Thị trường tablet Android giá rẻ đang ngày một nở rộ với sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất nhưng phần lớn đó là các hãng nhỏ và ít tên tuổi. Nhưng Asus thì khác, hãng điện tử Đài Loan nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dùng khi tung ra mẫu tablet Asus MeMO Pad 7 inch. Điều này cũng dễ hiểu bởi Asus vẫn đang rất thành công với chiếc máy tính bảng giá rẻ Neuxs 7 hợp tác cùng Google. Bên cạnh đó, mức giá 150 USD cũng khiến MeMO Pad trở thành món “hàng hot” trên trị trường.
Nhưng “của rẻ chưa chắc đã ngon”, có giá thấp hơn 50 USD so với phiên bản Nexus 7 Wi-Fi, đương nhiên MeMO Pad sẽ bị cắt giảm một số tính năng về phần cứng. Cụ thể, mẫu tablet mới của Asus được trang bị màn hình LED-backlit LCD 7 inch độ phân giải 600x1.024 pixel cho mật độ điểm ảnh 170 ppi. Máy chạy vi xử lý lõi đơn WonderMedia WM8950 tốc độ 1 GHz với nhân đồ họa Mali-400 và 1 GB RAM.
MeMO Pad có tùy chọn 8/16 GB bộ nhớ trong (có thể mở rộng tối đa lên 32 GB nhờ thẻ microSD) và nguồn pin dung lượng 4.270 mAh không thể tháo rời. Để tiết kiệm chi phí, Asus chỉ trang bị camera trước 1 MP có khả năng quay video 720p cho MeMO Pad. Máy không có camera sau. Bên cạnh đó, Android Jelly Bean 4.1.1 trên Memo Pad 7 cũng không phải là phiên bản mới nhất.
Bộ phụ kiện đi kèm máy bao gồm: cab microUSB, sạc và sách hướng dẫn.
Không thể phủ nhận đến thời điểm này, Nexus 7 vẫn là mẫu tablet giá rẻ vô cùng hấp dẫn, nhưng sự “mời mọc” về giá của MeMO Pad chắc chắn sẽ khiến nhiều người dùng không thể cưỡng lại. Tuy vậy, việc đánh đổi một cấu hình phần cứng thấp hơn khá nhiều có ảnh hưởng như thế nào tới trải nghiệm thực tế và bạn có nên mạo hiểm bỏ ra số tiền trên 3 triệu đồng với MeMO Pad.
Video đánh giá chiếc máy tính bảng giá rẻ Asus MeMO Pad.
Thiết kế
Cùng được nhào nặn dưới bàn tay của Asus nên không ngạc nhiên khi MeMO Pad sở hữu thiết kế với nhiều điểm tương đồng với Nexus 7. Tuy nhiên, MeMO Pad lại dày và nặng hơn 30 g so với người anh em của mình. Song thực sự cảm giác này cũng không ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tế.
Cầm MeMO Pad bằng 1 tay khá thoải mái và chắc chắn. Dù là tablet giá rẻ song máy được Asus gia công tương đối tốt, bộ khung máy cũng rất cứng cáp. Toàn bộ phần vỏ máy được phủ nhựa song phần mặt sau làm kiểu hoa văn đan chéo nhìn khá hay và giảm được sự đơn điệu. Tuy mặt sau hầu như không bị bám dấu vân tay nhưng mặt trước máy lại dính nhược điểm này nên ảnh hưởng khá nhiều đến tính thẩm mỹ.
Mặt trước của máy có phần màn hình hơi sáng nên không thực sự ăn nhập với phần viền đen. Do phần rìa khá dày nên bạn có thể cầm máy thoải mái mà không sợ ăn vào phần màn hình. Nhìn chung, thiết kế của MeMO Pad không được đánh giá là đẹp hay sang trọng nhưng cũng không phải là xấu và hoàn toàn chấp nhận được đối với một mẫu tablet giá rẻ.
Cạnh dưới với khe cắm thẻ nhớ và đầu cắm microUSB. Asus cung cấp thêm cho MeMO Pad 1 cáp OTG giúp máy có thể kết nối với cả chuột máy tính, USB để làm bộ nhớ ngoài hay thậm chí cả Dcom 3G. Khi sử dụng Dcom, bạn hoàn toàn không cần cài thêm phần mềm nào cả. Đó thực sự là một tính năng rất đáng giá.
Cạnh trên là giắc cắm tai nghe 3,5 mm.
Cạnh trái máy được bố trí phím nguồn và cụm phím chỉnh âm lượng.
Phần loa ngoài hơi lõm xuống nên kể cả khi đặt trên mặt bàn, âm thanh cũng không bị bít kín.
Màn hình
Có cùng độ phân giải màn hình 600x1.024 như iPad mini nhưng chất lượng hiển thị của Asus MeMO Pad thua kém hơn rất nhiều. Tuy biết rằng đây là một chiếc tablet có mức giá chưa bằng một nửa tablet iPad mini nhưng nếu đánh giá một cách khách quan mà bỏ qua giá cả thì màn hình của MeMO Pad có độ sáng cực thấp và góc nhìn hẹp tương đối kém.
Do độ sáng thấp nên việc sử dụng ngoài nắng là vô cùng khó khăn, bên cạnh đó màn hình còn có độ bóng khá cao nên cho cảm giác bị lóa. Bù lại, màu sắc hiển thị và độ tương phản trên chiếc tablet này vẫn khá tốt dù không thể coi là xuất sắc. Màn hình cảm ứng của MeMO Pad rất nhạy, độ phản hồi tốt nhưng do hạn chế về mặt phần cứng nên độ trễ sau khi nhận lệnh là khá cao.
Màn hình của MeMO Pad có góc nhìn hẹp không tốt.
Asus bố trí tới 4 nút cảm ứng tích hợp trực tiếp trên màn hình của MeMO Pad. Ngoài 3 phím cơ bản là Back, Home, Menu ra thì còn có 1 phím thứ 4 để mở bộ ứng dụng phụ đi kèm chạy đa nhiệm như các cửa sổ nhỏ. Do giới hạn về phần cứng nên tốt hơn hết bạn chỉ nên mở tối đa 3 cửa sổ ứng dụng trên máy.
Giao diện và phần mềm
MeMO Pad được cài sẵn hệ điều hành Android Jelly Bean 4.1.1. Giao diện của máy khá giống với các máy tính bảng thuộc dòng ASUS Transformer. Asus đã trang bị sẵn một số ứng dụng cho máy như SuperNote Lite hỗ trợ ghi chú, App Backup, App Locker, MyLibrary Lite…
Song đáng chú ý nhất có thể kể đến là tính năng tùy chỉnh AudioWizard hỗ trợ đắc lực cho loa ngoài ở mặt sau. Tùy thuộc vào việc bạn đang nghe nhạc, chơi game, ghi âm hay xem video, mà AudioWizard sẽ điều chỉnh tần số âm thanh để phù hợp khi phát ở loa ngoài. Bên cạnh đó, MeMO Pad cũng được cài sẵn ứng dụng Asus Studio cho phép bạn “edit” và tạo thêm nhiều hiệu ứng cho hình ảnh hay video trên máy với các tùy chỉnh và bộ lọc hữu dụng.
Phần cứng và hiệu năng
Trong khi Nexus 7 được trang bị vi xử lý lõi tứ Tegra 3 thì Asus MeMO Pad chỉ chạy chip lõi đơn WonderMedia WM8950 tốc độ 1 GHz và 1 GB RAM. Sự khác biệt từ phần cứng dẫn đến những chênh lệch đáng kể về mặt hiệu năng. Trong khi Nexus 7 tỏ ra mượt mà trong hầu hết các tác vụ cơ bản thì thao tác trên MeMO Pad khá giật ngay cả khi lướt qua lại trên màn hình Homescreen.
Khi sở hữu MeMO Pad, tốt nhất bạn không nên nghĩ tới việc chơi các game 3D nặng như Real Racing 3 hay Mordern Combat 4. Thử nghiệm với game Temple Run: Oz, máy chạy được, không bị khựng hình nhiều nhưng load cảnh khá lâu. Khi duyệt web cũng như vậy, bạn cũng không nên mở quá nhiều tab một lúc sẽ dẫn tới tình trạng lag và ì ạch gây khó chịu. Ngay cả khi chỉ mở một trang web đòi hỏi render nhiều, việc phóng to cũng có phần bị khựng. Nói vui là bạn sẽ tập được thói quen kiên nhẫn khi sử dụng MeMO Pad.
Đây chính là nhược điểm mà bạn cần đánh đổi khi quyết định sử dụng MeMO Pad. Do đó, có thể nói chiếc máy này không giành cho các game thủ mà hướng nhiều tới những đối tượng người dùng như học sinh, sinh viên hay người trung niên với nhu cầu đọc sách, đọc tin tức qua mạng hay thỉnh thoảng chơi một vài trò chơi đơn giản. Bên cạnh đó, khả năng xem video 1080p đuôi .mp4 của máy cũng rất tốt, nếu dung lượng máy quá ít, bạn có thể "cop" phim HD vào USB và mở trực tiếp trên MeMO Pad, xem không bị giật chút nào.
Thời lượng pin
MeMO Pad được trang bị nguồn pin với dung lượng 4.270 mAh, gần tương đương với chiếc Nexus 7. MeMO Pad có thể chơi game liên tục gần 5 tiếng hay phát video trong khoảng 6 tiếng. Sử dụng với cường độ trung bình và độ sáng màn hình 50%, chiếc tablet này có thể hoạt động tốt trong 1,5 ngày mới cần sạc lại pin.
Kết luận
Rõ ràng, Asus MeMO Pad là model tablet rất đáng chú ý đặc biệt với người dùng tại Việt Nam. Mức giá bán chính hãng chỉ 3,2 triệu đồng là một lợi thế không nhỏ giúp sản phẩm này dễ dàng tiếp cận các đối tượng người dùng "ít tiền" hoặc nhu cầu sử dụng không đặt nặng về mặt hiệu năng. Bên cạnh đó, chất lượng gia công của máy tỏ ra rất chắc chắn, không tạo cảm giác rẻ tiền khi sử dụng.
Tuy nhiên, cấu hình phần cứng không cao, màn hình hiển thị có phần hơi rỗ và độ sáng yếu cùng hiệu năng thấp chính là những nhược điểm của MeMO Pad. Nên hãy cân nhắc kỹ về những hạn chế này, bạn sẽ chỉ có thể xem video, lướt web cơ bản và chơi game nhẹ nhàng trên máy nhưng vẫn kèm theo tình trạng hơi giật khi trượt trên màn hình Home. Dẫu sao, “tiền nào của nấy”, chúng ta khó có thể đòi hỏi quá nhiều trên một thiết bị có giá không bằng một chiếc smartphone bình dân của Sony hay Samsung hiện nay.