Một “Ý tưởng” hoàn toàn không đủ làm nên sự khởi nghiệp thành công. “Ý tưởng” mà không có giá trị thực tiễn cũng như khả năng hiện thực hóa thì chỉ là “Ảo tưởng”.
Trong góc nhỏ một quán cà phê giữa trung tâm Hà Nội, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ gặp gỡ CEO Đỗ Hoài Nam, một chuyên gia, đồng thời cũng là một nhà tư vấn thực thụ về lĩnh vực khởi nghiệp. Đơn giản vì những “tri thức khởi nghiệp” mà anh có không chỉ đến từ sự nghiên cứu, tìm tòi mà còn được mài dũa qua thực tiễn với hai lần khởi nghiệp thành công tại Australia và Hoa Kỳ.
* Theo anh, có phải ý tưởng là cốt lõi để khởi nghiệp thành công?
Đỗ Hoài Nam: Mức tăng trưởng tương đối cao của nền kinh tế, tốc độ mở cửa rất nhanh của thị trường nhờ quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu và quan trọng nhất là sự bùng nổ về công nghệ đang mang đến “cơ hội vàng” cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Thực tế thời gian qua, cộng đồng này đã thực sự có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhất là trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, nổi bật là các bạn trẻ có trình độ, lại tràn đầy đam mê, khát khao và quyết tâm vươn tới thành công. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đa số bạn trẻ dường như đang có nhiều ngộ nhận về khởi nghiệp.
Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ đang khát khao khởi nghiệp, và khi tôi đặt câu hỏi “Điều gì là quan trọng nhất để khởi nghiệp?” thì đại đa số câu trả lời đều là “Ý tưởng”. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng phải nói là chưa đầy đủ. Thế giới đã đi qua giai đoạn “phẳng” để tiến vào một không gian đa chiều hơn nhờ sự bùng nổ của công nghệ. Thông tin thông suốt, sự phổ cập rộng rãi về tri thức và công nghệ,… có thể giúp bạn “nảy” ra hàng chục, hàng trăm ý tưởng mỗi ngày.
Tuy nhiên, kể cả khi bạn cho rằng ý tưởng của mình là hoàn hảo thì chắc chắn sẽ luôn có ít nhất hàng nghìn ý tưởng khác tốt hơn của bạn. Và khi ý tưởng trở nên “rẻ” như vậy, điều cốt lõi là phải đánh giá được khả năng thành công và quan trọng hơn là sở hữu khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Tuy nhiên, đây là điều mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp của Việt Nam đang thiếu.
Muốn khởi nghiệp thành công trong một lĩnh vực, trước hết bạn cần có trình độ và sự hiểu biết vô cùng sâu sắc về lĩnh vực đó, phải thực sự bươn chải để hiểu rõ từng “ngóc ngách” tồn tại, từ đó tìm ra những mảng trống hợp lý để phát triển ý tưởng.
Bên cạnh đó, từ “mài dũa” thực tế, bạn mới có thể đưa ra nhận định về khả năng thành công cũng như những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình phát triển ý tưởng. Một “Ý tưởng” thiếu thực tiễn thì chỉ là “Ảo tưởng”. Một “điểm kém” nữa của các những bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam là còn thiếu các kiến thức cơ bản về một doanh nghiệp khởi nghiệp nên khi tiếp xúc với nhà đầu tư, nhiều bạn lại không biết bắt đầu từ đâu khiến cơ hội bị vuột mất.
Ảnh minh họa.
Nhưng nói gì thì nói, vài năm gần đây, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam thực sự đã phát triển trở thành một cộng đồng lớn mạnh?
Tương tự ở nhiều nước khác và nhất là tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cũng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường thuận lợi chắp cánh cho các ý tưởng mới bay cao. Tuy nhiên, thay vì mặc sức sáng tạo để khẳng định mình, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam lại đang lựa chọn việc sao chép lại các “Ý tưởng” có sẵn. Điều này có thể đem lại thành công và những thu nhập bước đầu, nhưng đồng thời cũng vi phạm thuộc tính cơ bản trong định nghĩa về khởi nghiệp là “Sáng tạo”.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là “tinh thần khởi nghiệp” của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam dường như quá chú trọng vào việc làm giàu mà thiếu khát vọng được khẳng định mình bằng việc chinh phục các đỉnh cao mới.
Vậy lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp là gì?
Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ phải đam mê và khát khao thành công, nhưng tuyệt đối không nên mù quáng. Muốn khởi nghiệp thành công, các bạn cần phải có được kế hoạch rất chi tiết.
Trước hết cần xác định rõ “ Tôi giỏi việc gì?” để từ đó mới đưa ra câu hỏi “Tôi muốn làm gì?” và “Tôi sẽ làm việc đó như thế nào?”. Quay ngược lại vấn đề, quan trọng hơn là phải làm rõ “Tôi không giỏi việc gì?”, “Tôi cần thêm những gì?” và “Tôi phải khắc phục những điểm yếu của mình như thế nào?”.
Ngoài ra, một lời khuyên nữa là các bạn nên xác định rõ “Tinh thần khởi nghiệp” cho chính mình. Như tại Hoa Kỳ, mọi bạn trẻ khởi nghiệp tất nhiên đều nung nấu ước mơ làm giàu nhưng vượt lên trên tất cả là lý tưởng mong muốn được khẳng định “Tôi là số 1”, “Tôi sẽ làm tốt hơn tất cả”. Còn ở Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ khi đến với khởi nghiệp đều quá quan tâm vào việc “Tôi kiếm được bao nhiêu tiền?” và đó cũng là nguyên nhân làm bó gọn sức sáng tạo. Trong trường hợp này, tôi xin mượn một câu nói của Guy Kawasaki, một nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới: “Nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, thì đừng có làm doanh nghiệp khởi nghiệp. Không phải tiền không quan trọng mà nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, sẽ có những khó khăn bạn không thể vượt qua được, bởi có những lúc bạn sẽ chẳng có gì trên người”.
Năm 2015 được đánh giá là khá thành công với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi mà cộng đồng này đã thực sự dần lớn mạnh, huy động được nguồn vốn hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Theo báo cáo của Topica Founder Institue (TFI), năm qua chứng kiến ít nhất 67 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi con số này chỉ được tính trên đầu ngón tay vào thời điểm cách đây 5 năm.
Với nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao khoảng 7%, quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng cùng với đội ngũ trí thức trẻ đầy sáng tạo và khát khao lập nghiệp,… Việt Nam rõ ràng đang là điểm đến không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Theo chinhphu.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nóng: CEO Jensen Huang trở lại Việt Nam sau 1 năm, Nvidia 'giữ lời hứa' mở trung tâm nghiên cứu và dữ liệu AI
Chính phủ Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO Nvidia Jensen Huang.
Mở hộp MacBook Pro 16 inch M4 Pro chính hãng tại Việt Nam trị giá hơn 100 triệu đồng: Nhanh, mạnh, màn hình Nano-texture dùng rất thích