Bạn sẽ khó phân biệt được ảnh chụp từ Galaxy S hay iPhone trong tương lai, nhờ công nghệ cảm biến ấn tượng này
Công nghệ cảm biến hình ảnh mới hứa hẹn sẽ mang lại màu sắc trung thực cho các bức ảnh chụp bằng ống kính smartphone.
Trong thị trường điện thoại thông minh đầy rẫy những sự cạnh tranh khốc liệt và chụp ảnh luôn là một trong các “chiến trường” ác liệt nhất. Bên cạnh những mong muốn vô độ của người dùng về dung lượng pin, độ bền, không gian lưu trữ và tốc độ xử lý tốt hơn, thì chất lượng camera luôn được xếp hạng là một trong các yếu tố chính khi chọn mua điện thoại.
Tuy nhiên từ lâu, người dùng và giới công nghệ đã phần nào tách biệt chất lượng chụp hình của các dòng điện thoại cao cấp thông qua các đặc trưng như tông màu hay nhiệt độ màu từ bức ảnh thành phẩm.
Nhưng trong tương lai, sự khác biệt đó có thể sẽ không còn nữa. Bởi đầu năm nay, Spectricity, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bỉ, đã tiết lộ một công nghệ cảm biến mới mang cái tên vô cùng đơn giản, S1.
Spectricity tuyên bố S1 là một cảm biến quang phổ hình ảnh thực được thu nhỏ và sản xuất hàng loạt đầu tiên dành cho thiết bị di động. Và công ty không ngại tuyên bố đang nhắm mục tiêu thống trị lĩnh vực này. Trong vòng hai năm tới, Spectricity mạnh dạn dự đoán cảm biến của họ sẽ có mặt trong mọi chiếc điện thoại thông minh.
Sự tự tin của công ty Bỉ bắt nguồn từ một vấn đề trọng tâm duy nhất, đó là việc đo đạc “màu sắc trung thực” trên điện thoại thông minh. Bởi theo Spectricty, đây là điều mà ngay cả những chiếc smartphone tốt nhất hiện nay vẫn chưa thể làm được.
Vấn đề này bắt nguồn từ những thiếu sót trong phần mềm cân bằng trắng đang được các nhà sản xuất smartphone sử dụng trong việc loại bỏ các tông màu không thực tế. Để so sánh, hệ thống tầm nhìn tự nhiên của chúng ta, nói ngắn gọn hơn là đôi mắt, làm điều này rất tốt. Khi chúng ta nhìn thấy một bức tường trắng dưới ánh sáng mặt trời hoặc đèn huỳnh quang, não của chúng ta sẽ điều chỉnh nhiệt độ màu để làm cho trong cả hai cảnh bức tường đều có màu trắng. Điện thoại thông minh đã và đang cố gắng làm điều tương tự, nhưng kết quả thường gây thất vọng.
Bởi bị giới hạn bởi ba kênh màu RGB gồm đỏ, lục và lam, các thuật toán cân bằng trắng tự động của chúng thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ màu và tạo ra các màu sắc không tự nhiên. Đó là lý do tại sao ảnh chụp dưới bóng đèn sợi đốt có thể có màu cam nhiều hơn dưới ảnh chụp dưới ánh sáng mặt trời, còn dưới bóng râm, vật thể có thể trông sẽ xanh hơn.
“Mặc dù có rất nhiều sức mạnh xử lý đằng sau những hệ thống máy ảnh hiện nay, nhưng không cái nào có thể nhận ra màu sắc thực sự”, CEO Spectricity là Vincent Mouret chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, cảm biến S1 sử dụng các bộ lọc bổ sung để phân tích dấu hiệu quang phổ của một đối tượng. Sau khi cảm nhận nguồn sáng trong ảnh, hệ thống sẽ hiệu chỉnh màu sắc sao cho phù hợp.
Trong bản demo của Spectricity, công ty đã so sánh trực tiếp ảnh do cảm biến S1 tạo ra với ảnh chụp bằng camera của những chiếc smartphone cao cấp nhất. Mặc dù kết quả không phải lúc nào cũng giống với thực tế, nhưng màu sắc trên các bức ảnh tạo bởi S1 có sự nhất quán hơn nhiều dưới các nguồn sáng khác nhau.
Kỹ sư ứng dụng của công ty, Michael Jacobs cho biết: “Với giải pháp của chúng tôi, bạn có thể có cùng màu sắc bất kể chụp dưới điều kiện ánh sáng như thế nào.”
Tham vọng về ứng dụng của cảm biến này thậm chí còn vượt ra ngoài những bức ảnh đẹp. Spectricity hình dung việc sử dụng cảm biến cho lĩnh vực bán mỹ phẩm từ xa, thương mại điện tử, xác minh ID, phân tích sức khỏe làn da và thậm chí cả làm vườn thông minh.
Một thành phần quan trọng của các kế hoạch này là khả năng hiển thị tông màu da. Máy ảnh trên các điện thoại thông minh từ lâu đã cho thấy chúng không tốt trong việc hiển thị làn da sẫm màu. Các ứng dụng phân tích da phục vụ mục đích y tế, trang điểm… cũng vì thế bị ảnh hưởng khi ghi nhận kết quả không chính xác. Nhưng S1 với khả năng nhận ra làn da sẫm màu hơn có thể mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ này.
Tất nhiên, những gã khổng lồ trong lĩnh vực smartphone như Apple hay Samsung cũng đang đầu tư mạnh vào việc tạo ra độ trung thực của màu sắc, nhưng Specritity cho biết các đối thủ trong ngành sẽ không thể tạo ra được sản phẩm cạnh tranh với cảm biến S1. Bởi đây là kết quả từ một quá trình nghiên cứu dài hạn và tập trung.
Cụ thể hơn, S1 là một sản phẩm phụ của Trung tâm vi điện tử liên đại học (IMEC), một phòng thí nghiệm nghiên cứu về điện tử nano và công nghệ kỹ thuật số. Mối liên hệ giữa trung tâm này đã giúp công ty khởi nghiệp tích lũy được 19 bằng sáng chế và 66 ứng dụng đang hoạt động, cũng như 13 tiến sĩ trong nhóm nghiên cứu của họ.
Để thương mại hóa những đổi mới công nghệ, Spectricity đã thiết lập một dây chuyền sản xuất khối lượng lớn và hiện đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
S1 hiện được đánh giá bởi các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn. Trong bối cảnh doanh số bán smartphone có xu hướng sụt giảm trên toàn cầu, Spectricity đang đánh cược rằng cảm biến S1 sẽ mang lại cho đối tác của họ một lợi thế không thể cưỡng lại.
Tham khảo TheNextWeb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4