Bản đồ thế giới đang được vẽ lại bằng công nghệ phức tạp hơn nhiều, nhưng lại không phải để con người xem
Civil Maps và thậm chí Nvidia đang xây dựng loại bản đồ mới chỉ dành riêng cho xe tự lái.
Cả ngành công nghiệp xe hơi và công nghệ đang tập trung vào xe tự lai. Những phương tiện tự lái ở điều kiện nhất định (cấp 3) hoặc trong vị trí địa lý cụ thể (cấp 4) sẽ hiện diện trên nhiều tuyến đường trong khoảng 5 năm nữa.
Tuy nhiên, một chiếc ô-tô có khả năng tự lái hoàn toàn, đi bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào và không phụ thuộc vào tác động của con người (cấp 5) vẫn là mục tiêu còn xa. Để thực hiện được điều đó, xe cần có cơ chế xác định vị trí trên thực tế với độ chính xác cao hơn nhiều công nghệ GPS hiện nay.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, các hãng xe hơi như BMW, Audi, Mercedes-Benz và Ford đã rút hầu bao để đầu tư vào những công ty như Here và Civil Maps để xây dựng nền tảng và thu thập dữ liệu. Họ sẽ dựng lên các tấm bản đồ 3D với độ chi tiết cực kỳ cao về mạng lưới đường xá. Đồng thời, chúng được cập nhật liên tục trong quá trình phương tiện di chuyển trên đường.
Dự án HD Live Map
Sanjay Sood, Phó chủ tịch phụ trách mảng xe tự động của Here cho biết, công ty đã bắt tay xây dựng bản đồ HD (Here and Dailmler) vào năm 2013. “Ý tưởng về tấm bản đồ HD được đưa ra trong dự án ‘Birth of Benz’ hợp tác giữa Here và Dailmler. Chúng tôi đã phát triển một công nghệ cốt lõi và bản đồ HD dưới dạng nguyên mẫu để nghiên cứu nhằm giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lái xe ở vùng nông thôn của Đức. Nói đến xe tự động, bản đồ trở thành yếu tố quan trọng giúp xe đưa ra quyết định riêng”, Sood chia sẻ.
Để làm được điều đó, Here sử dụng một đội xe chuyên dụng trang bị cảm biến độ phân giải lên đến 96 megapixel, máy quét Velodyne LIDAR và hệ thống định vị toàn cầu vi sai với độ chính xác rất cao. Tất cả các xe sẽ di chuyển để ghi lại hình ảnh đường và môi trường xung quanh dưới dạng 3D rồi gửi lên hệ thống đám mây của Here. Từ đây, dữ liệu được xử lý để bóc tách đối tượng cụ thể.
“Bắt đầu từ năm ngoái, chúng tôi tập trung lập hệ thống mạng lưới đường và dự kiến hoàn thành sớm tấm bản đồ để phục vụ cho các phương tiện tự lái trong năm 2020”, Sood cho biết.
Tương tự, Civil Maps vừa mới công bố Atlas DevKit, một giải pháp “bật nút lên và chạy” cho khách hàng. Sravan Puttagunta, đồng sáng lập và là CEO Civil Maps cho biết: “Thách thức lớn nhất cho những người muốn thử nghiệm và phát triển công nghệ xe tự lái nằm ở việc chi tiết hóa bản đồ, tạo lập và kêu gọi cộng đồng cùng hoàn thiện bản đồ. Nền tảng Atlas DevKit sẽ giúp các nhà phát triển tăng tốc trong việc sớm định vị hiệu quả phương tiện, xây dựng mạng lưới bản đồ chi tiết và huy động cộng đồng chia sẻ thông tin ở thời gian thực”.
Cập nhật những thay đổi
Để liệt kê đầy đủ các yếu tố liên quan trên một tấm bản đồ dùng cho xe tự lái thì không thể chỉ dựa vào công nghệ đơn thuần, nó còn cần sự hợp tác của người dân để liên tục cập nhật những thay đổi trên đường. Nhờ thế, các xe đi sau có thể xử lý tốt tình huống.
Here có một vài cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề đó. “Chúng tôi có hàng trăm chiếc xe lập bản đồ trải đều trên toàn thế giới. Chúng tôi có nhiều mối quan hệ mật thiết với giới chức các thành phố và khu vực. Vì vậy, ví như khi có một dự án sắp được tiến hành, chúng tôi sẽ nắm bắt ngay thông tin và trong một số trường hợp, chúng tôi có thể điều xe đến đó trước khi các tuyến đường được thông xe”, Sood giải thích. Đó là cách Here cập nhật những con đường mới.
Một giải pháp nữa mang tính hiệu quả cao là sử dụng các cảm biến trên những chiếc xe sử dụng bản đồ HD. “Ngày nay, nhiều loại xe cao cấp không chỉ trang bị kết nối LTE mà còn có bộ cảm biến tiên tiến, máy ảnh, radar trước sau và chúng tôi đang làm việc với nhiều OEMs (các nhà sản xuất gốc) để thu thập dữ liệu từ đó lên đám mây”, Sood chia sẻ. Điều đó đồng nghĩa, hàng triệu dữ liệu về các địa điểm sẽ được cập nhập liên tục trên hệ thống của Here để phục vụ tốt nhất cho việc di chuyển.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với lượng dữ liệu lớn được tải lên từ nhiều phương tiện thì làm sao để kết nối chúng lại thành một khối thống nhất? Sood tiết lộ, Here có những kỹ năng chuyên môn đặc biệt sẽ xử lý hiệu quả bài toán này.
Giải pháp thông minh
Nvidia không chỉ chuyên sản xuất GPU, họ còn rất sành sỏi trong lĩnh vực máy học sâu và mạng lưới nơ-ron nhân tạo. Đây đều là những công nghệ đang được áp dụng vào mảng xe tự lái và công ty đang làm việc với Here, cũng như TomTom, Baidu và Zenrin để lập bản đồ và xây dựng nền tảng đám mây. “Bản đồ HD rất cần thiết cho xe tự lái. Đây là việc áp dụng công nghệ học sâu cho hệ thống lập bản đồ điện toán đám mây của chúng tôi, giúp đẩy nhanh quá trình triển khai xe tự lái của các nhà sản xuất ô-tô”, Jen-Hsun Huang, sáng lập viên và CEO Nvidia chia sẻ.
Công nghệ của Nvidia, cùng với Intel, sẽ tăng tính hiệu quả trong việc xử lý dữ liệu tải lên. “Chúng tôi đang phát triển một nền tảng tính toán cho ô-tô để tự tìm ra những thay đổi. Một khi chiếc xe đã tích hợp bản đồ, chúng có thể đối chiếu thông tin ghi nhận được với dữ liệu sẵn có, từ đó tìm ra điểm khác biệt mới nhất. Vì vậy, chương trình sẽ chỉ gửi lên đám mây những thay đổi đó của cung đường hoặc môi trường”, Sood cho biết.
Cả thế giới đang dõi theo những tiến bộ của ngành công nghiệp xe tự lái. Ước mơ về một mạng lưới giao thông an toàn, thông minh và tiện lợi đang đến rất gần. Trong đó, thành công có đóng góp rất lớn của các nhà tạo lập bản đồ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming