Kiếm tiền từ dữ liệu người dùng đang trở thành hình thức bóc lột thời đại công nghệ số bởi các công ty thu về hàng tỷ USD mà không xin phép hay trích hoa hồng cho khách hàng.
Hoạt động mua bán giữ liệu người dùng diễn ra vô cùng sôi động nhưng đầy bí ẩn. “Cư dân số” bị thu thập thông tin phục vụ cho những mục đích không rõ ràng.
Dữ liệu người dùng đang bị thu thập tràn lan.
Các công ty và chính phủ có xu hướng “sục sạo” dữ liệu cá nhân của chúng ta theo cách ngày càng tinh vi, từ việc theo dõi những gì chúng ta làm, bạn bè chúng ta quen và cả nơi chúng ta đến. Phương pháp và mục đích cho hoạt động thu thập vô cùng đa dạng và gần như không có điểm kết thúc hay giới hạn nào.
Bắt đầu từ những việc làm tạo điều kiện cho hành vi xâm phạm tính riêng tư như trường hợp WhatsApp chia sẻ tên và số điện thoại người dùng với Facebook, từ đó doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng các mẫu quảng cáo. Hoặc như mới đây, một công ty khởi nghiệp gây sửng sốt cho cả làng công nghệ khi theo dõi người dùng thông qua tình trạng pin.
Nghiêm trọng hơn, cảnh sát Baltimore Mỹ còn tự cho phép mình quyền sử dụng hệ thống giám sát trên không để theo dõi và ghi lại mọi hoạt động của thành phố. Thậm chí, các nhà môi giới dữ liệu đã tạo nên mạng lưới hồ sơ cá nhân khổng lồ sau đó bán lại cho bên thứ ba, phá vỡ quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Những trường hợp như vậy bắt nguồn từ một động lực buộc họ phải chia sẻ, giống như một mệnh lệnh có sức điều khiển nhiều tập đoàn và chính phủ. Vì thế, chúng đòi hỏi khai thác dữ liệu từ tất cả các nguồn, bằng bất kỳ cách thức, thủ đoạn nào. Đó chính là khởi nguồn của cuộc chạy đua dữ liệu, thúc đẩy tạo ra công nghệ giám sát có thể xâm nhập vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống và xã hội. Động lực để gây dựng nên những nguồn dữ liệu khổng lồ như vậy nằm ở giá trị to lớn mà chúng mang lại hoặc có thể tạo ra.
Chính điều này đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ cách thức tổ chức nguồn thông tin. Báo cáo gần đây của Oracle và MIT Technology Review có tên “The Rise of Data Capital” lý giải cho sự thành công của các ông lớn như Google, Uber và Amazon chính ở chỗ họ mang trong mình suy nghĩ “dữ liệu như một loại tài sản”. Đây là xu hướng công nghệ chung của thế giới, khi dữ liệu được lưu trữ, phân loại và cuối cùng tạo ra thu doanh thu. Những ngân hàng lưu trữ này luôn phình to từng ngày.
Gã khổng lồ công nghệ Siemens mang trong mình tư duy như vậy: “Chúng ta phải hiểu dữ liệu ở khắp mọi nơi và chúng được tạo ra mỗi giây trong ngày. Chúng ta cần nhìn nhận dữ liệu như một loại tài sản – từ đó biến nó thành thứ có giá trị”.
Nhưng thứ tài sản đó không tự nhiên sinh ra mà do công sức của nhiều người trên thế giới tạo thành. Chỉ vậy thôi chưa đủ. Theo học giả Karen Gregory, để biến dữ liệu trở nên có giá trị đòi hỏi phải lao động cật lực với sức sáng tạo lớn, thay vì chỉ đơn giản bằng công việc thu thập. Thuật toán gom thông tin lại phải biết xử lý, phân loại và cuối cùng sử dụng nó. Điều này có được đi kèm với hệ thống ngày càng tinh vi len lỏi vào từng ngõ ngách để thăm dò, giám sát và thậm chí theo dõi mọi người.
Tuy nhiên, đây được coi là hành vi trộm cắp bởi việc thu thập không có sự đồng ý của chủ dữ liệu cũng như không hề có khoản kinh phí nào cho họ. Đáng lý ra, các công ty và chính phủ phải trả “hoa hồng” cho chính người dùng.
Phần lớn, mọi người không biết thông tin cá nhân của mình được lấy và sử dụng như thể nào bởi trên thực tế, chẳng có bất cứ lời đề nghị khai thác nào. Thậm chí, dữ liệu còn được bày bán trên các web chợ đen với con số lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng tỷ nội dung của mọi người trên toàn thế giới.
Thông thường, mỗi công ty đều đưa ra điều khoản sử dụng dịch vụ có lợi cho mình để “buộc” người dùng nhấn nút đồng ý theo thói quen mà không hề đọc hoặc hiểu điều khoản đó nói gì. Vì thế, họ nghiễm nhiên có quyền pháp lý sử dụng nguồn dữ liệu của khách hàng dựa trên “sự đồng thuận giữa hai bên”.
Đó chẳng khác nào một mánh lới nhằm kiếm lời trên chính “tài sản” của người khác. Nhiều người trong chúng ta vẫn hài lòng cho rằng, Google và Facebook đã cho chúng ta quá nhiều vì cung cấp dịch vụ “miễn phí”, nhưng điều đó chưa đúng bởi cái họ nhận lại từ dữ liệu người dùng lớn hơn so với chi phí đầu tư và đáng lý ra phải chia sẻ lợi nhuận thay vì chiếm làm của riêng.
Ước tính mỗi năm, ngành công nghiệp kinh doanh dữ liệu thu về khoảng 200 tỷ USD, nhưng những người chủ sở hữu dữ liệu thực sự lại không được đồng xu nào. Thủ đoạn chiếm dụng dữ liệu của các công ty và chính phủ tạo nên sự giàu có và quyền lực cho số ít người mà không cần tốn sức thuyết phục hay chia sẻ lợi nhuận.
Đây đúng ra là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Nhưng nếu đấu tranh mạnh mẽ đủ để thuyết phục các cơ quan chức năng coi đó như hành động trộm cắp, nhiều khả năng sẽ có những điều luật bảo vệ thông tin người dùng chặt chẽ hơn. Mô hình mới sẽ xem xét đến quyền sở hữu và quyền được tôn trọng thông tin cá nhân trong xã hội. Khi đó, mỗi người có thể nhận được tiền từ việc chia sẻ dữ liệu cá nhân.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín