Bác sĩ viện nhi cho rằng cho trẻ dùng máy tính bảng, điện thoại quá sớm sẽ dẫn đến chậm nói
Cứ mỗi 30 phút sử dụng nhiều hơn, trẻ sẽ gia tăng 49% phát triển “chậm nói diễn cảm”.
Một nghiên cứu mới trình bày tại Hội nghị các Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ chỉ ra rằng: Trẻ em từ 6 đến 24 tháng tuổi sẽ bị chậm nói, nếu tiếp xúc nhiều với các thiết bị cầm tay có màn hình, như điện thoại, máy tính bảng và máy chơi game.
Tiến sĩ Catherine Birken, tác giả nghiên cứu đồng thời là một bác sĩ tại Viện nhi Toronto cho biết: “Tôi tin rằng đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra mối quan hệ giữa thiết bị truyền thông di động và chứng chậm nói ở trẻ em”.
Những đứa trẻ sinh ra trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây đang lớn lên với những thiết bị cầm tay xung quanh mình. Đây là lúc chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi hơn về điều đó. Chẳng hạn như: Liệu thiết bị công nghệ có ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và thể hiện tình cảm của chúng?
Nghiên cứu cho thấy trẻ em chơi điện thoại và máy tính bảng có thể bị chậm nói
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi gần 900 trẻ em ở độ tuổi 18 tháng. Cha mẹ của những đứa bé được hỏi về lượng thời gian mà con mình dùng thiết bị điện tử mỗi ngày. Đồng thời, một danh mục khảo sát được sử đụng để đánh giá chính xác sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Các yếu tố được xem xét bao gồm cách những đứa trẻ sử dụng âm thanh, từ ngữ để thu hút sự chú ý và giúp đỡ, cách chúng ghép các từ ngữ với nhau và bao nhiêu từ mà trẻ có thể sử dụng.
Kết quả chỉ ra 1 phần 5 những đứa trẻ sử dụng thiết bị điện tử có màn hình trung bình 28 phút mỗi ngày. Trong khi đó, cứ mỗi 30 phút sử dụng nhiều hơn, trẻ sẽ gia tăng 49% phát triển thứ mà các nhà khoa học gọi là “chậm nói diễn cảm”.
Trong đó, khả năng sử dụng âm thanh và từ ngữ của trẻ bị hạn chế. Nghiên cứu không tìm ra mối liên hệ nào giữa việc sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay và các giao tiếp khác như ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ và tương tác xã hội.
Cần nghiên cứu sâu hơn để khẳng định
Là một trong những tác giả của nghiên cứu, nhưng bác sĩ Birken không vội vàng đi đến kết luận. Bà nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là nghiên cứu bước đầu và chúng ta cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để kiếm chứng nó.
Nghiên cứu sâu hơn mới là nơi trả lời cho nghi ngờ của chúng ta về mối quan hệ giữa việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng với sự chậm nói ở trẻ.
Các nhà khoa học khi đó phải xem xét kỹ hơn là chỉ khảo sát trên phụ huynh. Chẳng hạn như họ còn phải biết cả những đứa trẻ đang xem hoạt hình hay chơi trò chơi trên iPad, chúng sử dụng thiết bị một mình hay với cha mẹ, và từng yếu tố này gây ảnh hưởng như thế nào.
“Tôi nghĩ rằng để có được một bằng chứng rõ ràng cho các bậc phụ huynh và bác sĩ xem, chúng tôi cần nhiều hơn những nghiên cứu dứt khoát”, bác sĩ Birken nói. “Bạn sẽ cần những thử nghiệm. Bạn cần những bằng chứng thật tốt, ít nhất là các nghiên cứu dài hạn”.
Cứ mỗi 30 phút sử dụng thiết bị có màn hình điện tử, trẻ sẽ gia tăng 49% phát triển “chậm nói diễn cảm”
Nhưng cho tới hiện tại, phát hiện của nghiên cứu mới khá được ủng hộ, khi nó đứng cùng phía với nhiều khuyến cáo, chẳng hạn như của Viện hàn lân Nhi khoa Hoa Kỳ. Theo đó, các nhà khoa học nói rằng trẻ em dưới 18 tháng tuổi hoàn toàn không nên tiếp xúc với màn hình các thiết bị cầm tay.
Nó có nghĩa là không chụp ảnh bằng camera trước, không gọi video, không chơi game… Như các bác sĩ nhi khoa cảnh báo, màn hình của một thiết bị như vậy sẽ làm mất cân bằng trong sự phát triển của trẻ, khiến chúng mất đi kết nối tự nhiên với cha mẹ.
Đối với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, từ 18 đến 24 tháng, Viện hàn lâm nhi khoa nói rằng không cần phải tránh tiếp xúc hoàn toàn với màn hình. Nhưng họ vẫn khuyên các bậc cha mẹ nên chọn lọc hoạt động cho con cái mình xem, để giúp chúng hiểu chính xác những gì mình thấy trên màn hình thiết bị.
Năm 2013, Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận cũng đã thực hiện một khảo sát liên quan đến việc sử dụng các thiết bị di động ở trẻ em. Kết quả chỉ ra rằng 40% trẻ dưới 2 tuổi đã được tiếp xúc với các thiết bị này. Đáng chú ý, con số trong năm 2011 chỉ là 10% và tốc độ tăng này là đáng lo ngại.
Nhận xét về kết quả mới của bác sĩ Birken, Michael Robb, giám đốc nghiên cứu của Common Sense Media nói rằng :
“Đây là một nghiên cứu quan trọng để làm nổi bật thêm các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là thiết bị di dộng cầm tay. Điều gì đang tạo ra những tác động, chúng rất quan trọng. Chẳng hạn như ảnh hưởng tiêu cực có thể đến từ việc thời gian sử dụng màn hình đã làm mất đi cơ hội tương tác với bố mẹ của trẻ (ví dụ hoạt động chơi đùa, nói chuyện, học đọc, hát…). Tất cả đều rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ”.
Trong một thế giới mà màn hình điện tử có mặt ở khắp mọi nơi
Những đứa trẻ sinh ra trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây đang lớn lên với những thiết bị cầm tay xung quanh mình
Michelle MacRoy-Higgins và Carlyn Kolker là hai tác giả nghiên cứu sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Họ đã dành thời gian để theo dõi hàng trăm trẻ sơ sinh, cho đến gian đoạn chúng biết đi và lớn lên để viết thành một cuốn sách có tựa đề: “Time to Talk: What You Need to Know About Your Child's Speech and Language Development”. (tạm dịch là Đã đến lúc để nói: Những điều bạn cần biết về khả năng nói của trẻ và sự phát triển ngôn ngữ)
MacRoy-Higgins cho biết cô không ngạc nhiên về nghiên cứu mới: “Chúng tôi biết rằng trẻ nhỏ học ngôn ngữ tốt nhất thông qua sự tương tác của chúng với người khác. Và chúng tôi cũng biết rằng những đứa trẻ nghe được ít ngôn ngữ từ chính môi trường trong nhà sẽ có vốn từ vựng thấp hơn sau này”.
Vậy thì mối quan hệ ở đây có thể đến từ việc những đứa trẻ dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào màn hình thì có ít cơ hội hơn để giao tiếp với bố mẹ, anh chị và những người chăm sóc chúng. MacRoy-Higgins hiện cũng đang là một phó giáo sư về bệnh học ngôn ngữ tại Đại học Hunter, New York.
Hai năm đầu đời là khoảng thời gian vô cùng quan trọng với trẻ, và một nền tảng ngôn ngữ sớm hình thành có vai trò lớn đối với sự thành công trong học tập sau này, cô cho biết.
“Khả năng ngôn ngữ bị chậm sẽ liên quan đến những khó khăn trong việc đọc và viết ở lớp tiểu học. Cho nên những năm đầu đời, đặc biệt là 2 năm đầu, việc học sử dụng ngôn ngữ thành thạo là thứ rất rất quan trọng. Chúng ta đều muốn con cái mình phát triển khả năng ngôn ngữ bình thường, bởi nếu không chúng thực sự sẽ gặp nhiều khó khăn khi lớn lên”.
Mười năm trước, khi những đứa trẻ sinh ra chưa có những gì gọi là iPhone hay iPad. Việc tiếp xúc với màn hình chưa thành vấn đề. Nhưng bây giờ, sự bùng nổ của các thiết bị cầm tay này là một phần lý do khiến chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến tác động của chúng.
“Các thiết bị ở khắp mọi nơi và chúng ta không thể bỏ qua thực tế đó”, Kolker, một cựu phóng viên của Bloomberg News và Reuters đã nói gần 5 năm trước khi cô làm việc với MacRoy-Higgins. “Chúng ra không cần phải ném điện thoại của mình đi”, nhưng các bậc cha mẹ nên được cảnh báo về chúng.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ
Tương tác là cách tốt nhất để dạy ngôn ngữ cho trẻ.
Tương tác nhiều hơn với con bạn, chơi đùa với chúng, kể chuyện, dạy chúng vẽ, đọc…, các tác giả nghiên cứu cho biết. Tương tác là cách tốt nhất để dạy ngôn ngữ cho trẻ.
MacRoy-Higgins cũng đang làm mẹ của hai đứa bé, cô nói rằng động lực để mình viết cuốn sách “Đã đến lúc để nói” là việc cô nhìn thấy nhu cầu của các bậc phụ huynh.
Ai cũng muốn con cái mình phát triển và học tập bình thường, thậm chí giỏi giang hơn người. Nhưng thực sự nếu họ muốn điều đó thì phải dành nhiều thời gian hơn để tương tác với con cái. Đó là một cách rất đơn giản và hiệu quả, chứ không phải bỏ mặc con cái với những thiết bị màn hình điện tử.
Đối với Kolker, cô hiện cũng đã là một bậc phụ huynh của hai đứa trẻ, những thiết bị cầm tay có thể không cần phải bị cấm hoàn toàn. Thế nhưng sử dụng chúng thế nào với trẻ nhỏ là một điều cần lưu ý, Kolker nói:
“Bất kể một bậc phụ huynh nào cũng cần đến những thiết bị điện tử vào một lúc nào đó. Họ có thể cho con mình tiếp xúc với màn hình, một thiết bị hay máy tính bảng trong một vài trường hợp. Nhưng tôi nghĩ bạn cần phải biết rằng những công cụ này chỉ hữu ích trong một số thời điểm, và trong khoảng thời gian ngắn. Chúng không phải công cụ thực sự giúp cho sự phát triển của con bạn”.
Tham khảo Cnn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"