ASRock B150 Gaming K4/D3: Bo mạch chủ mẫu mực cho Gaming PC

    Nội Tâm,  

    Với chi phí dưới 3 triệu đồng, ASRock B150 Gaming K4/D3 sở hữu thiết kế chất lừ, linh kiện ngon, nhiều tính năng cao cấp không kém gì Z170 phân khúc 4,5 triệu.

    Ép xung vi xử lý là một tính năng hết sức hấp dẫn, khiến hệ thống có thể chạy nhanh hơn đáng kể so với mức mà nhà sản xuất thiết lập ra. Tuy nhiên đối với đa phần người dùng, điều này không mấy thực tế bởi các nguyên nhân sau:

    - Ép xung đòi hỏi người thực hiện phải đủ am hiểu về linh kiện máy tính, nếu không nhẹ thì ép xung thất bại, còn nặng thì hỏng máy.

    - CPU và bo mạch chủ hỗ trợ ép xung đắt hơn bình thường, lại cần tản nhiệt tốt để khống chế nhiệt độ.

    - Các bộ xử lý Core i5 và Core i7 đời mới dư sức chạy trơn tru các tác vụ hàng ngày như văn phòng, giải trí, chơi game…, không cần thiết phải ép xung nữa.

    Bởi vậy khi sắm sửa một cấu hình chơi game hoặc làm việc mạnh mẽ, mọi người vẫn có thiên hướng chọn combo B150 CPU thường hơn là Z170 CPU ép xung. CPU chỉ có Core i5 và Core i7, tùy nhu cầu mà lựa chọn, còn bo mạch chủ thì sao? Dĩ nhiên là phải tương xứng với cấu hình cả về hiệu năng, tính năng lẫn hình thức.

    Chúng ta sẽ tìm hiểu những tiêu chuẩn cần thiết của 1 bo mạch chủ B150 Gaming ngay bây giờ thông qua sản phẩm nổi bật có tên ASRock B150 Gaming K4/D3.

    ASRock B150 Gaming K4/D3

    Lên series 100, ASRock lựa chọn logo bọ ngựa làm biểu tượng mới cho các bo mạch chủ dòng Fatal1ty Gaming. Vỏ hộp được thiết kế khá đơn giản. Theo tôi với những sản phẩm thuộc phân khúc Gaming như thế này hãng cần đầu tư cầu kỳ hơn cho bao bì.

    Đa phần bo mạch chủ ASRock đang bán tại thị trường trong nước đều Made in Vietnam - được sản xuất tại nhà máy ASRock đặt tại Bình Dương.

    Phụ kiện đi kèm gồm có sách hướng dẫn, đĩa cài driver, chặn main và 2 cáp SATA3 6 Gb/s.

    Không ngoài dự đoán, B150 Gaming K4/D3 vẫn sử dụng tông đỏ - đen giống các sản phẩm Gaming thế hệ trước của ASRock. Tuy nhiên màu đỏ có phần khác biệt, được đánh tươi hơn, bớt lầm lì nhưng trẻ trung khỏe khoắn hơn hẳn. Board màu đen cứng cáp chắc chắn, được làm từ sợi thủy tinh chống ấm phù hợp với điều kiện môi trường Việt Nam. Tôi thử dụng lực nhẹ nhưng bo mạch không hề bị cong chút nào.

    Điểm cộng rõ rệt đầu tiên nằm ở việc trang bị giáp bảo vệ cho khu vực các cổng I/O - thứ mà các bo mạch chủ Z170 chưa chắc đã có. Kỳ thực nếu để bảo vệ thì tôi thấy không cần thiết lắm, nhưng phải công nhận miếng giáp này làm main đẹp hơn hẳn.

    B150 Gaming K4/D3 có tới 10 phase điện - quá nhiều đối với một sản phẩm không hỗ trợ ép xung, trong khi các main B150 thông thường chỉ cần 6 phase điện thôi là đã dùng yên tâm lắm rồi. Không chỉ vậy toàn bộ dàn mosfet còn được trang bị tản nhiệt nhôm sơn đỏ chót, tạo hình đẹp đẽ.

    Nhắm tới các cấu hình trung cấp vào cao cấp, cấp nguồn cho CPU đương nhiên là chân 8 pin. Bên cạnh chân nguồn 8 pin này có 1 choke lọc nhiễu, giúp điện vào CPU sạch hơn.

    Đối với người dùng khó tính, âm thanh đặc sắc là phần không thể thiếu. Về phần này ASRock cung cấp giải pháp Purity Sound 3 cao cấp với chip âm thanh ALC1150 và toàn bộ tụ âm thanh chuyên dụng do Nichicon sản xuất.

    Tản nhiệt chipset không cầu kỳ nhưng vẫn bắt mắt nhờ kích thước lớn và dòng chữ “ASRock FATAL1TY” mạ kim loại.

    Một trong những điểm khác biệt nhất của B150 Gaming K4/D3 nằm ở việc sử dụng RAM DDR3, rất tiện cho nhu cầu nâng cấp, nhất là khi giá DDR4 hiện vẫn còn cao hơn DDR3 khá nhiều. Đối với người dùng thích công nghệ mới nhất, ASRock có một phiên bản “sinh đôi” khác mang tên B150 Gaming K4 - thiết kế giống hệt, chỉ khác là chạy DDR4.

    Cả 4 khe RAM đều được mạ vàng 15μ chống nhiễu tín hiệu và oxy hóa.

    Khu vực khe PCI gồm có 2 khe PCIe x16 hỗ trợ CrossFire 2 card đồ họa AMD và 3 khe PCIe x1. B150 có điểm cải tiến hơn so với các thế hệ trước: Khe PCIe x16 thứ 2 tuy chỉ x4 lane nhưng nâng lên chuẩn 3.0, băng thông gấp đôi nên có thể yên tâm chạy 2 VGA mà không sợ nghẽn băng thông.

    Cả 2 cổng PCIe x16 cũng mạ vàng 15μ bảo vệ như các khe RAM.

    Chăm chú quan sát các khe PCI, tôi phát hiện ra 1 điểm thú vị, đó là sự xuất hiện của 1 cổng chờ M.2 SATA. Việc 1 bo mạch chủ B150 không có cổng M.2 SATA thì không có gì lạ, nhưng cổng chờ này chứng tỏ B150 Gaming K4/D3 sử dụng chung board mạch với 1 bo mạch chủ Z170 cao cấp hơn.

    Tìm tòi mất 1 lúc, hóa ra đó là Z170 Gaming K4. Board mạch và linh kiện giống nhau 99%, chỉ khác đúng tản nhiệt mosfet, cổng M.2 SATA, cổng SATA Express và Dual Bios mà thôi. Điều này khiến tôi khá thích thú bởi Z170 Gaming K4 có giá cao hơn B150 Gaming K4/D3 tới 1,6 triệu đồng.

     Bo mạch Z170 Gaming K4: Giống tới 95%

    Bo mạch Z170 Gaming K4: Giống tới 95%

    Ở B150 có 1 điều tôi rất thích là sự hiện diện của 2 cổng USB 2.0, không như Z170 toàn cổng 3.0, vô phương cài Windows 7 từ USB.

    B150 Gaming K4/D3 có 2 cổng xuất hình: 1 cổng DVI và 1 cổng HDMI dành cho giải trí.

    4 cổng USB còn lại thuộc chuẩn giao tiếp 3.0, thoải mái kết nối với thiết bị gắn ngoài tốc độ cao. Phần âm thanh không có điểm gì để chê cả, hỗ trợ cả 7.1 lẫn Optical sound.

    Rất nhiều ưu điểm nhưng B150 Gaming K4/D3 vẫn sót lại 1 nhược điểm đáng tiếc: Cả 6 cổng SATA đều không xoay ngang, đi dây trong thùng máy sẽ xấu đi đôi chút.

    Đã hết thứ để soi, tôi mở nốt tản nhiệt mosfet, xem linh kiện phase điện. Tản nhiệt được tạo hình khá kỹ, theo quan điểm cá nhân tôi thấy còn đẹp hơn 1 số main Z170 của chính ASRock nữa.

    Giữa tản nhiệt và dàn mosfet là miếng thermal pad dẫn nhiệt, tiếp xúc chặt chẽ.

    Mỗi phase điện được điều khiển bởi 2 mosfet trở kháng thấp. B150 Gaming K4/D3 có tới 10 phase nên tải trên mỗi phase là rất thấp, kỳ thực không cần tản nhiệt cho lắm. Nhưng không sao, có càng tốt, main càng đẹp.

    Giao diện Bios

    Bios UEFI của B150 Gaming K4/D3 rất ăn nhập với sản phẩm với màu sắc đen - đỏ, thiết kế đẹp mắt và dễ sử dụng.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    ASRock cung cấp tới 5 profile để người dùng lưu thiết lập, tiếc cái chipset B150 bị Intel khóa chặt không cho ép xung.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Nếu như trên bo mạch chủ Z170, mục CPU Configuration chứa các thiết lập để ép xung thì trên B150 bị lược bỏ mất gần hết.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Trong Bios có mục ‘Tool’ cung cấp khá nhiều tiện ích như chống ẩm, Flash Bios, cài đặt cổng LAN…

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Toàn bộ hệ thống quạt gắn vào main cũng có thể điều chỉnh tốc độ, tùy thuộc người dùng cần hiệu năng tản nhiệt hay cần độ ồn thấp.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock B150 Gaming K4/D3

    Bộ xử lý: Intel Core i5-6600K

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866 MHz

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Card đồ họa: MSI R9 285 Gaming

    Kết quả thử nghiệm

    Bộ xử lý Intel Core i5-6600K hoạt động theo đúng xung nhịp mà Intel quy định: 3600 MHz / 4 core; 3700 MHz / 3 core; 3800 MHz / 2 core và 3900 MHz / 1 core. Đối với các main Z170 tôi từng test con số này luôn đạt 3900 MHz đối với cả 4 core. Nếu chọn mua B150, người dùng sẽ thiệt một chút về xung nhịp, nhưng với hiệu năng đã quá mạnh mẽ của Skylake, hầu như không thể nhận ra sự khác biệt.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Trong các trường hợp CPU phải chạy 100% công suất (render video chẳng hạn), hiệu năng kém hơn 7-8% so với Z170 Extreme4.

    Kết quả Cinebench 11.5 - Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả Cinebench R15 - Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Trong khi đó điểm số đồ họa và chơi game lại không mấy ảnh hưởng.

    Kết quả 3DMark Vantage - Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả 3DMark 11 - Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết quả 3DMark 2013 - Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Kết luận

    Nếu không ép xung, B150 quả thực là lựa chọn sáng giá nhất cho các cấu hình chơi game, thiết kế, làm đồ họa trung cấp và cao cấp. Với chi phí dưới 3 triệu đồng, người dùng khó tính có thể sở hữu ngay 1 bo mạch chủ B150 chất lừ, linh kiện ngon, nhiều tính năng cao cấp không kém gì Z170 phân khúc 4,5 triệu.

    Trong các mainboard B150 dòng Gaming, chiếc B150 Gaming K4/D3 của ASRock có thể nói là một bo mạch chủ tiêu biểu, rất đáng để game thủ và người dùng nhu cầu cao cân nhắc đến, đặc biệt khi sản phẩm có giá chỉ 2.770.000 VNĐ - quá xứng đáng cho những tính năng mà nó mang lại.

    Ưu:
    - Linh kiện không thể chê, 10 phase điện Digi Power không ngán bất cứ nhu cầu sử dụng khắc nghiệt nào.
    - Toàn bộ tụ rắn Nichicon do Nhật sản xuất.
    - Bo mạch cứng cáp làm từ sợi thủy tinh chống ẩm, chống chọi được thời tiết Việt Nam.
    - Giải pháp âm thanh cao cấp Purity Sound 3 với tụ âm thanh Nichicon chuyên dụng, nghe game nghe nhạc đều hay.
    - Tản nhiệt mosfet đầy đủ, đẹp mắt.
    - Sử dụng màu đỏ tươi thay vì đỏ sẫm như trước kia, bắt mắt và khỏe khoắn hơn hẳn. - Có giáp bảo vệ các cổng I/O và mạch audio.
    - Các khe PCIe x16 và khe cắm RAM mạ vàng 15μ.
    - Vẫn còn cổng USB 2.0, có thể cài được Windows 7.
    - Khe PCIe x16 phụ được nâng lên chuẩn 3.0, chạy CrossFire 2 card AMD không lo nghẽn băng thông.
    - Made in Vietnam.

    Nhược:
    - Không hỗ trợ RAM DDR4.
    - Cả 6 cổng SATA đều quay dọc.
    - Kích thước ATX “gầy”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ