Bạn luôn cảm thấy bị theo dõi dù chẳng ai nhìn mình? Khoa học đã có lời giải cho hiện tượng này

    Long.J,  

    Bạn có cảm giác ai đó đang theo dõi mình nhưng không biết tại sao? Lời giải nằm ở các giác quan, đặc biệt là thị giác - nó có thể hoạt động theo những cách vô cùng bí ẩn.

    Có điều gì đó khiến bạn quay lại và thấy ai đó đang nhìn mình. Có thể trên một chuyến tàu tấp nập, hay vào ban đêm, hay khi bạn đang đi dạo trong công viên. Làm thế nào bạn biết được rằng có người đang nhìn mình? Có vẻ như đó là phần trực giác tách biệt với các giác quan của bạn, nhưng thật ra thị giác của bạn có thể hoạt động theo nhiều cách vô cùng bí ẩn.

    Nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng khi ta nhìn một thứ gì đó, các tín hiệu truyền đến vỏ não thị giác giúp ta có thể nhìn thấy thứ đó, nhưng thực tế thì lại không như vậy.

    Một khi thông tin rời khỏi mắt bạn, nó đi qua ít nhất là 10 vùng não khác nhau, mỗi vùng đều có chức năng riêng. Nhiều người trong chúng ta đã biết đến vỏ não thị giác, một vùng não lớn nằm ở vùng phía sau của não và là vùng não được các nhà thần kinh học quan tâm nhiều nhất.

    Vỏ não thị giác hỗ trợ thị giác của ta, xử lý màu sắc và các chi tiết tạo nên hình ảnh về thế giới mà ta đang sống. Nhưng những phần khác của não cũng đang xử lý những thông tin khác nhau, các quá trình này có thể hoạt động ngay cả khi ta không tiếp nhận thông tin một cách có ý thức.

    Những người trải qua chấn thương thần kinh có thể hiểu được cơ chế này. Khi vỏ não thị giác bị tổn thương sau một tai nạn, thì thị giác của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu mất hoàn toàn phần vỏ não thị giác thì bạn cũng sẽ mất luôn chức năng thị giác, mà theo các nhà thần kinh học thì bạn sẽ bị “mù vỏ não”.

    Tuy nhiên, khác với việc mất đi đôi mắt, mù vỏ não chỉ là gần như mù - những phần thị giác không liên quan đến vỏ não vẫn có thể hoạt động. Dù bạn không thể có cái nhìn chủ quan về bất cứ thứ gì mà không cần vỏ não thị giác, nhưng bạn vẫn có thể phản hồi lại những thứ bạn thấy nhờ những vùng khác của não nói trên.

    Bạn đã bao giờ bước đi trong nơi tối tăm và có cảm giác như mình đang bị theo dõi?

    Vào năm 1974, nhà nghiên cứu tên Larry Weiskrantz đã đặt ra thuật ngữ “thị lực mù” (blindsight) cho hiện tượng mà bệnh nhân vẫn có thể phản hồi lại kích thích thị giác, mặc dù đã mất thị lực do vỏ não thị giác bị hủy hoại.

    Những bệnh nhân này không thể đọc hay xem phim hoặc làm bất cứ thứ gì cần họ nhìn rõ chi tiết, nhưng nếu được yêu cầu đoán thì họ có thể xác định được ánh sáng phía trước tốt hơn hẳn. Những vùng não thị giác khác có thể phát hiện ánh sáng và cung cấp thông tin về vị trí, bất kể vỏ não thị giác có còn hoạt động hay không. Các nghiên cứu khác cho thấy những người này có thể xác định được cảm xúc trên gương mặt và những chuyển động mờ.

    Mới đây nhất, một nghiên cứu ấn tượng với một bệnh nhân có thị lực mù cho thấy cách mà ta có thể cảm nhận là mình đang bị theo dõi, dù không cần thấy đối mặt với người đang theo dõi mình. Alan J Pegna ở Bệnh viện Đại học Geneva Thụy Điển và các cộng sự đã làm việc với một người đàn ông tên TD (biệt hiệu giúp đối tượng trong các nghiên cứu khoa học ẩn danh). TD vốn là một bác sĩ bị đột quỵ, từ đó mất đi vỏ não thị giác, khiến ông bị mù vỏ não.

    Số người mắc phải chứng này rất hiếm, do đó TD đã tham gia vào một loạt các nghiên cứu để tìm hiểu chính xác xem con người có thể và không thể làm gì nếu không có vỏ não thị giác. Thí nghiệm bao gồm việc xem các tấm ảnh chụp khuôn mặt chính diện, hoặc nhìn nghiêng. TD làm thí nghiệm này khi đang ở trong máy fMRI giúp đo hoạt động của não trong suốt thí nghiệm, đồng thời ông cố gắng đoán xem mình đang nhìn thấy khuôn mặt nào. Rõ ràng là với một người có thị lực bình thường thì nhiệm vụ này không có gì khó - bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng về từng khuôn mặt, nhưng hãy nhớ rằng TD không có nhận thức về thị giác. Ông không nhìn thấy gì cả.

    Kết quả từ máy fMRI (cộng hưởng từ) cho thấy não người có thể rất nhạy với những gì mà nhận thức của ta không thể cảm nhận được. Một vùng được gọi là amygdala (hạch hạnh nhân), mà trước kia người ta cho là nó giúp xử lý thông tin về cảm xúc và các thông tin liên quan đến khuôn mặt, trở nên nhạy hơn khi TD nhìn những khuôn mặt đang nhìn thẳng chứ không phải nhìn nghiêng. Khi TD được theo dõi, hạch hạnh nhân (khối màu xám hình lục giác ở mỗi bán cầu não, liên quan đến chức năng cảm xúc) của ông phản hồi, mặc dù ông không biết gì cả.

    Bạn không bắt gặp người đang nhìn mình nhưng cảm thấy sự hiện diện của họ

    Thị lực chủ động vẫn là số một. Nếu bạn muốn nhận ra từng người, xem phim hay đọc những con chữ trong bài viết này thì bạn phải nhờ đến vỏ não thị giác. Nhưng các nghiên cứu như trên lại cho thấy rằng vài chức năng đơn giản hơn và có lẽ là quan trọng hơn giúp ta sinh tồn, nó tồn tại tách biệt với ý thức thị giác của ta.

    Cụ thể hơn, nghiên cứu này cho thấy rằng ta có thể nhận ra là có người đang nhìn mình dù ta không cố tình chú ý đến họ. Điều đó cho thấy vai trò của phần não chịu trách nhiệm cho cảm giác làm ta cảm thấy mình đang bị theo dõi.

    Vậy khi bạn đang đi trên một con đường tối và khi quay người thì bạn thấy có ai đó đang đứng ở đằng xa và thấy có ai đó đang nhìn mình, thì đó có thể là vì hệ thống thị giác vô thức đang theo dõi môi trường xung quanh trong lúc bạn chủ động để ý đến những thứ khác.

    Đây có thể không phải là siêu năng lực, nhưng chắc chắn là nó cho thấy rằng bộ não người hoạt động theo nhiều cách bí ẩn.

    Theo BBC Future

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ