Apple vừa ra mắt gói iCloud rất hấp dẫn, khiến... đối thủ của họ sung sướng, đố bạn biết đó là ai
Bên dưới đám mây của iFan là một cuộc tranh đấu ngầm của những kẻ vừa ghét Apple, vừa là... bạn của Apple.
Tại WWDC 2017, Apple vừa ra mắt một gói iCloud khá hấp dẫn: 2TB ở mức 10 USD/tháng. Nếu chiếu theo mức sống tại Mỹ, mức giá này cũng có nghĩa rằng iFan chỉ cần bỏ ra một bát phở (Cali) để sở hữu thêm một chiếc ổ cứng tầm trung trên đám mây.
Mức giá của Apple đưa ra cũng khá hấp dẫn so với các đối thủ cạnh tranh đáng kể tên. Mức tối đa của Microsoft OneDrive là 1TB, giá 7 USD/tháng. Google thì "hét giá" cho Google Drive ở mức tận 10 USD/tháng cho gói 1TB. Rõ ràng là so với các đối thủ cạnh tranh, iCloud đang là lựa chọn hấp dẫn nhất về giá cả cho những kẻ "nghiện" sưu tầm nhạc hay những người cần backup lên đám mây. Không khó để nhận ra mức giá mới có thể là đòn bẩy để giúp mảng Dịch vụ phần mềm của Apple tiếp tục tăng trưởng.
Nhưng ít người biết rằng càng nhiều người dùng iCloud thì các đối thủ của Apple càng có lợi.
Đám mây không hẳn là của Apple
Datacenter và các mảng liên quan đến điện thoại đám mây không phải là mảng kinh doanh cốt lõi của Apple. Cuối cùng thì doanh thu phần mềm của Táo vẫn rất thấp và doanh thu từ iPhone, iPad và Mac vẫn... quá cao.
Chính vì lý do này nên Apple đã lựa chọn một hướng đi được vô số các tập đoàn "bình thường" (không phải là công nghệ) lựa chọn: đặt dịch vụ của mình lên trên đám mây của các gã khổng lồ đám mây thực thụ. Bên dưới iCloud thực chất là cuộc đấu của 2 gã khổng lồ đang bá chủ đám mây: Microsoft (Azure) và Amazon (AWS). Từ năm ngoái, Google (GCP) và IBM (Softlayer) cũng có vẻ đang được Apple chia sẻ những miếng bánh đầu tiên trong chiếc bánh iCloud, nơi quy tụ hàng trăm triệu người dùng dư dả mê hàng gắn mác Táo.
Nói cách khác, mức giá hấp dẫn của iCloud 2TB có lẽ là nhờ các gói giá "bán sỉ" hấp dẫn hơn nữa được Microsoft và Amazon bán cho Apple. Khi bạn mua gói lưu trữ hấp dẫn này, chưa chắc Apple và các nhà thầu phụ đã được hưởng lợi, nhưng nói đến đám mây thì thị phần vẫn là một chỉ số quan trọng để đọ sức mạnh. iCloud đang tiếp sức rất nhiều cho cuộc đua đám mây của thời đại mới.
Nhưng Apple ưu ái ai nhất?
Trong tất cả các tên tuổi này thì Apple "ghét" Google nhất, chưa kể cả GCP lẫn SoftLayer đều chưa "đủ tuổi" để tranh đấu với AWS và Azure. Giữa Microsoft và Amazon chúng ta khó có thể phỏng đoán ai là kẻ được Apple ưu ái hơn, nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại Microsoft là ít cạnh tranh trực diện với Apple nhất. Microsoft cũng đang có những bước cải tiến vượt bậc cho Azure (thể hiện tại BUILD 2017 vừa qua), lại cũng đang có những chính sách giá cực kỳ mạnh mẽ để cuốn hút các tập đoàn lớn. Còn Amazon có Prime Music đấu với Apple Music, lại còn có loa Echo đe dọa rất lớn tới chiếc HomePod mới chỉ vừa ra mắt. Bù lại, AWS vẫn đang là đám mây số 1 thế giới về quy mô về chất lượng.
Câu trả lời của chúng tôi nghiêng về Microsoft nhiều nhất vì một mối quan hệ đang ngày càng nồng ấm.
Nhưng bất kể ai là lựa chọn ưa thích của Apple, iCloud chỉ là một ví dụ khác về những mối quan hệ chồng chéo bên trong Thung lũng Silicon. Microsoft hay đem Surface ra đả kích MacBook mà cuối cùng vẫn tự hào có mặt trong lễ ra mắt iPad Pro của Táo. Google dù có Android đè bẹp iOS về thị phần nhưng vẫn phải trả hàng tỷ đô để Google Search tiếp tục là mặc định trên Safari. Amazon dù đang bộc lộ tham vọng rõ ràng với lĩnh vực stream video và nhạc nhưng vẫn nhận Spotify và Netflix làm khách hàng. Citrix là đối thủ lớn trong lĩnh vực giải pháp doanh nghiệp cũng vẫn phải dùng Azure.
Thế mới biết rằng khi một gã khổng lồ công nghệ nào đó áp đảo, chưa chắc đối thủ của hắn ta sẽ phải chết. Có khi, đối thủ ấy còn đang cười rất tươi nữa cơ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI