Bằng chứng khoa học mới nhất về “công nghệ” xây kim tự tháp của người Ai Cập cổ cách đây 4.500 năm
Làm cách nào mà người dân Ai Cập cổ thể đưa những khối đá trắng rất nặng và lớn lên cao để tạo nên những biểu tượng kim tự tháp khổng lồ bền vững với thời gian? Họ đã sử dụng một thiết bị đặc biệt nào đó hay có sự trợ giúp của người ngoài hành tinh? Bài toán xây dựng kim tự tháp Ai Cập mà các kỹ sư và nhà khoa học đau đầu trong 4.500 năm qua đã có thêm manh mối qua phát hiện gần đây của một nhóm nghiên cứu quốc tế.
Đó là một hệ thống cầu thang di động tinh vi được tìm thấy tại một mỏ đá thạch anh ở Hatnub trong sa mạc Đông Ai Cập. Theo Howstuffworks, hệ thống cầu thang này có niên đại gần 4.500 năm và có thể đã được dùng để vận chuyển những khối đá trắng khổng lồ đến đúng vị trí ở các dốc đứng trên cao trong quá trình xây dựng kim tự thấp.
Hệ thống này bao gồm một cầu thang trung tâm với hai hàng bậc thang và vô số lỗ cột ở hai bên.
Dấu tích hệ thống cầu thang di động với hai hàng bậc thang ở hai bên vừa được phát hiện ở mỏ đá thạch anh tại Ai Cập gần đây (Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập)
Theo các nhà nghiên cứu, người dân Ai Cập cổ đã dùng một chiếc "thuyền" đặc biệt chuyên dùng để chở các khối đá. Thuyền được gắn vào các cột gỗ bằng dây thừng để có thể kéo các khối đá trắng ra khỏi mỏ đá lên các đoạn dốc đến 20% hoặc cao hơn.
Dù khối đá chất lên thuyền nặng đến 2,5 tấn nhưng những người chuyển đá vẫn có thể tận dụng dây thừng để tiết kiệm công sức và kéo được thuyền lên cầu thang di động.
(Ảnh: Curious facts world)
"Hệ thống loại này chưa từng được tìm ra ở bất kỳ nơi nào khác", Howstuffworks dẫn lời Yannis Gourdon, đồng giám đốc đoàn thám hiểm gồm nhiều nhà khảo cổ đến từ Học viện Pháp về Khảo cổ phương Đông ở Cairo (thủ đô Ai Cập) và đại học Liverpool ở Anh.
Dựa trên các dấu tích và ký tự, độ tuổi của hệ thống cầu thang được xác định là trùng khớp với độ tuổi và việc tuyển quân xây dựng Đại Kim Tự Tháp (Great Pyramid) nơi chôn cất vua Khufu cách đây gần 4.500 năm.
Giả thuyết về việc sử dụng cầu thang di động khi xây dựng kim tự tháp đã từng được các nhà Ai Cập học phỏng đoán. Hệ thống cầu thang mới được phát hiện cho thấy, các khối đá đã được di chuyển với độ dốc cao hơn nhiều các giả định trước đó.
Dù vậy, bởi vì nhóm nghiên cứu vẫn chưa công bố công trình này nên khó mà đánh giá chính xác ý nghĩa của nó, theo giáo sư Kara Cooney chuyên về kiến trúc và nghệ thuật Ai Cập đến từ đại học California (giáo sư Kara Cooney không liên quan đến nghiên cứu này).
Theo đó, việc lấy mỏ đá thạch anh để nói rằng đó là cách các kim tự tháp được xây dựng là hơi cường điệu, bởi vì các kim tự tháp không được xây bằng đá thạch anh.
"Cách mà người Ai Cập cổ cắt và di chuyển đá vẫn còn rất bí ẩn. Chúng ta thật sự chưa rõ cơ chế cắt các tảng đá lớn như granite đỏ, và vẫn chưa biết rõ làm cách nào mà người Ai Cập cổ di chuyển các khối đá nặng hàng trăm tấn lên trên các cạnh kim tự tháp", History dẫn lại lời giáo sư Cooney.
Thạch anh là một loại khoáng chất mềm, khác hẳn với tính chất các khối đá nặng được người Ai Cập dùng trong kết cấu bên ngoài của các kim tự tháp.
Đại Kim Tự Tháp (Great Pyramid) nơi chôn cất vua Khufu được xây dựng cách đây gần 4.500 năm (Ảnh: Mikhail Nekrasov)
Hiện có nhiều lý thuyết khác nhau về các loại cầu thang di động mà người Ai Cập đã dùng để xây dựng kim tự tháp.
Theo giáo sư Cooney., có thể họ đã dùng cầu thang đứng để đi lên các mặt tường bên ngoài kim tự tháp, cầu thang vòng quanh các mặt tường này và cầu thang bên trong kim tự tháp.
Như vậy là, hệ thống cầu thang di động được phát hiện ở mỏ đá thạch anh gần đây chỉ tiết lộ cho chúng ta biết rõ hơn một chút về công nghệ xây dựng kim tự tháp của người Ai Cập, còn cách thức chi tiết như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Đó chính là những bí mật mà "bất kỳ thể chế quyền lực nào cũng sẽ che giấu lâu nhất và tốt nhất có thể" như lời giáo sư Cooney. Người Ai Cập đã cố ý không để lại văn bản nào về việc này.
Đại Kim Tự Tháp (Great Pyramid of Giza)
Dự án xây dựng Đại Kim Tự Tháp của vua Khufu thuộc triều đại thứ tư của Ai Cập được khởi công vào năm 2550 trước công nguyên và hoàn thành sau 20 năm, bao gồm 3 phòng hầm mộ bên trong. Theo National Geographic, ước tính có khoảng 2,5 triệu khối đá nặng từ 2,5-15 tấn được người Ai Cập dùng cho công trình này.
Với chiều cao 147m, Đại Kim Tự Tháp là kim tự tháp lớn nhất trong nhóm các kim tự tháp ở khu lăng mộ cổ trên cao nguyên Giza, Ai Cập và các kim tự tháp ở đất nước huyền bí này.
Đại Kim Tự Tháp cũng là một trong những kim tự tháp lớn nhất thế giới và là công trình kiến trúc cao nhất của thời cổ đại vẫn bền vững với thời gian trong hơn 4.500 năm qua. Do xói mòn nên chiều cao hiện nay của Đại Kim Tự Tháp chỉ còn 136m.
Đại Kim Tự Tháp (kim tự tháp lớn nhất bên phải) trong nhóm các kim tự tháp ở khu lăng mộ cổ cao nguyên Giza nhìn từ trên cao (Ảnh: Barry Iverson)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"