'Bán xẻng trong cơn sốt đào vàng': Giải mã cách Nvidia 1 mình hốt bạc từ hiện tượng ChatGPT, trở thành công ty nghìn tỷ USD

    Thu Hương, Nhịp sống thị trường 

    Với giá trị vốn hóa vừa chạm mốc 1.000 tỷ USD trong phiên 30/5, Nvidia trở thành công ty chip có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

    Năm 2022, nhà sản xuất chip đến từ nước Mỹ Nvidia ra mắt H100, một trong những con chip mạnh nhất mà hãng từng sản xuất. Đây cũng là một trong những con chip đắt nhất, có giá khoảng 40.000 USD mỗi chiếc. Tuy nhiên, Nvidia dường như đã tính toán sai thời điểm. H100 được tung ra đúng lúc các doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm chi tiêu để đối phó với lạm phát.

    Nhưng vào cuối năm đó, vận may đã đến. Tháng 11, ChatGPT xuất hiện.

    Năm ngoái là 1 năm khá khó khăn, nhưng tình hình đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau 1 đêm”, CEO của Nvidia, Jensen Huang chia sẻ. Chatbot nổi tiếng của OpenAI thực sự là “khoảnh khắc aha” ngay lập tức tạo ra nhu cầu khổng lồ.

    Trên khắp thế giới, bỗng nhiên tất cả mọi người đều nói về ChatGPT và điều đó đã thổi bùng lên một cuộc “chạy đua vũ trang” giữa những công ty công nghệ hàng đầu thế giới cũng như các startup. Đó là cuộc chạy đua để trang bị H100, thứ mà Huang miêu tả là “con chip máy tính đầu tiên của thế giới được thiết kế cho AI tạo sinh”.

    Giá trị của việc đúng sản phẩm, đúng thời điểm đã được chứng minh rất rõ ràng trong tuần trước. Nvidia đưa ra dự báo doanh thu của quý II sẽ là 11 tỷ USD, cao hơn 50% so với dự đoán được các chuyên gia phân tích của phố Wall đưa ra trước đó. Nguyên nhân là nhờ nhu cầu rất mạnh đối với các con chip AI và nhu cầu chi tiêu cho trung tâm dữ liệu của các Big Tech đang hồi phục trở lại.

    'Bán xẻng trong cơn sốt đào vàng': Giải mã cách Nvidia 1 mình hốt bạc từ hiện tượng ChatGPT, trở thành công ty nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

    Chỉ trong phiên 25/5, giá trị vốn hóa của Nvidia đã tăng thêm 184 tỷ USD vì giá cổ phiếu tăng dựng đứng. Với giá trị vốn hóa vừa chạm mốc 1.000 tỷ USD trong phiên 30/5, Nvidia trở thành công ty chip có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

    Gernerative AI (AI tạo sinh) là bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo, mà theo đó hệ thống AI có thể tạo ra các văn bản, hình ảnh và nội dung với phong cách tự nhiên như con người. Đặc điểm khiến AI tạo sinh khác với thế hệ cũ là có thể tạo ra nội dung mới thay vì phân tích hay hành động dựa trên những lập trình có sẵn.

    Con chip của Nvidia cháy hàng

    Nvidia hưởng lợi lớn từ sự nổi lên của AI tạo sinh, công nghệ được kỳ vọng sẽ định hình lại mọi ngành, thúc đẩy năng suất gia tăng mạnh mẽ và có thể khiến hàng triệu việc làm biến mất. Và bước nhảy vọt về công nghệ của AI tạo sinh sẽ được tăng tốc hơn rất nhiều bởi H100, thứ đột nhiên trở thành mặt hàng “hot” nhất ở thung lũng Silicon hiện nay.

    Huang cho biết Nvidia chỉ vừa mới bắt đầu sản xuất H100 trên quy mô lớn ở thời điểm vài tuần trước khi ChatGPT ra mắt. Sở dĩ ông tự tin rằng Nvidia có thể tiếp tục hưởng lợi một phần là bởi vì công ty có thể hợp tác với TSMC để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ từ những ông lớn như Microsoft, Amazon, Google và Meta.

    Một số khách hàng đã đợi tới 6 tháng để nhận được vài nghìn con chip H100. Những con chip này được sử dụng để “đào tạo” các mô hình dữ liệu quy mô rất lớn. Nhiều startup lĩnh vực AI đang lo ngại về tình trạng khan hiếm chip H100.

    Elon Musk, người đã mua vài nghìn con chip của Nvidia cho dự án khởi nghiệp mới về AI của ông là X.ai, mới đây phát biểu rằng ở thời điểm hiện tại thậm chí các bộ xử lý đồ họa GPU “còn khó kiếm hơn cả chất kích thích”.

    Những con chip H100 ngày càng được ưa chuộng trong các Big Tech như Microsoft và Amazon (những công ty đang xây dựng các trung tâm dữ liệu hoàn toàn tập trung vào AI) và các startup chuyên về AI tạo sinh (như OpenAI, Anthropic, Stability Ai và Infection AI). Bởi vì con chip này có hiệu suất rất cao, giúp rút ngắn chi phí đào tạo AI hoặc đẩy nhanh tốc độ phát triển và ra mắt sản phẩm.

    Thời điểm quyết định từ 20 năm trước

    Trong khi H100 được tung ra vào thời điểm lý tưởng, những đột phá của Nvidia trong lĩnh vực AI có nguồn gốc từ gần 2 thập kỷ trước, khi công ty này quyết định tập trung vào phần mềm thay vì silicon.

    Được tạo ra năm 2006, phần mềm Cuda của Nvidia cho phép gia tăng tốc độ hoạt động của các GPU khi xử lý các công việc ngoài đồ họa. Bước ngoặt xảy ra vào khoảng năm 2012, khi các nhà nghiên cứu ở Canada phát hiện ra rằng GPU phù hợp một cách hoàn hảo để tạo ra các mạng nơ ron nhân tạo (neural network), 1 dạng AI mô phỏng theo cách các nơ ron thần kinh tương tác trong bộ não con người và là bước đột phá mới trong tiến trình phát triển AI.

    Hiện Nvidia có nhiều kỹ sư phần mềm hơn phần cứng để có thể hỗ trợ đủ thể loại công nghệ liên quan đến AI đã nổi lên trong những năm gần đây cũng như nâng cao hiệu suất của những con chip phục vụ đào tạo các mô hình AI.

    Đối với một số người trong ngành, sự hưng phấn của phố Wall đối với cổ phiếu Nvidia có thể là quá đà. Tuy nhiên, vẫn có 1 sự thật không ai có thể phủ nhận: Nvidia là kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ bước tiến mới của công nghệ AI. 

    Tham khảo Financial Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ