Bạn có tin rằng tương lai của mình sẽ phụ thuộc vào câu chuyện bạn chia sẻ trên Facebook?

    Thảo Nguyên,  

    Bạn có nghĩ rằng các thông tin bạn chia sẻ trên mạng sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời bạn?

    Ngày nay, mạng xã hội được chọn là công cụ chia sẻ online phổ biến nhất, nhưng liệu ý nghĩa của nó có dừng lại ở việc chia sẻ sở thích cá nhân và tán chuyện riêng tư với bạn bè? Bạn có nghĩ rằng theo thời gian, các thông tin bạn chia sẻ trên mạng sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời bạn?

    Thậm chí các nhà tuyển dụng cũng sẽ kiểm tra tiểu sử và thuê bạn vì câu chuyện đó. Ngần ấy lý do, cộng với việc làm sao để duy trì các kết nối và tạo dựng một môi trường online lành mạnh, liệu có đáng để học cách chia sẻ và kiểm soát thông tin nhằm giúp câu chuyện của bạn trở nên tích cực và độc nhất vô nhị?

    Bạn không kể thì người khác sẽ kể?

    Song song với sự phát triển chưa từng thấy của mạng lưới đa kết nối khi Web 2.0 ra đời, mạng xã hội là điểm bùng nổ của việc chia sẻ thông tin, mang lại cơ hội vô tận cho cá nhân được phát biểu ý kiến và chia sẻ câu chuyện của chính mình. Đồng thời, nó đem lại sự tự do tạo ra những con đường đi riêng cho nhiều người.

    Trước kia, việc phát biểu thường thuộc quyền hạn của các lãnh tụ, các nhà phát triển xã hội, nhà nghiên cứu hoặc văn nghệ sỹ nổi tiếng... Xa hơn nữa là hình ảnh các già làng, pháp sư thuyết giảng hoặc kể chuyện giữa một vòng tròn cộng đồng bên đống lửa. Ngày nay “Mạng xã hội thay đổi tất cả, dân chủ hoá việc kể chuyện. Tất cả mọi người đều trở thành người kể chuyện” - Michael Margolis, nhà nghiên cứu “kể chuyện trên mạng” và sáng lập tổ chức Get Storied, nói.

    Theo Michael, nếu bạn không tự kể câu chuyện của mình, người khác sẽ kể hộ bạn. Không có gì đảm bảo câu chuyện người khác kể về bạn là chính xác và theo cách bạn thích phải không? Một phiên bản của bạn trong quá khứ do bố mẹ bạn “kể” qua Facebook của họ? Hay phiên bản có “tâm hồn ăn uống” do bạn bè tag bạn trên những tấm hình chụp tràn lan từ những buổi tụ tập? Nhiều trường hợp khác thậm chí có hại cho bạn!

    Hãy tự điều khiển câu chuyện của mình

    Giống như ngoài đời thực, việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội là để tạo ra các kết nối online với mục đích tốt đẹp, thậm chí sẽ trở thành các mối quan hệ offline. Trên mạng xã hội, chúng ta không kể chuyện một mình, câu chuyện của bạn được hình thành do sự đóng góp bởi các kết nối của bạn nữa. Vậy chúng ta cần chia sẻ thông tin và tương tác như thế nào trên mạng xã hội?

    Bạn có hay tự hỏi tại sao một bài đăng của mình trên Facebook chỉ nhận được có vài cái “Like” và tại sao mọi người không đón nhận thông điệp mà bạn gửi đi? Làm sao để mời mọi người cùng tham gia vào câu chuyện?

    Bạn phải tạo ra khả năng tiếp cận với thông tin cho người xem. Michael Margolis giải thích: “Hãy mở một “lời mời tham gia” vào câu chuyện bạn kể bằng cách tạo ra tính liên quan tới người xem và đảm bảo thông tin có thể hiểu được”. Ví dụ, khó để mọi người tương tác với một post mà bạn chia sẻ hàng chục tấm ảnh chụp buổi đi chơi của cá nhân bạn với nội dung na ná nhau.

    Người xem sẽ không hiểu tại sao họ lại phải xem nhiều hình ảnh giống nhau như vậy, nhất là khi chúng không liên quan đến họ. Để mọi người tiếp cận được với chia sẻ đó, bạn nên chọn chỉ vài tấm hình và giải thích bằng lời chúng đặc biệt như thế nào đối với bạn trong hoàn cảnh đó.

    Ngược lại, vì sao có những bài viết phải nhận những phản hồi (comment) tiêu cực, thậm chí rất nhiều ý kiến chỉ trích, ném đá?

    Bạn có bao giờ để ý nếu thông tin bạn chia sẻ đặt người xem vào tâm thế hoài nghi và phòng ngự? Bạn có đảm bảo thông tin và các tương tác của bạn không đánh giá hay làm người khác cảm thấy xấu hổ, khó chịu, tồi tệ, cho dù họ có ý kiến trái ngược với bạn? Mạng xã hội tôn trọng quyền phát biểu của tất cả mọi người. “Nếu ai đó đánh giá một câu chuyện trung thực được chia sẻ là đúng hay sai thì sẽ tự đánh mất độc giả hoặc người ủng hộ mình”, Michael Margolis nói.

    Điều đó không có nghĩa là bạn không được phép bày tỏ sự tức giận và lên án cái xấu. Chúng ta là con người nên nhu cầu đó là chính đáng. Khi chia sẻ những khó khăn của bản thân, bạn bè và những người theo dõi sẵn sàng ủng hộ và động viên bạn. Nhưng hãy thận trọng đối với những sự thật khó tiếp nhận, nếu bạn miêu tả tỉ mỉ nó sai trái, tệ hại cỡ nào, và chỉ tập trung vào việc mổ xẻ nó, điều này giống như bạn đặt mình ở vế trên để lên án những người gây ra vấn đề. Thay vào đó, hãy cho mọi người thấy cách bạn đón nhận khó khăn và tích cực vượt qua nó như thế nào.

    Sử dụng ngôn ngữ có tính biến đổi

    Đành rằng chúng ta rất dễ sa đà vào việc chia sẻ thông tin tiêu cực, vì ngày nay chúng quá nhiều và khiến chúng ta quá tải. Tuy nhiên, nhu cầu về sự tích cực giờ đây cấp thiết hơn bao giờ hết! Vì vậy những câu chuyện chúng ta chia sẻ cần gợi mở những cơ hội mới, hoặc gợi ý khả năng hợp tác để tìm ra các giải pháp; bởi chúng ta cần thêm hy vọng và niềm tin.

    Theo Michael Margolis, nếu bạn quá tập trung vào sự tiêu cực thì chính nó sẽ ngăn cản những thay đổi có thể làm cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. “Mỗi vấn đề tiêu cực sẽ có nạn nhân của riêng nó. Việc tập trung vào sự tiêu cực sẽ chỉ thu hút những độc giả tự nhận mình là những kẻ bất lực, hoặc là nạn nhân của hoàn cảnh mà thôi”.

    Một trong những phương pháp hữu hiệu giúp chia sẻ thông tin bớt tiêu cực hơn là sử dụng ngôn ngữ có tính biến đổi. Ví dụ, thay vì nói những câu chỉ khiến người đọc cảm thấy bất an và bế tắc, bạn nên sử dụng từ ngữ có tính linh hoạt nhằm gợi mở các khả năng hành động và suy nghĩ tích cực. Cố gắng đừng đặt mình vào tâm thế của một nạn nhân.

    Việc tăng tính linh hoạt cho thông tin như vậy không những khuyến khích người đọc có động lực kết nối với bạn, mà sẽ giúp tạo ra cả một cộng đồng kết nối tích cực xung quanh bạn.

    Chia sẻ thông tin đòi hỏi lòng dũng cảm

    Michael Margolis cho rằng: Mỗi “cái tôi” của con người đều có nhu cầu được nhìn thấy, được nghe, được an toàn, được công nhận. Nhưng đa số chúng ta đều sợ bị phủ nhận khi thể hiện cái tôi trung thực của mình ở nơi công cộng, như trên mạng xã hội.

    Bạn thường tự hỏi “Mình có thể hiện bản thân quá nhiều không?”, “Mình chia sẻ ngần ấy thông tin đã đủ chưa?”, “Liệu những email này có quá dài với người nhận không?”. Vâng, chúng ta nên cân nhắc tất cả những điều đó, nhưng đồng thời hãy dũng cảm thể hiện cái tôi trung thực! “Nếu bạn không chấp nhận rủi ro thì câu chuyện của bạn không bao giờ sống động!”, Michael Margolis nói.

    Điều quan trọng tiếp theo là bạn nên chọn “điều rủi ro” nào để chia sẻ? Mức độ rủi ro đến đâu? Tập trung vào mục đích nào? Cần những yếu tố nào khác để mọi người tiếp cận được thông tin: sự kiểm chứng thông tin, một cơ hội mở cho vấn đề, hay một lời giải đáp?

    Ví dụ, thông tin đề cập tới một vấn đề xã hội, được chia sẻ bởi một cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng tới công chúng thì việc đảm bảo tính trung thực cho thông tin là rất cần thiết; hoặc sử dụng ngôn ngữ có tính linh hoạt thay thế cho sự xác nhận thông tin. Ví dụ thay vì khẳng định “Hiện tượng đó đang xảy ra”, thì hãy nói “Hãy cảnh giác vì hiện tượng đó có thể xảy ra”.

    “Kể chuyện” luôn mang sứ mệnh đạo đức

    Thời xa xưa, câu chuyện của những tù trưởng hay đạo sĩ đều mang thông điệp đầy ý nghĩa và tốt đẹp, nhằm giáo dục và phát triển cộng đồng. Ngày nay cũng vẫn vậy, sứ mệnh của việc kể chuyện là để cuộc sống tốt đẹp hơn và mang đến cho thế giới sự thay đổi tích cực. Đặc biệt, ở bất cứ thời đại nào chúng ta cũng luôn tìm kiếm những câu chuyện có chiều sâu.

    Vì vậy, khi mỗi chúng ta được trao quyền “kể chuyện”, hãy sử dụng sức mạnh này một cách có trách nhiệm, có ý thức. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ