Asus Maximus VIII Formula (Phần 1): Chỉ nói về vẻ ngoài mà tôi đã thấm mệt!

    Nội Tâm,  

    Một sản phẩm cao cấp không có điểm trừ, sinh ra dành cho các hệ thống độ case.

    Republic of Gamers (ROG) là dòng sản phẩm ấn tượng bậc nhất của Asus, và cũng thuộc bậc nhất trong làng PC nói chung. Được tạo ra để phục vụ các game thủ khó tính nhất, chịu chơi nhất, linh kiện và Gaming Gear gắn nhãn ROG đều vô cùng độc đáo, thiết kế hoành tráng, linh kiện cao cấp, độ hoàn thiện cao gần như đạt đến hoàn mỹ. Sở hữu một bộ PC chơi game ROG từ A đến Z là ước mơ của bất kỳ game thủ nào - Đây là sự thực, không hề nói ngoa.

    Hôm nay, tôi may mắn có dịp trải nghiệm Maximus VIII Formula. Mang trên mình chipset Z170, Maximus VIII Formula là một trong những thành viên mới nhất của dòng họ ROG, và đương nhiên sở hữu nhiều công nghệ mới vô cùng hấp dẫn.

    Sản phẩm có giá bán há hốc mồm: 420 USD trên Amazon (chưa có giá tại Việt Nam), bằng nguyên cả một cấu hình hiệu năng khá.

    Màn trình diễn sắc màu

    Điều đầu tiên phải nói: Maximus VIII Formula là sản phẩm khó chụp, cực kỳ khó chụp, vô cùng khó chụp. Khoác trên mình lớp giáp màu kim loại, Maximus VIII Formula phản chiếu lại màu sắc của môi trường xung quanh nó. Đây là điểm tuyệt vời trong thiết kế của Asus, khiến chiếc bo mạch chủ hòa mình vào màu sắc của mọi thùng máy độ led. Thế nhưng ở trạng thái say ngủ, mẫu chính tỏ ra không ăn ảnh.

    Bởi vậy khác với thường lệ, hình ảnh sản phẩm đang hoạt động được tôi đảo lên trên đầu bài review, xem trước cho hứng thú. Còn phần đánh giá linh kiện hãy để sau đã.

    Có 2 điểm đặc biệt gây ấn tượng nhất ở Maximus VIII Formula. Thứ nhất: bo mạch chủ mặc giáp từ đầu đến chân, trông cứng cỏi và chiến đấu hơn nhiều. Thứ hai: Led, led ở khắp mọi nơi, và đổi màu. Giáp che cổng giao tiếp có led, tản nhiệt chipset có led, dòng chữ tên sản phẩm có led.

    Trong quá khứ, đã có rất nhiều sản phẩm chứng minh việc lạm dụng đèn led là con dao 2 lưỡi. Nếu nhiều hơn cần thiết, chiếc bo mạch chủ lập tức trở nên lòe loẹt, gây hiệu ứng ngược làm mất thiện cảm. Led đổi màu lại càng là đại kị. Thế nhưng Maximus VIII Formula lại là ngoại lệ. Để đạt được sự hiệu quả này, mấu chốt nằm ở nước sơn của bộ giáp, rất tôn led nhưng ngược lại cũng rất lì. Để hiểu rõ hơn họ đã làm như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp dưới đây.

     Độ tinh tế thể hiện ngay cả trên nút RESET và POWER

    Độ tinh tế thể hiện ngay cả trên nút RESET và POWER

    Thông tin thêm: Có vẻ Asus cũng ý thức được sản phẩm của mình không sáng đèn thì không đẹp nên họ trang bị chế độ bật led 24/24 ngay cả khi tắt máy, có thể kích hoạt trong bios.

    Mở hộp - Phụ kiện

    Vỏ hộp sản phẩm khá to, có thêm tay xách ở trên để dễ vận chuyển. Thiết kế vỏ hộp nhìn chung đơn giản, không có gì đáng nói.

    Mở cánh cửa ở mặt trước, người mua có thể thấy ngay chiếc bo mạch chủ ở trong thông qua cửa sổ trong suốt.

    Phụ kiện đi theo có tới 6 cáp SATA3 6 GB/s, khá hào phóng so với các main khác chỉ có 2 hoặc cùng lắm là 4.

    Ngoài ra, Asus tặng thêm cho người dùng 1 cầu SLI để chạy 2 card đồ họa Nvidia. Thêm vào đó là ăng-ten wifi gắn ngoài.

    Thiết kế & linh kiện

    Thú thực, ban đầu mới cầm sản phẩm trên tay (chưa cắm điện lên đèn gì cả), tôi cảm thấy có chút gì đấy không ổn. Gần như toàn bộ diện tích bề mặt được bao bọc bởi một lớp giáp, khiến độ dày chiếc bo mạch chủ tăng lên rất nhiều, nhìn rất cứng cỏi.

    Tuy nhiên màu sắc của bộ giáp này lại nhờ nhờ đục đục, các chi tiết và đường nét đều chìm nghỉm từ dòng chữ FORMULA cho đến logo ROG.

    Tuy nhiên đến khi “nổi lửa” thì mọi chuyện khác hẳn. Đèn led thắp lên khiến mọi chi tiết trở nên sắc nét, nước sơn nhờ đục đột nhiên lì hơn, có một chút độ bóng nên khá nịnh mắt.

    Dòng chữ FORMULA cùng logo ROG xấu xí trước…

    Và sau:

    2 nút POWER / RESET mờ nhạt khi tắt…

    Và khi bật:

    Thôi, tạm thời chia tay các ánh led, chúng ta quay trở về với nội dung chính là đánh giá linh kiện. Lật úp chiếc main, hóa ra không chỉ mặt trên mà mặt dưới cũng có giáp bảo vệ. Không giống như lớp giáp trên bằng nhựa, lớp giáp dưới được làm từ kim loại, sờ vào mát rượi.

    Một khi đã lắp vào dàn thì mặt dưới này không bao giờ được nhìn thấy, không hiểu Asus làm… đẹp như thế này để làm gì.

    2 lớp giáp trên - dưới kẹp board ở giữa. Chúng được kết nối với nhau bằng 9 con ốc chắc chắn.

    Khu vực cấp điện gồm có 10 phase điện, bị giáp và tản nhiệt mosfet che mất nên chưa rõ thế nào, chút nữa tôi sẽ tháo ra để xem.

    Để ý kỹ: Trên tản nhiệt mosfet có 2 nắp cao su, tháo 2 nắp này ra để lộ ống dẫn xuống lớp kim loại đồng bên dưới. Asus thiết kế sẵn cả phương án chơi tản nhiệt nước cho người dùng.

    Vấn đề tản nước được hãng đặc biệt quan tâm, trang bị tận 3 chân cắm fan đặt ngay cạnh CPU, sẵn sàng cho mọi tản nhiệt khủng lắm quạt.

    CPU được cấp điện bằng chân nguồn 8 pin, có một choke lọc nhỏ hỗ trợ bên cạnh.

    Phương diện lưu trữ cũng được đầu tư kỹ càng. Ngoài 6 cổng SATA3 6 Gb/s và 2 cổng SATA Express hỗ trợ sẵn bởi chipset Z170, Asus trang bị thêm 2 cổng SATA3 nữa thông qua chip trung gian của ASMedia. Ngay cạnh 8 cổng SATA3 này là cổng U.2 dành cho SSD siêu cao cấp, băng thông lên đến 32 Gb/s!

    Phía trên cụm cổng SATA là jumper USB 3.0, cũng được xoay ngang, đi dây hẳn gọn gàng hơn nhiều.

    Chân nguòn 24 pin cho bo mạch chủ cũng được bảo bọc kỹ càng.

    Khu vực khe cắm PCI có 3 khe PCIe x16 3.0, hoạt động với băng thông như sau: 1 card (x16), 2 card (x8 / x8), 3 card (x8 / x8 / x4). Ngoài ra là 3 khe PCIe x1 các thiết bị gắn thêm khác.

    Khu vực âm thanh bị giáp bọc che mất, tạm thời mới chỉ thấy lấp ló 6 chiếc tụ Nichicon cao cấp.

    Ở góc dưới của main, Asus trang bị 1 tính năng nhỏ nhưng rất hữu ích cho các dân chơi độ case: Đó là chân cấp điện cho dây led gắn thêm. Điểm hay ho là dây led gắn vào cổng này có thể điều chỉnh nhấp nháy đồng bộ với led trên main.

    Về phía các cổng giao tiếp I/O phía sau cũng không thể đòi hỏi gì thêm, đủ mọi đồ chơi hiện đại nhất tính đến thời điểm hiện tại: 2 cổng giao tiếp với ăng-ten wifi bluetooth; 1 cổng HDMI 1.4b; 1 cổng DisplayPort 1.2; 6 cổng USB 3.0; cổng USB 3.1 Type-A và Type-C, cổng LAN Intel I219-V cao cấp.

    Các cổng âm thanh được mạ vàng chống nhiễu, chống oxy hóa.

    Tháo giáp soi linh kiện

    Gần như toàn bộ bề mặt sản phẩm được bao bọc bởi lớp giáp bảo vệ nên chúng ta không thể tìm hiểu gì nhiều. Bây giờ tôi sẽ tháo lớp giáp này ra để xem hàng họ bên dưới thế nào, có ngon hay không. Lớp giáp phía trên được làm bằng nhựa, chỉ có tác dụng bảo vệ và làm đẹp chứ không tham gia tản nhiệt. Điều này dễ hiểu bởi nếu làm bằng kim loại rất dễ chạm chập với các linh kiện gắn lên khác.

    Trong khi đó lớp giáp bên dưới được làm từ kim loại, hỗ trợ tản nhiệt cho các linh kiện phase điện đặt ở mặt bên dưới.

    Lột trần lớp áo cánh, Maximus VIII Formula trông như thế này:

    Linh kiện hàn gọn gàng, ngay hàng thẳng lối, mối hàn đẹp và chuẩn xác, thể hiện độ hoàn thiện cao của sản phẩm.

    Đây là mạch led đặt trên tản nhiệt chipset, thắp sáng cho logo ROG. Ngay bên dưới tản nhiệt chipset là cổng M.2 SATA cho các SSD chuẩn M.2. Cổng này đặt bên dưới lớp giáp, nghĩa là người dùng muốn lắp / thay / tháo ổ sẽ phải gỡ giáp ra. Hóa ra để đẹp cũng có nhiều cái bất tiện.

    Giờ tháo nốt tản nhiệt mosfet. Tản nhiệt này được thiết kế 4 lớp hỗ trợ cả tản nước.

    Linh kiện cấu thành phase điện thuộc hàng cao cấp nhất hiện nay dành cho bo mạch chủ dân dụng:
    - Tụ điện Nhật: Tuổi thọ cam kết 10.000 giờ, chịu nhiệt tốt hơn 20% so với tụ điện thường.
    - Mosfet NexFET: Hiệu suất cao hơn 90%.
    - Cuộn cảm MicroFine Alloy: Xung nhiễu mịn gấp 3 lần, nhiệt độ mát hơn 31%, nhạy hơn 75%.

    Cả 10 phase điện này đều là Digi-Power phase, cung cấp điện năng chính xác hơn phase điện thường. Nôm na giống như xe máy phun xăng điện tử tiết kiệm nhiên liệu hơn xe máy thường vậy.

    Chip TPU cung cấp tính năng tự động ép xung - Tính năng rất mạnh trên Asus Maximus VIII Formula mà tôi sẽ trình bày kỹ ở bài viết phần 2.

    Đã đánh vào phân khúc game thủ cao cấp nhất, âm thanh là yếu tố cần được đầu tư mạnh. Đây là những gì Maximus VIII Formula được trang bị:
    - Chip âm thanh cao cấp ALC1150, được sử dụng rất nhiều trên các bo mạch chủ Gaming thời gian gần đây.
    - Khiên chống nhiễu từ.
    - Chip ESS ES9023P cao cấp, giữ nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu số sang tương tự, độ nhiễu âm thanh -94dB.
    - Tụ âm thanh Nichicon cao cấp.
    - Sonic SenseAMP: tự động phát hiện và điều chỉnh tín hiệu ra cho tai nghe, dải trở kháng tốt nhất từ 32 đến 600 Ohm.
    - RELAY triệt tiêu các âm lùng bùng, loẹt xoẹt khi cắm loa / tai nghe vào hệ thống, bật / tắt loa.

    Tạm kết

    Còn rất nhiều điều để nói về bộ phần mềm, tính năng trang bị và khả năng ép xung của Asus Maximus VIII Formula. Tuy nhiên bài viết đã quá dài nên tôi xin được tiếp tục trong một bài viết khác. Còn với những nội dung đã có hôm nay, chúng ta có thể tóm tắt sơ bộ về sản phẩm:

    Ưu:
    - Đẹp lung linh khi lên đèn.
    - Đèn led có thể đổi màu, lớp giáp có nước sơn phản chiếu ánh sáng. Nhờ vậy Asus Maximus VIII Formula có thể phù hợp với mọi style, mọi màu sắc ưa thích của người dùng, phối hợp với mọi thùng máy độ led mà không lệch tông.
    - Linh kiện toàn hàng tuyển.
    - Nhiều tính năng đáng giá như Cổng U.2 băng thông siêu cao 32 Gb/s, ăng-ten wifi bluetooth đi kèm, cổng cấp điện cho led gắn ngoài có khả năng đồng bộ với led của main.
    - Sẵn sàng cho tản nhiệt cao cấp cả nước lẫn khí.

    Nhược:
    - Cổng M.2 SATA nằm bên dưới lớp giáp nên muốn lắp / thay / tháo ổ SSD M.2 phải gỡ main ra khỏi thùng máy, tháo giáp - khá bất tiện.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ