"Guppy" (cá bảy màu) - là tên gọi của một dòng máy bay đặc biệt với khoang chứa hàng cực rộng chuyên để vận chuyển các hàng hóa quá khổ.
Được biết đến nhiều nhất trong số các máy bay chở hàng khổng lồ có lẽ là chiếc Airbus A300-600ST Beluga của Pháp, thế nhưng hôm nay chúng ta sẽ đi ngược lại quá khứ để tìm hiểu về thủy tổ của tất cả các máy bay vận tải siêu dị.
Trong những năm 1960, các chương trình không gian của Mỹ được đầu tư rất mạnh và cần tới một loại máy bay vận tải mới có khả năng mang được những vật - tuy không phải siêu trọng nhưng lại có kích thước cực kỳ cồng kềnh.
Phiên bản đầu tiên của Guppy được chế tạo trực tiếp từ thân của một chiếc Boeing 377 Stratocruiser – biến thể chở hàng.
Viên phi công kiêm kỹ sư hàng không John Conroy lúc bấy giờ đã đề xuất một ý tưởng vô cùng táo bạo: biến đổi thân máy bay "Boeing" để làm tăng thể tích của khoang, nhưng lại hạn chế vi phạm những đặc tính khí động học của máy bay ở mức tối thiểu.
Và ông đã dựa vào hình mẫu chú cá bảy màu mang thai để thiết kế nên chiếc máy bay với tên gọi cũng được lấy nguyên xi “Pregnant Guppy” (Cá bảy màu mang thai). Cá bảy màu là một trong những loại cá cảnh nước ngọt đẻ trứng thai phổ biến nhất thế giới. Đây là giống cá dễ nuôi, sinh sản nhanh, đa dạng và phong phú nhất về màu sắc trong số các loài cá cảnh.
Khi bản concept được NASA thông qua, Conroy đã thế chấp nhà của mình để lấy tiền thành lập công ty Aero Spacelines. Cùng với On Mark Engineering, công ty của Conroy đã thực hiện màn “lột xác” cho chiếc Boeing 377 để cho ra đời “bà bầu biết bay” Aero Spacelines Pregnant Guppy. Ngày 19 tháng 9 năm 1962 đích thân Conroy đã đưa tác phẩm của mình cất cánh lần đầu tiên vào không trung.
Cho tới tận cuối những năm 1970, "Cá bảy màu mang thai" đã tận tụy phục vụ NASA, chuyên chở các bộ phận của tàu vũ trụ, trong đó kiện hàng lớn nhất là một trong các tầng của tên lửa đẩy “Saturn I”. Năm 1979, chiếc máy bay “cá bảy màu” đầu tiên được chế tạo trên cơ sở của chiếc “Boeing” có tuổi, đã hoàn toàn kiệt sức và rồi bị tháo dỡ thành kim loại phế liệu.
Năm 1965, “Cá bảy màu mang thai” đã chở S-IV – tầng thứ hai của tên lửa “Saturn I”
Ngoài “Pregnant Guppy”, công ty của Conroy còn chế tạo thêm ba máy bay thuộc dòng này là Aero Spacelines Super Guppy (thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1965), Aero Spacelines Mini Guppy (1967) và Conroy Skymonster (1969).
Chính thiết kế đặc biệt của dòng “Cá bảy màu” này đã được các kỹ sư Pháp học tập và sử dụng để tạo ra các máy bay “hậu bối” là Airbus A300-600ST Beluga (1994) và Boeing 747 Dreamlifter (2006).
Máy bay Aero Spacelines Super Guppy còn to hơn tiền bối của mình rất nhiều
Một vài thông số kỹ thuật chính của Aero Spacelines Pregnant Guppy:
Phi hành đoàn: 3 người
Chiều dài: 38,71 m
Sải cánh: 43,05 m
Khối lượng cất cánh tối đa: 63.945 kg
Động cơ: 4 động cơ piston Pratt & Whitney R-4360 Wasp Major
Vận tốc tối đa: 515 km/h
Vận tốc hành trình: 235 km/h
Aero Spacelines Super Guppy chở được 2 chiếc máy bay phản lực T-38 Jet
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"