AR đã mở toang cánh cửa đến với kỷ nguyên của giao diện ba chiều, giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng

    Z-Lion,  

    Với những tiến bộ vượt bậc, thực tế tăng cường đã sẵn sàng thay đổi toàn bộ cuộc sống tương lai của chúng ta.

    Trong báo cáo tài chính quý IV/2017 vừa qua của Apple, CEO Tim Cook đã chia sẻ với giới phân tích rằng: “Thực tế tăng cường sẽ thay đổi mọi thứ”, và ông không hề nói quá chút nào.

    Thực tế tăng cường (AR) đang dần hình thành một diện mạo hoàn toàn mới cho rất nhiều công nghệ mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Chúng ta đã bắt đầu với bàn phím máy tính, tiếp theo là các thao tác di và click chuột, cho đến chạm và gạt trên smartphone và đơn giản hơn nữa là dùng giọng nói kích hoạt các trợ lý ảo như Alexa hay Siri để giúp chúng ta trong nhiều tác vụ phức tạp.

    Và giờ đây, AR đã sẵn sàng đưa chúng ta đến với kỷ nguyên tin học ba chiều (holographic computing). Với những thành công bước đầu cùng “bom tấn” game di động Pokémon GO và animoji trên iPhone X, AR sẽ còn tạo ra hàng loạt giao diện người dùng mới trong tương lai gần.

    Animoji là một trong những tính năng nổi bật nhất trên iPhone X.

    Tin học ba chiều đã và đang đến rất gần với người dùng thông qua màn hình smartphone hay tablet chứ không phải tia laser (dùng để hiển thị hình ảnh 3D trong một số cuốn sách đặc biệt) như trước đây nữa. Mức độ ứng dụng của AR cũng nhờ đó mà tăng cao và sẽ sớm thay đổi toàn bộ cách chúng ta tương với nhau và với thế giới.

    Bằng chứng cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt này đang đến gần có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi. Ví dụ, phiên bản iOS 11 của Apple đã mang AR đến với hơn 400 triệu người tiêu dùng toàn cầu. iPhone X được thiết kế với mục đích nâng cao trải nghiệm AR cho người dùng với camera 3D và bộ vi xử lý “Bionic”. Google mới đây đã ra mắt nền tảng Poly cho phép tìm kiếm cũng như tạo ra các đồ vật VR và AR. Ngoài ra, Amazon cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế với Sumerian, cho phép người dùng tạo ra những môi trường VR trên điện toán đám mây.

    Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được một trào lưu sáng tạo nội dung AR đang dần hình thành. Rất nhiều tính năng AR đã và đang “đổ bộ” lên hàng loạt mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Facebook, Snapchat, Instagram cùng nhiều nền tảng khác.

    Và chắc chắn những trải nghiệm hình ảnh 3D cao cấp sẽ có sức hút không thể cưỡng lại đối với lĩnh vực giải trí nói chung và gaming nói riêng, nhưng tiềm năng của AR còn nhiều hơn thế. Với việc trải nghiệm 3D đang dần trở nên phổ biến thông qua nhiều tựa game đình đám, giao diện mới này sẽ sớm mở rộng sang cả những chức năng khác phù hợp với những ứng dụng mà nó mang lại.

    Sự ra mắt của hiện tượng Pokémon GO đã đánh dấu cho một bước phát triển vượt bậc của AR trong ngành công nghiệp gaming.

    Hiện tại, AR đóng một vai trò quan trọng trong hai lĩnh vực chính: Đào tạo và Trải nghiệm người dùng.

    Về Đào tạo, hình ảnh 3D trở nên cực kỳ hữu dụng trong các quá trình hướng dẫn ảo như giải thích một quy trình hoạt động, hoàn thành biểu mẫu hay định hướng cho người dùng. Nó cũng có thể mô phỏng lại các bối cảnh trong thực tế bao gồm tình huống khẩn cấp hay tương tác bán hàng.

    Sự tiến bộ của AR còn có thể giúp cho quá trình trình bày thông tin trở nên chi tiết và đa dạng hơn nhờ những hiệu ứng bắt mắt như bong bóng văn bản để giải thích cụ thể về một vật dụng nào đó, hay mũi tên chỉ dẫn ảo trên một cỗ máy console.

    Sử dụng AR để hướng dẫn, thuyết trình sẽ sinh động và dễ hiểu hơn rất nhiều.

    Nếu bạn thường xuyên phải thuyết trình thì AR có thể giúp bạn làm điều đó mọi lúc mọi nơi thay vì phải chạy đi tìm một lớp học với đầy đủ trang bị máy móc và màn chiếu. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra những bài thuyết trình tương tác 3D trên bất cứ bàn học hay bức tường nào và “trải nghiệm” chúng thông qua màn hình trong tay bạn. Không giống như những video thông thường, giao diện 3D có thể tích hợp thêm những yếu tố bên ngoài giúp người dùng dễ hình dung hơn về những gì họ đang tìm hiểu.

    Về Trải nghiệm người dùng, AR và tin học ba chiều có thể cung cấp những tính năng như tự lựa chọn, tự phục vụ và tự giúp đỡ. Ví dụ, ứng dụng AR của IKEA cho phép bạn đặt các vật dụng ảo vào không gian sinh sống thực của bạn, từ đó giúp bạn quyết định xem liệu chiếc bàn mới mà bạn định mua có phù hợp với gian phòng bếp của mình hay không.

    Tin học ba chiều cũng được coi là một công cụ cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng và giúp họ tương tác với các đại lý dịch vụ. Ví dụ, trong tương lai gần bạn có thể hiển thị những hình ảnh 3D ảo về các tour du lịch, các địa danh độc đáo, lập ra những kế hoạch cụ thể cho cả gia đình một cách dễ dàng và tiện lợi.

    Ứng dụng AR của IKEA cho phép bạn "ướm" thử đồ vật mà bạn định mua vào không gian sống của mình.

    Và tất nhiên, AR còn mang đến những lợi ích tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác. Và khi đã hoàn thiện, công nghệ này sẽ nhanh chóng chiếm cảm tình của người dùng và trở thành “môi trường” thứ hai tồn tại song song với môi trường tự nhiên của chúng ta.

    Tuy nhiên, với những chiến lược và phương thức đầu tư hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể hình dung được ra đối tượng thiết bị cụ thể mà AR đang nhắm đến. Liệu công nghệ này sẽ chỉ gắn bó với kính và điện thoại hay sẽ tiếp tục mở rộng sang cả máy tính, phần cứng cùng một số thiết bị ngoại vi khác như máy chiếu? Tất cả vẫn còn là ẩn số.

    Nhưng có một điều chắc chắn rằng các hãng công nghệ lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đang “dốc tiền” đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của AR. Và chúng ta sẽ sớm được đón nhận cũng như sử dụng rộng rãi giao diện ba chiều này trong tương lai gần.

    Theo VentureBeat

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ