Asanzo họp báo công bố mình được minh oan, tuyên bố mở cửa 5 nhà máy hoạt động trở lại

    Minh Quyên, Theo ictnews 

    Sáng 17/9/2019, tại Hà Nội, Asanzo đã tổ chức buổi họp báo công bố được minh oan, kết thúc 89 ngày bão tố và công bố mở cửa nhà máy hoạt động trở lại bình thường. Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo nhưng không có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

    Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo nói: “Hôm nay là ngày thứ 89 kể từ khi cơn bão quy chụp Asanzo giả xuất xứ hàng hoá ập đến với công ty chúng tôi. Tôi tổ chức cuộc họp báo này khi cơn bão ấy vẫn đang từng ngày, từng giờ khiến Asanzo chảy máu. Tôi tổ chức cuộc họp báo này để dốc lòng mình với các nhà báo, hy vọng Asanzo được sống. Chúng tôi muốn sống và tiếp tục hành trình của mình, hành trình phục vụ những khách hàng bị bỏ quên”.

    Asanzo họp báo công bố mình được minh oan, tuyên bố mở cửa 5 nhà máy hoạt động trở lại - Ảnh 1.

    Asanzo họp báo công bố được minh oan.

    Ông Phạm Văn Tam cũng tuyên bố, hiện Asanzo có 4 nhà máy, sắp tới khai trương thêm 1 nhà máy nữa ở khu công nghệ cao Quận 9, TP.HCM. Ông Tam chính thức từ hôm nay sẽ tuyên bố mở cửa lại tất cả các nhà máy và hoạt động bình thường.

    VCCI và Bộ Công Thương kết luận Asanzo không giả xuất xứ hàng hoá

    Theo thông báo của Asanzo, trong quá trình làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường, Asanzo đã giải trình đầy đủ, căn cứ theo các quy định của pháp luật và thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về vấn đề xuất xứ hàng hoá. Cụ thể, đối với các sản phẩm do công ty thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp linh kiện theo tiêu chuẩn chất lượng mà Asanzo kiểm soát rồi lắp ráp thành sản hoàn chỉnh phẩm thì Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam. Đối với các sản phẩm do Asanzo đặt hàng các doanh nghiệp khác sản xuất và nhập khẩu, Asanzo ghi xuất xứ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.

    Ngày 1/8/2019, Tổng Cục quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.

    Asanzo cho biết, không chỉ cơ quan quản lý thị trường không kết luận Asanzo sai trong việc ghi xuất xứ hàng hoá, mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức được giao chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/0) - cũng đã thành lập Tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá của Asanzo. Sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá, đối chiếu với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

    Ngày 4/9/2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung: “Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu được, VCCI nhận thấy sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá là sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, hoặc xuất xứ từ Việt Nam… là phù hợp với các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam hiện hành”.

    Cục Hải quan sau thông quan không phát hiện Asanzo có sai phạm về xuất nhập khẩu

    Asanzo cho biết, theo chỉ đạo từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với Asanzo. Đến thời điểm này, Cục Kiểm tra sau thông quan là đoàn kiểm tra duy nhất của ngành hải quan có thực hiện việc kiểm tra tại Asanzo.

    Sau khi kiểm tra tài liệu xuất nhập khẩu hàng hoá, đối chiếu hồ sơ chứng từ, tiếp nhận giải trình của doanh nghiệp, ngày 15/8, Cục Kiểm tra sau Thông quan đã có kết luận đối với Asanzo. Theo bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ, Cục Kiểm tra sau thông quan đã kết luận rằng: “Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”.

    Ngày 5/9/2019, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Asanzo. Công văn này nêu rõ, “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15-8-2019 gửi công ty”.

    Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu.

    Asanzo khẳng định không lừa dối người tiêu dùng

    Đại diện Asanzo cũng khẳng định về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo có xin phép Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.HCM và được đồng ý.

    Trên thực tế, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Ngày 12/9/2019, Sharp Roxy đã có văn bản tuyên bố rằng: “Theo yêu cầu của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, chúng tôi, Sharp Roxy HongKong, tuyên bố và khẳng định rằng, chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực”.

    “Chúng tôi khẳng định việc sử dụng slogan Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản là không sai, không lừa dối người tiêu dùng”, Luật sư Trần Đức Hoàng, đại diện pháp lý của Asanzo khẳng định.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ