Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu

    MT,  

    Máy có nhiều điểm yếu như touchpad kém, không có đầu đọc thẻ, ổ SSD tốc độ thấp...

    Kể từ khi Windows 8 ra mắt, chúng ta đã được chứng kiến nhiều chiếc Ultrabook lai trên thị trường như Sony Vaio Duo 11, thế nhưng, Asus Taichi lại là 1 sản phẩm hoàn toàn khác biệt mà không 1 sản phẩm nào có: chiếc Ultrabook lai này có tới 2 màn hình - 1 màn hình chính giống như màn hình của những chiếc laptop thông thường, còn có 1 màn hình ở ngoài nắp máy. Khi người dùng đóng nắp, màn hình ngoài này sẽ giúp Taichi thực thi nhiệm vụ của 1 chiếc máy tính bảng chạy Windows 8. Với mức giá khởi điểm 1299 USD (có lựa chọn cấu hình lên 1599 USD), Taichi 21 với màn hình 11,6 inch được trang bị những phần cứng hứa hẹn như độ phân giải màn hình 1080p (ở cả 2 màn hình), loa Bang and Olufsen cao cấp. Liệu Taichi có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng hay không, hay đây cũng chỉ là 1 concept độc đáo mà không thực tế hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

    Thiết kế

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 1

    Với kích thước 30,7 x 19,8 x 1,77 cm (rộng x dài x dày) và nặng 1,27 kg, Taichi 21 cực kì nhẹ và nhỏ gọn nếu người dùng xem nó là 1 chiếc laptop. Tuy nhiên, nếu so với 1 chiếc tablet thì máy lại quá nặng, nặng gần gấp đôi so với các máy tính bảng khác như iPad hay Surface RT. Sony VAIO Duo 11 có kích thước và cân nặng tương tự Taichi, nhưng chiếc Acer Aspire S7 (bản 11 inch) với thiết kế truyền thống (vỏ sò) nhẹ hơn 1 chút với 997 gram. 
     
    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 2
    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 3

    Nếu bạn đã từng dùng qua bất kì 1 sản phẩm nào thuộc dòng Zenbook của Asus, thì Taichi 21 sẽ cho bạn cảm giác rất quen thuộc. Máy có thiết kế khung nhôm, các cạnh và phần mặt dưới của máy có màu nâu đồng còn bàn phím với các phím island-style có màu đen. Giống như MacBook Air, các cạnh máy được vuốt thon từ phía sau (có độ dày 1,77 cm) ra trước (độ dày chỉ còn 2,54 mm). Bên trong vỏ máy chúng ta có màn hình 11,6 inch với viền màn hình khá dày, khoảng hơn 2 cm ở các bên. 

    Mặt sau của vỏ máy được bọc 1 lớp kính đen mà Asus cho biết đạt tiêu chuẩn độ cứng "9H". Thử nghiệm thực tế cũng cho thấy lớp kính này giúp máy bền, chịu va đập tốt hơn. 

    Taichi 21 cho cảm giác nhẹ nhàng khi cầm nắm, nhưng hầu hết trọng lượng của máy tập trung vào phần màn hình. Kết quả là màn hình có hiện tượng bị lật ra phía sau khi sử dụng. 

    Trải nghiệm 2 màn hình

    ASUS Taichi 21 cung cấp 4 chế độ màn hình khác nhau, chế độ notebook (màn hình bên trong), chế độ tablet (màn hình thứ 2 ở bên ngoài), chế độ mirror (cả 2 màn hình hiển thị cùng nội dung), chế độ 2 màn hình (màn hình ngoài trở thành màn hình phụ cho màn hình trong). 

    Chế độ 2 màn hình đặc biệt hữu ích cho người dùng doanh nhân, bởi nó cho phép bạn hiển thị 1 bản thuyết trình với người đối diện với mình. Asus cung cấp cho người dùng khá nhiều cách để chuyển đổi qua lại giữa các chế độ này. Nếu bạn khởi động máy khi nắp máy đang đóng, máy sẽ boot vào chế độ tablet. Còn nếu bạn mở nắp khi bật nút nguồn, máy sẽ boot vào chế độ notebook cho bạn. 

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 4

    Theo mặc định, khi máy đang bật mà bạn đóng nắp, nó sẽ tự chuyển sang chế độ máy tính bảng. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi chế độ mặc định này bằng cách chỉnh lại setting trong menu màn hình của Taichi. Để truy cập menu này, bạn chỉ cần đơn giản bấm vào nút Taichi được bố trí cạnh phím F12 trên bàn phím. Asus trang bị cho máy ứng dụng Screen Share giúp người dùng mở chế độ 2 màn hình cho Taichi và cho phép người dùng kéo và thả nhiều tập tin ảnh, video vào cửa sổ và làm thành 1 slide. Nếu bạn không muốn sử dụng màn hình thứ 2 của Taichi, Asus cung cấp 1 giải pháp khá đơn giản để bạn vô hiệu hóa màn hình này: chỉ cần bấm vào nút khóa ở phía sau và màn hình ngoài sẽ bị khóa và chuyển sang màu đen cho dù bạn có chuyển máy về chế độ tablet đi chăng nữa. 

    Bàn phím và Touchpad

    Bàn phím của Taichi cho phản hồi xúc giác tốt cùng phần để tay rộng rãi thoải mái. Giống như nhiều laptop cùng kích thước, các phím bấm của bàn phím cho cảm giác chật hẹp. Đèn nền bàn phím cung cấp cho người dùng 3 mức độ sáng khác nhau, tuy nhiên người dùng có lẽ nên chọn chế độ thứ 2 bởi chế độ thứ nhất có vẻ hơi tối còn chế độ thứ 3 thì lại quá sáng. 

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 5

    Touchpad của máy có kích thước 10 x 6 cm, không có nút bấm rời, có hiện tượng "nhảy lung tung" khi người dùng thực hiện các thao tác. Con trỏ cũng thường biến mất khỏi vị trí mục tiêu khi thực hiện click chuột phải. Trục trặc với touchpad của máy cũng xảy ra khi thực hiện việc click đúp vào các icon trên desktop. Touchpad chỉ hỗ trợ 1 số động tác tay nhất định, nhưng hầu hết các động tác được hỗ trợ đều chạy mượt mà. Bạn có thể dễ dàng zoom nhúm ngón tay, xoay ảnh bằng cách xoay ngón tay, vuốt từ bên phải vào trong để mở thanh Charm...

    Màn hình 

    Cả màn hình chính lẫn phụ của máy đều cho màu sắc tốt và góc nhìn rộng. Do có độ phân giải rất cao, lên tới 1920 x 1080 pixel, văn bản hay video hiển thị trên màn hình của Taichi rất sắc nét, chi tiết. Tuy nhiên, độ phân giải cao bên cạnh ưu điểm giúp máy hiển thị được nhiều nội dung hơn trên màn hình, nhưng cũng có nhược điểm là làm cho chữ viết sẽ khá nhỏ.

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 6

    Màn hình của Taichi cho độ sáng 239 lux, sáng hơn 1 chút so với độ sáng trung bình của dòng laptop siêu di động (227 lux), đánh bại hoàn toàn màn hình Aspire S7 (147 lux). Tuy nhiên, 2 đối thủ là Dell XPS 12 và Duo 11 lại có độ sáng màn hình cao hơn. Màn hình laptop của Dell đạt 434 lux còn Duo 11 đạt 402 lux. Màn hình phụ ở chế độ tablet của Taichi có độ sáng cao hơn 1 chút với 261 lux. 

    Khi thử xem trailer 1080p của bộ phim "The Avengers" ở màn hình trong, màu sắc như màu đỏ của bộ giáp mà Iron Man mặc, đặc biệt sắc nét và không bị rửa trôi cho dù ngồi xem chếch màn hình 1 góc 90 độ về cả 2 bên. Tuy nhiên, hiện tượng noise xuất hiện ở các khu vực tối. Màu sắc ở màn hình tablet thậm chí còn sắc nét hơn và không có hiện tượng noise. 

    Âm thanh

    Loa Bang and Olufsen IcePower giúp cho Taichi "sản xuất" được âm thanh rất tốt, có thể coi là chiếc laptop 11,6 inch cho âm thanh tốt nhất hiện nay. Khi thử stream bản "Forget Me Nots," "Between the Sheets" và "I Keep Forgettin', âm vocal và âm bass rất rõ ràng. Khi nghe các bản hard rock như "Kickstart My Heart", "Photograph," tiếng guitar và tiếng trống hoàn toàn chính xác cho dù âm lượng ở mức cao nhất. 

    Trải nghiệm cảm ứng

    Mặc dù Taichi 21 được trang bị màn hình cảm ứng ở mặt vỏ ngoài nhưng đáng tiếc là phần màn hình trong không hỗ trợ cảm ứng. Màn hình cảm ứng ở chế độ tablet của máy hỗ trợ 10 điểm chạm cùng lúc - 1 điểm sáng của Taichi. Các thao tác cảm ứng trên màn hình khá nhạy, cho dù đó là thao tác gì đi nữa như zoom nhúm ngón tay, vẽ 10 ngón tay cùng lúc, vuốt ngón tay để chuyển đổi ứng dụng...Ở phiên bản cấu hình cao, Taichi 21 còn được trang bị bút cảm ứng hỗ trợ 256 mức độ lực khác nhau: bạn càng ấn mạnh, nét vẽ càng to hơn. 

    Độ nóng

    Các điểm chạm chính trên máy khá mát trong quá trình sử dụng thông thường, nhưng bắt đầu nóng lên khi bắt đầu cho tải mạnh 1 chút. Sau khi stream 1 video dài 15 phút ở chế độ toàn màn hình, nhiệt độ ở phần touchpad là 30,5 độ C, nhiệt độ bàn phím là 35,5 độ C, phần giữa mặt đáy máy là 34 độ C. Tuy nhiên, phần lỗ thông hơi/pin của máy vô cùng nóng, lên tới 40,5 độ C. 

    Cổng và Webcam

    Để có được 1 thiết kế mỏng như Taichi, Asus đã phải hy sinh 1 số cổng kết nối quan trọng. Ở bên phải máy chúng ta có 1 cổng microHDMI out, 1 cổng USB 3.0, cổng nguồn. Phía bên trái chúng ta có jack cắm âm thanh, cổng mini VGA, nút mở tắt volume, khóa màn hình, và 1 cổng USB 3.0. Chúng ta không có đầu đọc thẻ SD, cổng Ethernet. Taichi được đi kèm với 1 các bộ chuyển giúp bạn chuyển từ mini VGA sang VGA, từ USB sang Ethernet, nhưng rõ ràng là chúng gây ra bất tiện cho người dùng. 

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 7
    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 8

    Taichi 21 được trang bị 2 webcam, 1 webcam độ phân giải HD 0,9 MP ở màn hình bên trong, và 1 webcam độ phân giải 5 MP ở phía sau. Cả 2 camera đều cho hình ảnh với màu sắc tốt nhưng cực kì noise, cho dù ở trong điều kiện ánh sáng tốt. Khi ở chế độ tablet, bạn không thể sử dụng được webcam nào của máy do lúc này nắp đã bị đóng lại và che mất webcam.   

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 9

    Hiệu năng

    Được trang bị chip Core i7-3517U CPU tốc độ 1,9 GHz, ASUS Taichi 21 cho hiệu năng ổn định, đủ dùng cho các hoạt động máy tính văn phòng cũng như giải trí. Kiểm tra với công cụ PCMark 7, máy đạt số điểm cao, lên tới 5080 điểm, cao hơn khá nhiều so với Vaio Duo 11 (4683 điểm), hay Yoga IdeaPad (4419 điểm). 1 phần là do các máy này dùng chip hiệu năng thấp hơn (Core i5-3317U)

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 10

    Ổ SSD 256 GB của Taichi 21 khởi động Windows 8 mất 18 giây, chậm hơn 3 giây so với XPS 12, 5 giây so với Duo 11, 8 giây so với IdeaPad Yoga. Đáng tiếc là SSD thương hiệu SanDisk của Taichi 21 cho độc độ rất tệ. Trong bài test thử copy 1 thư mục nhiều tập tin media nặng gần 5 GB, ổ SSD của máy cho tốc độ copy là 41,7 MB/giây, chỉ bằng khoảng 1/3 tốc độ của Vaio Duo 11 (145,4 MB/giây), Dell XPS 12 (149,7 MB/giây) và Lenovo IdeaPad Yoga (121 MB/giây).

    Đồ họa

    Mặc dù chỉ được trang bị đồ họa tích hợp Intel HD 4000 graphics, Taichi 21 cho khả năng chạy được các video độ phân giải cao, bao gồm cả clip độ phân giải 4K. Thử nghiệm bằng 3DMark11, máy đạt số điểm 587, khá thấp. Vaio Duo 11 cho điểm cao hơn với 615, Dell XPS 12 cũng có số điểm cao hơn là 602. Khi thử chơi "World of Warcraft" ở chế độ autodetect, the Taichi cho tốc độ khung hình là 22 fps.

    Thời lượng pin

    Thử nghiệm với bài test lướt web liên tục bằng Wifi và độ sáng màn hình để ở 40%, Taichi cho thời lượng pin 4 tiếng 37 phút ở chế độ notebook. Vaio Duo 11 cho thời lượng pin cao hơn với 5 tiếng 8 phút. Dell XPS 12 cũng "sống thọ" hơn laptop của Asus với 5 tiếng 46 phút. 

    Cấu hình

    Asus Taichi: Thiết kế đột phá nhưng nhiều điểm yếu 11

    ASUS Taichi 21 cung cấp 3 cấu hình khác nhau. Phiên bản trong bài viết có giá 1599 USD, được trang bị chip Core i7-3517U 1,9 GHz, SSD dung lượng 256GB, bút cảm ứng đi kèm. Có 1 phiên bản với giá khởi điểm 1299 USD được trang bị chip Core i5-3317U tốc độ 1,7 GHz, SSD dung lượng 128GB và không có bútstylus. Phiên bản 1499 USD cũng dùng chip Core i5 như bản khởi điểm nhưng SSD dung lượng cao hơn với 256 GB. Bản này cũng không có bút stylus.

    Kết

    Taichi 21 của Asus có những sáng tạo hấp dẫn như màn hình đôi độc đáo, bên cạnh thiết kế mỏng và âm thanh ấn tượng. Không chỉ dễ dàng chuyển đổi chế độ hoạt động từ notebook sang tablet mà bạn còn có thể dùng màn hình ngoài để làm công cụ thuyết trình các slide. Điểm yếu của sản phẩm là ổ SSD cho tốc độ kém, touchpad không tốt, thời lượng pin thấp. Với cùng mức giá, người dùng có thể lựa chọn các đối thủ thay thế như ThinkPad X1 Carbon giúp cho pin lâu hơn, hoặc nghĩ tới phương án mua riêng iPad (499 USD) cùng MacBook Air (11 inch với giá 1099 USD).

    Tham khảo: Laptopmag
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ