Tại CES 2011, Microsoft đã giới thiệu phiên bản thử nghiệm của hệ điều hành Windows thế hệ mới với điểm nhấn lớn nhất: “Windows hỗ trợ chip ARM”. Câu nói trên tuy đơn giản nhưng bao hàm một ý nghĩa rất lớn – thứ có thể thay đổi cục diện của cả ngành công nghiệp máy tính hiện tại, đặc biệt là thiết bị máy tính bảng đang thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường.
Cái nhìn từ quá khứ và hiện tại
Như chúng ta đã biết, CES 2011 có thể coi là triển lãm của Android, bởi những sản phẩm ra mắt tại đây hầu hết đều hoạt động trên nền tảng do Google phát triển. Dường như, cứ mỗi thiết bị hoạt động với hệ điều hành Windows thì sẽ có 3 thiết bị khác chạy trên Android tương ứng. Có thể trên máy tính xách tay, Windows vẫn là “đại gia”, nhưng ở máy tính bảng, smartphone và thậm chí là các TV, Android mới là số 1.
Điều không may khác đến từ công ty chẳng mấy khi dựa hơi vào CES: Apple. Thành công rực rỡ của
iPhonevà
iPad khiến mọi thứ đều trở nên lu mờ. Cùng với Android – kẻ đang nắm giữ 300.000 dế thông minh trên toàn thế giới, iOS của "Quả táo cắn dở" dường như là những biểu tượng không thể vượt qua (ít nhất là thời điểm hiện tại).
Người ta vẫn còn nói nhiều đến thất bại của Windows Mobile 6.0 và người anh em 6.5. Chỉ đến khi Windows Phone 7 nhập cuộc, ánh sáng cuối đường hầm mới mở ra cho Microsoft trong cuộc cạnh tranh hệ điều hành di động đầy khắc nghiệt. Thế nhưng, khách hàng giờ đây hẳn sẽ chẳng còn muốn thiết bị “một chạm” cảm ứng, và có lẽ là cả những nhà phát triển, những nhà sản xuất cũng không.
Thậm chí, ngay cả khía cạnh ít được chú ý hơn là tiện ích đi kèm như Windows Media Center sẽ chẳng thể nào so sánh được với Google TV hoặc các nền tảng Smart TV mới đang được xây dựng bởi các đại gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Có thể nhận định, tuy hơi phũ phàng, rằng Windows đang thua kém toàn diện.
Hướng đến tương lai
Tất cả những thực tại ấy khiến người ta hướng nhiều đến tương lai của Windows với tiềm năng đã được nhắc đến: “Hỗ trợ ARM”. Nên nhớ, ARM là nền chip xử lý đang nắm giữ tới 95% thị phần smartphone trên thế giới, trong đó có iOS, Android và cả Symbian. Đây cũng là nguyên nhân lớn khiến Microsoft hụt hơi trong cuộc chiến hệ điều hành di động.
Câu chuyện làm người ta nhớ đến tình cảnh của gã khổng lồ những năm trước khi muốn cho Windows XP nghỉ hưu trong khi hệ điều hành Windows Vista đòi hỏi cấu hình quá cao, khiến người dùng tẩy chay, buộc hãng phải nhanh chóng đưa ra Windows 7 để cứu vãn tình thế.
Giờ đây, Windows 7 đã trở thành nền tảng vĩ đại nhất mọi thời đại. ARM cũng là một điều gì đó tương tự, nên hãng lại phải đưa ra một phiên bản Windows mới thích hợp hơn với đòi hỏi đến từ các nhà sản xuất phần cứng. Hơn nữa, ARM cũng đủ hấp dẫn để thay đổi, bên cạnh Android miễn phí mã nguồn mở đang hối thúc sau lưng.
Tất nhiên, xây dựng một nền tảng mới không hề đơn giản. Cần biết rằng Microsoft luôn hướng tới các chiến lược dài hơi, có khi kéo dài đến hàng thập kỷ như những gì Windows XP đã làm được. Vậy nên, phiên bản Windows mới cần phải đủ vững vàng trước sự thử thách của thời gian, và đủ linh hoạt để thích nghi với mọi đổi thay của thị trường.
Chắc chắn, cái giá phải trả là rất lớn, bởi lẽ chính Microsoft cũng thừa nhận rằng các phần mềm hoạt động trên nền x86 cũ khó có thể duy trì được hiệu suất tối đa trên nền ARM mới. Nghĩa là, gã khổng lồ cần duy trì song song hai nền tảng, gấp đôi công việc, gấp đôi rủi ro mà thành công không hề được đảm bảo.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định lợi thế do ARM mang lại: Đó là nhà vô địch trong việc kéo dài thời lượng pin mà x86 sẽ còn lâu mới sánh được. Điều đó đến từ khả năng tích hợp GPU trong CPU tuyệt vời của hệ thống. Mặc dù Intel với nền x86 cũng đang bắt đầu để tâm đến khía cạnh này, nhưng dẫu sao, ARM cũng đã đi trước một bước.
Hơn thế nữa, không chỉ đủ nhanh cho các dòng smartphone, ARM cũng sẽ trở nên “ghê gớm” trong tương lai với máy tính để bàn bởi hiệu suất cực cao. Chính NVIDIA cũng đã công bố dự án có tên Denver với những mở rộng xoay xung quanh nền tảng chip này. Có thể nói, đại gia Intel cũng đang dần run sợ trước sức mạnh đến từ nền tảng ARM.
Đã đủ chưa?
Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra bây giờ là: Khi tất cả các nền tảng đều hỗ trợ ARM thì yếu tố nào sẽ quyết định sự thành công? Câu trả lời có lẽ (hoặc chắn chắn) nằm ở khía cạnh hình thức và giao diện người dùng (User's Interface – UI). Trước hết, các bo mạch của ARM là rất nhỏ, bởi vậy các thiết bị siêu mỏng mới có đất diễn, mà tiêu biểu là các dòng máy tính bảng.
Đúng vậy, Windows 7 đã tham gia vào tablet PC, song nền tảng trở nên cồng kềnh, hao tốn pin và thực sự trì trệ. Thứ mà khách hàng đòi hỏi ở máy tính bảng không quá nhiều. Họ chỉ cần đẹp, đủ mạnh để vào Youtube, email, lướt web và cập nhật Facebook. Vậy nên phải chăng hệ điều hành Windows quá tầm với các thiết bị đang rất “hot” này?
Khía cạnh thứ hai – giao diện người dùng, yếu tố tạo nên sự khác biệt. Hãy thử tưởng tượng, bạn mua một smartphone mỏng rất đẹp. Thế mà khi sử dụng, thiết bị khiến bạn cảm thấy phát ngán bởi thao tác làm việc quá rắc rối và không hề thân thiện. Đó chính là điểm yếu chết người mà Microsoft đang vấp phải với Windows Phone 7 bởi tính linh hoạt của hệ thống thực sự không được đánh giá cao.
Tổng kết lại, Windows thế hệ kế tiếp (có thể không được gọi là Windows 8) được phát triển hướng nhiều hơn tới các thiết bị di động và tương lai của máy tính để bàn sử dụng nền chip ARM. Thế nên, hệ thống cần phải chú ý nhiều tới yếu tố hình thức, đơn giản và đủ linh hoạt để thay đổi.
Hãy nhìn Google, Apple và số lần cập nhật hệ điều hành mới của họ để thấy các thiết bị di động “khó chiều” đến nhường nào. Do đó, Microsoft sẽ cần phải thích nghi với những vấn đề vốn không phải là điểm mạnh của mình. Windows mới hỗ trợ ARM là một điều hay, nhưng chỉ hay thì vẫn chưa đủ.