Apple và những cách giữ bí mật sản phẩm đến phút chót

    Minh Lết, Minh Lết  

    Chúng ta đều đã biết vì sao Apple muốn giữ bí mật về các sản phẩm của mình. Còn dưới đây là câu chuyện về việc họ đã làm những gì để đảm bảo iPhone , iPad không bị lộ trước ngày ra mắt.

    Ngay lúc bạn đang đọc bài viết này, 150 ngàn chiếc iPhone 5 đang được xuất xưởng mỗi ngày với hơn 420 ngàn công nhân của Foxconn tham gia các công đoạn lắp ráp, đóng gói sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng trăm ngàn người từng tiếp xúc với chiếc iPhone 5 hoặc một phần linh kiện của nó trong suốt nhiều tháng trời, hãy nhìn sự việc ở góc độ đó để thấy rằng vì sao việc Apple có thể giữ bí mật với 1 sản phẩm được mong chờ như iPhone 5 sau hơn 1 năm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dường như không tưởng nhưng lại là sự thật.


    Nhưng trong suốt nhiều năm qua, hầu như chưa bao giờ có 1 sản phẩm nào của Apple bị lộ diện trước ngày ra mắt ở dạng thiết bị hoàn chỉnh (Ngoại lệ: iPhone 4). Vậy thì thực ra Apple đã làm những gì để giữ bí mật cho các sản phẩm chưa ra mắt của mình? Câu trả lời có thể sẽ làm bạn phải giật mình.

    Đe nẹt nhân viên thiết kế

    Những người đầu tiên được nhìn và có khái niệm về chiếc iPhone thế hệ tiếp theo có lẽ là những nhân viên thiết kế của Apple. Và thiết kế sư trưởng của Apple, Jony Ive chính là một trong những người như thế. Ông này nổi tiếng với phong cách sống im lặng, ẩn dật. Trong số những "ngôi sao" trong ban lãnh đạo của Apple, có lẽ Jony Ive là một trong số những Phó Chủ Tịch hiếm hoi mà cả những nhân viên của Apple cũng ít người biết mặt. Mặc dù nắm giữ bộ phận quan trọng số 1 trong các phó chủ tịch của Apple, Jony Ive rất hiếm khi xuất hiện trên báo chí, và chưa bao giờ trả lời phỏng vấn. Tháng 6 năm 2010, Jony Ive gặp gỡ các phóng viên của BBC, đồng ý cho họ chụp ảnh nhưng từ chối phỏng vấn và nói rằng mình bị Apple cấm tiệt việc trả lời phỏng vấn.


    Ngay cả Steve Jobs cũng tránh nói về Jony Ive khi ông này trả lời báo chí, hẳn nhiên là để giữ vị thế "người vô hình" của Ive trước các mặt báo. Các cuộc họp mặt nhân viên của Apple được diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên an ninh được Apple thuê về, phần lớn trong số đó là các cựu điệp viên CIA, FBI. Giám đốc an ninh toàn cầu của Apple là John Theriault từng là cựu tình báo FBI và có thời gian làm việc cho Pfizer, hãng sản xuất Viagra với nhiệm vụ ngăn chặn hàng nhái của Viagra ở Trung Quốc. Khi về với Apple, công việc của Theriault là bảo mật cho các sản phẩm và thẩm vấn những nhân viên có nghi vấn làm lộ thông tin của Apple.

    Các nhân viên ở Apple phải ký những cam kết bảo mật thông tin chặt chẽ tới mức không dám nói chuyện với cả người thân về công việc của mình ở Apple. Những người rời bỏ Apple cũng ít ai dám hé răng về nội bộ của công ty, nhất là các sản phẩm sắp ra mắt vì họ thừa hiểu Apple sẽ truy tố họ nếu thông tin bị lộ.

    Và cuối cùng, điều khiến Apple đạt hiệu quả trong việc giữ bí mật về các sản phẩm đối với nhóm thiết kế đó là nhóm này rất hạn chế về số lượng. Có thể khó tin nhưng dường như chỉ có vài ba người chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ các sản phẩm của Apple như Macbook, iMac, iPhone, iPad... Những người này được tuyển dựa trên tiêu chí đầu tiên: Tình yêu đối với Táo Khuyết. Chính tình cảm này với hãng đã khiến họ làm mọi việc để đảm bảo quyền lợi của Apple, và trong trường hợp này, là giữ bí mật.

    Dằn mặt các đối tác gia công thiết bị

    Hiện tại, Apple không có 1 nhà máy sản xuất nào trong tay. Sau cuộc cách tân những năm cuối thập niên 90 của Tim Cook, người hiện giờ là CEO của Apple, Apple đã đóng cửa tất cả các nhà máy sản xuất phần cứng của mình trên toàn thế giới. Hiện tại tất cả các sản phẩm của Apple đều thành hình từ những hợp đồng mà Apple ký với những OEM như Foxconn, Hon Hai, Pegatron... Trong đó, đáng chú ý nhất là Foxconn. Người ta đồn rằng hiện tại 85% sản lượng iPhone 5 hiện đang được lắp ráp ở các nhà máy của Foxconn, phần còn lại do Pegatron đảm trách.

    Và với các đối tác này, Apple đều nắm giữ 1 vị thế rất quan trọng: năm 2010, doanh thu của Foxconn đạt 2,2 tỉ USD. Phần lớn trong số đó đến từ các đơn hàng của Apple. Và Apple đã nói rất rành rọt rằng chỉ cần 1 vụ lộ các sản phẩm trong quá trình sản xuất, Foxconn sẽ mất tất cả hợp đồng với Apple đồng thời đối mặt với những vụ kiện trị giá nhiều triệu USD.

    Và để giữ hợp đồng với Apple đồng thời tránh các án phạt, Foxconn đã áp dụng những cơ chế an ninh không chê vào đâu được. Năm 2010, 1 nhóm phóng viên của Reuters đến thăm nhà máy sản xuất của Foxconn tại khu công nghiệp ở thành phố Long Hoa, Trung Quốc. Và họ cảm thấy choáng ngợp trước khu phức hợp của Foxconn được xây dựng khép kín với tường bao xung quanh bên trong đó là hàng trăm ngàn công nhân của Foxconn đang miệt mài xử lý các linh kiện hoặc lắp ráp những chiếc iPhone, iPad để đưa chúng lên kệ hàng ở các nước phương Tây. 


    Bên trong khu liên hợp này có đầy đủ khu vui chơi giải trí, ngân hàng, bệnh viện, ký túc xá, nhà ăn, bưu điện... Nói tóm lại là nhà máy của Foxconn trông giống như những thành phố thu nhỏ, và những ai đã làm việc ở đây, không có lý do (và thời gian) để bước ra phía bên ngoài bức tường bao. Hàng trăm ngàn người làm việc, sinh hoạt trong những "trại tập trung" như thế để hạn chế tối đa việc giao lưu thông tin với thế giới bên ngoài. Các công nhân ra vào khu công nghiệp phải đi qua cửa với dò từ và phải quẹt thẻ. Một công nhân nói: "Họ có máy dò kim loại và thậm chí là lục soát người chúng tôi. Nếu bạn ra khỏi cửa mà mang theo bất kỳ vật gì lạ trong người, họ sẽ báo cảnh sát". Các phương tiện ra vào Foxconn bị lục soát và người ngồi trên xe phải trình giấy chứng minh đi kèm với quét vân tay nhận dạng.

    Các nhà máy của Foxconn là 1 thành phố thu nhỏ với đủ các cơ sở vật chất.

    Các nhà máy của Foxconn nổi tiếng với cơ chế an ninh chặt chẽ, môi trường làm việc khắc nghiệt, công việc nặng nhọc và đồng lương bèo bọt. Tất cả những yếu tố trên đã khiến hồi đầu năm hàng chục vụ tự tử do stress đã diễn ra gây sự chú ý của công luận, sau khi người thứ 11 nhảy xuống, Foxconn dựng nên những lưới bao quanh các tòa nhà cao tầng để hứng người tự tử bằng cách nhảy từ trên cao xuống. Các tấm lưới giải quyết được phần nào vấn đề tự sát của công nhân vì sức ép công việc nhưng không làm tình hình ở các nhà máy của Foxconn sáng sủa hơn. Những vụ kiểu như công nhân Foxconn tự tử sau khi bị sếp thẩm vấn vì làm mất mẫu thử iPhone đã không còn là chuyện hiếm.


    Các linh kiện của Apple được sản xuất rời rạc sau đó đem về Foxconn để lắp ráp lại với nhau, chính vì không có 1 nhà sản xuất nào nắm giữ toàn bộ qui trình sản xuất nên không một ai biết rõ sản phẩm sẽ trông như thế nào. Thậm chí khi sản phẩm được lắp ráp cũng trải qua nhiều công đoạn, công đoạn cuối cùng khi sản phẩm thành hình chỉ được giao cho 1 nhóm rất nhỏ và nhóm này làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ, không được mang bất kỳ thiết bị điện tử gì vào nơi làm việc và vì có số lượng nhỏ, chỉ cần sản phẩm bị lộ, Foxconn sẽ điều tra ngay được ai là người đã mắc lỗi. Cuối năm 2010, trước khi iPad 2 ra mắt, có 1 số hãng sản xuất vỏ bao đã cho ra những chiếc vỏ bao cho iPad 2. Và khi iPad 2 ra mắt, các vỏ bao này vừa khít với sản phẩm. Foxconn và Apple vào cuộc, không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên trong trường hợp này, nhất định phải có "nội gián". Kết quả của cuộc điều tra là 3 công nhân bị truy tố, sau đó bị kết luận có tội vào tháng 3 năm 2011. Vụ việc được giữ kín cho tới tận gần đây.

    Lưới ngăn tự tử ở Foxconn.

    Chính vì các linh kiện được sản xuất rời rạc từ nhiều nhà thầu khác nhau, Apple có nhiều đối tác sản xuất. Và các đối tác này thường bị Apple "úp sọt" khi thông báo họ được chọn để sản xuất linh kiện cho iPhone, iPad, iPod thế hệ mới. Một lãnh đạo giấu tên của hãng sản xuất từng cung cấp linh kiện cho Apple nói "Thường thì họ gọi chúng tôi đến và trình bày những gì họ muốn. Họ cho chúng tôi 1 vài lựa chọn, chúng tôi cho họ xem sản phẩm của mình. Và họ chọn lựa rất kỹ trước khi quyết định, thường chuyện này diễn ra chỉ vài tuần trước khi sản phẩm ra mắt". Apple cũng khiến các nhà sản xuất linh kiện điên đầu khi liên tục có những đòi hỏi rất "khó chiều". Thay vì sử dụng các linh kiện tiền chế với kích thước, hình dạng cố định, Apple thường yêu cầu các linh kiện theo thiết kế riêng của mình. Điều này khiến các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn vì phải chỉnh sửa dây chuyền và nếu có sản phẩm tồn kho mà Apple không nhận thì những sản phẩm đó sẽ phải vứt đi vì không thể sử dụng lại được.


    Nhóm phóng viên Reuters mà tôi đề cập ở trên đến 1 nhà máy của Foxconn, đứng ngoài đường chụp ảnh và lập tức bị  các nhân viên bảo vệ của Foxconn xáp tới tấn công, bắt họ lên xe. Vụ việc chỉ kết thúc khi 1 nhà báo gọi cảnh sát. Vị cảnh sát hòa giải vụ việc và giải thích với phóng viên rằng "Anh được quyền chụp ảnh. Nhưng xin anh hãy hiểu cho vì đây là Foxconn và họ rất có thế lực ở thành phố này".

    Câu chuyện của các bên phát triển phần mềm

    Có 1 thực tế như thế này, khi chiếc iPad 1 ra mắt, trên AppStore đã có sẵn khoảng 500 ứng dụng dành riêng cho thiết bị này, hầu hết trong số đó là của các lập trình viên độc lập chứ không phải của Apple. Ứng dụng là 1 trong những điều khuyến khích người sử dụng mua sản phẩm. Sẽ rất khó để thuyết phục người ta mua iPad nếu ngay thời điểm ra mắt, các ứng dụng quan trọng không hoạt động được, chờ đợi quá trình phát triển các ứng dụng này sẽ mất hàng tuần, thậm chí là lâu hơn nữa. Vậy câu hỏi là làm sao để các lập trình viên này có thể sản xuất ứng dụng nếu không được nhìn thấy trước thiết bị? Câu trả lời là họ được nhìn thấy trước thiết bị sắp ra mắt, thậm chí còn được làm việc với chúng. Tất nhiên là với những điều kiện rất khắt khe.

    1 lập trình viên, tác giả của 1 ứng dụng rất nổi tiếng trên iPad tâm sự rằng anh ta là người được Apple chọn để phát triển ứng dụng của mình trên iPad trước khi sản phẩm này ra mắt. Đi kèm với đó là câu chuyện về những chiếc iPad đầu tiên khi đến tay các lập trình viên.

    "Có lẽ tôi là người thứ 6 cầm được chiếc iPad trên tay. Chúng tôi nhận được 2 chiếc, điều kiện là phải có 1 căn phòng không cửa sổ và họ đến thay khóa cửa của chúng tôi. Tôi và 3 lập trình viên khác là những người duy nhất được ra vào căn phòng đó. Apple đòi hỏi tên và số CMT của những người ra vào. Apple đòi khoan 1 lỗ trên bàn và dùng khóa, xích chiếc iPad vào đó. Họ sử dụng loại khóa dây xe đạp. Thậm chí chiếc iPad mà chúng tôi nhận được còn bị đóng trong 1 cái khung to đùng nên chúng tôi cũng chả biết nó trông như thế nào ngoại trừ 1 màn hình rất lớn. Chúng tôi có thể cắm nó vào máy tính, tương tác với màn hình, tuy nhiên không thể xem hình dáng của nó. Sau đó họ chụp ảnh cả mặt bàn để nếu có bức ảnh chụp thiết bị nào lộ ra, họ sẽ biết ngay bức ảnh đó từ đâu. Tôi không được nói cho sếp của mình, không được nói cho vợ, không được trò chuyện với bất cứ 1 ai về việc chúng tôi đang làm."

    Và đây là hình ảnh của chiếc iPad đầu tiên mà các lập trình viên nhận được.


    Bị "đóng thùng" kiểu này đố ai nhận ra đây là iPad?


    Cuối cùng, Apple không hề ngại ngần trong việc "sờ gáy" các blogger hoặc tạp chí thông tin về việc tiết lộ thông tin mật về các sản phẩm sắp ra mắt của hãng. Gizmodo, trang web từng mua lại chiếc iPhone 4 bị lộ suýt bị truy tố vì hành động này. Tuy nhiên khi đối mặt với báo chí, bên chịu thiệt hại lại thường là Apple. Năm 2007 khi Apple kiện 1 số Blogger vì việc tiết lộ thông tin của dự án Asteroid của mình. Vụ kiện cuối cùng kết thúc với phần thắng nghiêng về cánh nhà báo và Apple phải trả 700 ngàn USD tiền bồi thường cho bị đơn.

    Kết

    Apple đã làm rất nhiều để đảm bảo bí mật cho các sản phẩm sắp ra mắt của mình. Và công sức ấy được bù đắp xứng đáng, hầu hết các sản phẩm của Apple được bảo đảm bí mật đến tận lúc chúng được tung ra thị trường. Và iPhone 5 có lẽ cũng nằm trong số đó. Đến tận thời điểm hiện tại, tất cả những gì chúng ta có chỉ là một mớ những tin đồn thất thiệt và vô giá trị trong khi chiếc smartphone thế hệ tiếp theo của Apple vẫn biệt tăm biệt tích.

    Nói chung cùng, dường như tất cả mọi người đều tỏ ra quá mệt mỏi với thời gian chờ đợi dài bất thường. Tất cả các "máy sản xuất tin đồn" hầu hết đều chỉ hoạt động tốt sau 1 năm sản phẩm thế hệ trước ra mắt và cỗ máy ấy dường như đã có những sự trục trặc nhất định khi tung ra những tin đồn thiếu căn cứ thời gian gần đây.

    Còn bạn thì sao? Bạn có cảm thấy mệt mỏi với sự úp mở của Apple và vòng xoay đồn đoán quanh sản phẩm của hãng này? Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn trong phần comment dưới đây.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ