đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc", chuyên gia Gene Munster của hãng nghiên cứu công nghệ Loup Ventures nhận định.
Thay đổi hậu đại dịch
Khi Trung Quốc giãn cách các trung tâm công nghệ để chống dịch Covid-19, Apple đã phải từ bỏ kế hoạch đưa kỹ sư từ Mỹ sang để thiết kế sản xuất iPhone, đồng thời tạm dừng một số hoạt động sản xuất.
Trong giai đoạn này, thay vì chờ nhân viên cách ly xong thì Apple bắt đầu tuyển thêm kỹ sư Trung Quốc tại Thâm Quyến và Thượng Hải để tham gia thiết kế sản phẩm cho họ. Nguồn tin của NYT cho thấy đội thiết kế đã phải liên tục có các cuộc họp trực tuyến thâu đêm tại 2 đầu Mỹ-Trung để làm việc.
Ngay sau khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ, Apple đã hối thúc các kỹ sư đến Trung Quốc làm việc với chính sách lương 1.000 USD/ngày cho 2 tuần làm việc bị cách ly và chế độ làm việc 4 ngày/tuần. Dù thu nhập có thể lên đến 50.000 USD nhưng nhiều kỹ sư Mỹ vẫn do dự khi phải đến Trung Quốc do tình hình dịch bệnh phức tạp.
Trước tình hình này, Apple đang phụ thuộc ngày một nhiều hơn vào dàn lực lượng lao động kỹ thuật cao để tham gia các khâu thiết kế, vốn thuộc về những kỹ sư người Mỹ trước đây. Số liệu của Global Data cho thấy từ đầu năm đến nay, Apple đã đăng tuyển nhiều hơn đến 50% so với cả năm 2020 tại Trung Quốc.
Phụ thuộc nhiều hơn
Bên cạnh nhân lực, Apple cũng ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc. Cách đây 10 năm, người Trung Quốc chỉ phụ trách những khâu kỹ thuật thấp cho nhà táo khuyết như lắp ráp các bộ phận nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Số liệu của giáo sư kinh tế Yuqing Zing của Viện NGIPS tại Tokyo cho thấy tổng đóng góp của những công việc này chỉ khoảng 6 USD/sản phẩm, tương đương 3,6% tổng giá trị mỗi chiếc iPhone.
Thế nhưng Trung Quốc dần gia tăng được tỷ lệ đóng góp cho sản phẩm của Apple, bắt đầu từ sản xuất loa, cắt kính màn hình, cung ứng pin cho đến sản xuất camera. Tổng đóng góp của các xưởng Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 25% giá trị của mỗi chiếc iPhone.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Dan Wang của Gavekal Dragonomics cho thấy sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc không những giảm mà còn ngày một tăng. Trong khi nhiều quốc gia phải tạm hoãn cung ứng trong giai đoạn 2020-2021 vì đại dịch thì nhờ sự quay lại nhanh chóng của các xưởng Trung Quốc mà Apple gia tăng thêm được thị phần cũng như bán nhiều iPhone ở mức kỷ lục.
Với lý do trên, nhà táo khuyết sẽ hối thúc các nhà cung ứng tăng cường sản xuất để đáp ứng thị trường, và Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng này.
Một minh chứng được NYT đưa ra là Apple từng chi tới 150 triệu USD tiền vé máy bay cho United Airlines để chở nhân viên đến Trung Quốc làm việc. Một cựu nhân viên nhớ lại trước khi đại dịch diễn ra, những chuyến bay đến Thượng Hải, Hong Kong hạng thương gia thường chứa đầy những kỹ sư làm việc cho Apple.
Thậm chí United Airlines hiện không còn chuyển tiếp chuyến bay từ San Francisco qua Hong Kong nữa mà lập đường bay thẳng đến Thượng Hải luôn với 4 chuyến mỗi tuần, và phần lớn khách hàng là nhân viên Apple.
*Nguồn: NYT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"