Bài học cho các doanh nghiệp từ câu chuyện thành công của Google và sự lụi tàn của đế chế Yahoo
Hơn một thập kỉ qua, thế giới công nghệ chứng kiến vô số những cuộc “đổi ngôi”, nhưng màn hoán đổi vị thế của hai gã khổng lồ Internet Yahoo và Google đọng lại nhiều cảm xúc nhất.
Yahoo từ một gã khổng lồ Internet thập niên 90 giờ đang lâm vào tình cảnh “bết bát” phải bán đi những mảng kinh doanh cốt lõi để tồn tại. Trong khi đó, Google từng bước vươn mình mạnh mẽ trở thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới (Alphabet).
Thật lố bịch nếu vào thời hoàng kim của Yahoo có ai đó nghĩ tới một ngày hai công ty công nghệ này lại hoán đổi vị thế cho nhau như hiện nay. Nhưng theo dõi xuyên suốt quãng thời gian vừa qua, chúng ta phần nào rút ra được những bài học về thành bại của cả hai, đặc biệt trong các quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Năm 2003, Yahoo và Google bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt để tranh giành thị phần trước sự bùng nổ Internet trên toàn thế giới. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cục diện cuối cùng, nhưng điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa hai gã khổng lồ công nghệ nằm ở cách tiếp cận cơ sở hạ tầng cốt lõi. Sự đối lập mạnh mẽ và kết quả đạt được cho chúng ta bài học quý báu về vấn đề xây dựng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng có tính cạnh tranh cao.
Phát triển nóng và xây dựng bền vững
Giữa cơn cuồng phong Internet đang càn quét thế giới, Google và Yahoo đứng trước cơ hội lớn vươn mình mạnh mẽ. Các dịch vụ như tìm kiếm, email hay bản đồ trở nên thịnh hành. Chúng đặt ra bài toán về hệ thống máy chủ để lưu trữ dữ liệu người dùng và của công ty.
Yahoo khá nhạy bén khi thuê cơ sở hạ tầng của NetApp, một công ty chuyên về giải pháp lưu trữ và quản lý dữ liệu. Nhờ vậy, hãng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường với hầu hết các dịch vụ đều chạy trên máy chủ của NetApp.
Ở phía bên kia, Google lại có vẻ đi ngược với xu hướng được cho là mang lại hiệu quả tức thì lúc bấy giờ. Công ty tự xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật riêng được gọi với cái tên Google File System. Nó có chức năng như một nền tảng phục vụ đa dạng các loại hình dịch vụ của Google, nhắm tới việc xây dựng hệ sinh thái tương lai.
Gã khổng lồ tìm kiếm sử dụng các máy chủ thương mại tạo tính linh hoạt cao. Nếu sau này cần mở rộng hay phục hồi dữ liệu cũng rất tiện. Đặc biệt, hệ thống giúp đơn giản hóa và tăng tốc độ sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây dự kiến sẽ phát triển trong thời gian sau đó.
Mức độ phức tạp ngày càng lớn
Phải mất 4 năm phát triển liên tục cùng đội ngũ kỹ thuật hùng hậu, Google mới xây dựng hoàn thiện hệ thống để đưa vào khai thác các hạng mục quan trọng. Trong khi đó, Yahoo đã có thể áp dụng mạng lưu trữ đính kèm của NetApp ngay lập tức, từ đó đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng các dịch vụ của công ty. Nhờ vậy, Yahoo nhanh chóng bứt phá trong cuộc đua thống trị thế giới Internet.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thị trường theo kiểu ồ ạt của Yahoo dần xuất hiện những bất cập. Khi nhu cầu người dùng tăng nhanh và có thêm nhiều dịch vụ khác, nhược điểm về cơ sở hạ tầng “đi thuê” dần bị phơi bày.
Kết quả là, các dịch vụ của công ty như Yahoo Search hay Mail đều được vận hành trên những hệ thống hạ tầng khác nhau. Quá trình phân mảnh đặt ra bài toán kinh tế về sử dụng tài nguyên vì mỗi trường hợp lại yêu cầu máy chủ riêng mà không thể chia sẻ giữa các nền tảng. Trên hết, chi phí vận hành từ NetApp lấy đi nguồn thu lớn của Yahoo khi công ty bắt đầu mở rộng quy mô.
Ở phía bên kia, Google đã lường trước những thách thức này nên ngay từ khâu xây dựng hệ thống tập tin, họ đã cho phép thêm bớt các dịch vụ cũng như dễ dàng sửa lỗi liên quan tới kiến trúc cơ bản. Ví dụ, sau khi mua lại Youtube, công ty chỉ việc đưa nó vào nền tảng chung. Các kỹ sư có thể nâng cấp kiến trúc cơ bản một lần là có thể áp dụng cho mọi dịch vụ của Google thay vì phải làm từng mục riêng rẽ.
Cuối cùng, nền tảng linh hoạt cho phép tận dụng tối đa sức mạnh nguồn lực. Như khi server không phải xử lý lệnh tìm kiếm của người dùng, chúng có thể chuyển sang phục vụ việc truy cập email hay bất kể tác vụ nào. Từ đó, Google tiết kiệm đáng kể chi phí dù mức độ tăng trưởng ngày càng lớn.
Tầm quan trọng khi bắt đầu xây dựng hệ thống
Câu chuyện về Google và Yahoo là bài học quý báu trong cách xây dựng tính bền vững của doanh nghiệp. Nó nói lên tầm quan trọng của tầm nhìn chiến lược về cơ sở hạ tầng, đảm bảo một kiến trúc linh hoạt có khả năng đáp ứng mọi thay đổi trong tương lai. Google đã cho chúng ta thấy sự cần thiết phải hiểu rõ vấn đề trước khi đưa ra các giải pháp.
Khi bắt đầu lên kế hoạch cho một dự án nào đó, dù bạn là kỹ sư hay chủ doanh nghiệp, đừng nhìn vào những giải pháp và cách hoạt động hiện có mà thay vào đó hãy tự lập ra ý tưởng của riêng mình. Một khi làm như vậy, bạn sẽ đủ tỉnh táo để xem liệu giải pháp hiện tại có mang lại hiệu quả hay không và cần bổ sung gì nếu nảy sinh nhu cầu thay đổi, hệ thống của doanh nghiệp vẫn đáp ứng được.
Đây là chìa khóa thành công cho nhiều công ty khởi nghiệp. Đồng thời, các ông lớn công nghệ như Facebook cũng từng bước nhận thấy tầm quan của việc xây dựng cơ sở hạ tầng riêng nhằm duy trì vị thế của mình.
Tất nhiên, việc bắt đầu từ con số không đòi hỏi doanh nghiệp phải hy sinh nguồn lợi tăng trưởng trước mắt để hướng tới sự bền vững lâu dài. Đó có thể là một viên thuốc khó nuốt trôi, đặc biệt trong môi trường đầy tính cạnh tranh như Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, vội vàng trong cách tiếp cận sẽ mang tới rủi ro lớn, khiến tình hình thêm phức tạp và thiếu hiệu quả khi quy mô công ty đã đạt đến mức độ nhất định.
Google xây dựng nền tảng rộng lớn trải đều trên nhiều dịch vụ của mình. Hãng hướng tới sự đơn giản và đề cao tính linh hoạt, trong khi cơ sở hạ tầng phức tạp của Yahoo khiến công ty không thể “bay cao” hơn nữa, thậm chí ngày càng sa sút và cuối cùng để mất thị phần vào tay đối thủ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"