Báo cáo thị trường smartphone quý 2/2022: Các con số phản ánh sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam

    Bảo Nam, toquoc.vn 

    (Tổ Quốc) - Công ty phân tích thị trường Counterpoint Research vừa công bố báo cáo mới nhất về số lượng smartrphone xuất xưởng tại thị trường Việt Nam.

    “Các con số phản ánh sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, với áp lực lạm phát vừa phải và chi tiêu của khách hàng tăng do thị trường đã trở lại bình thường. Các sản phẩm mới ra mắt, cùng với sự ưa chuộng của khách hàng đối với các mẫu thiết bị cao cấp, đã đóng vai trò quan trọng trong các lô hàng điện thoại thông minh quý 2”, báo cáo của Counterpoint Research nhận định.

    Cụ thể, các lô hàng điện thoại thông minh giá rẻ hầu như không thay đổi, thậm chí sụt giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,2 triệu chiếc. Tuy nhiên, smartphone cao cấp (thiết bị được phân loại trên 400 USD) đã tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dòng điện thoại thông minh được thiết kế để chơi game cũng có mức tăng trưởng cao.

    Báo cáo thị trường smartphone quý 2/2022: Các con số phản ánh sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam - Ảnh 1.

    Số liệu về các lô hàng smartphone xuất xưởng trên thị trường Việt Nam.

    Với dòng điện thoại Samsung, mức tăng trưởng gần như không đổi ở 3%. Lý do bởi hãng công nghệ Hàn Quốc đang phải vật lộn với hàng tồn kho vài cắt giảm sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, báo cáo cho biết. Tuy nhiên, việc tung ra các thiết bị tầm thấp đến trung cấp thuộc dòng A và M đã giúp thương hiệu này duy trì thị phần. Các mẫu S series cũng nằm trong số những sản phẩm bán chạy nhất trong danh mục smartphone cao cấp trong quý.

    Còn Oppo là công ty điện thoại Trung Quốc duy nhất đạt mức tăng trưởng dương 25% so với cùng kỳ năm ngoái, do các mẫu thiết bị trung cấp mới ra mắt đã có doanh thu tốt trên thị trường. Còn lại, các thương hiệu khác như Xiaomi, vivo và Realme đã chứng kiến sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do họ phải vật lộn với chi phí hàng tồn kho tăng cao.

    Riêng Apple, có mức tăng trưởng lớn nhất ở mức 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân đơn giản bởi người dùng Việt Nam vẫn ưa chuộng các thiết bị cao cấp. Con số tăng trưởng của Apple cũng một phần nhờ sự mở rộng mảng bán lẻ của hãng tại Việt Nam thông qua các nhà phân phối chính thức, cho phép thương hiệu này mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.

    Báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng thị trường smartphone của Việt Nam đang bị chi phối bởi các kênh ngoại tuyến. Do đó, các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) đang mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ trên khắp cả nước. Trong khi đó, các nhà phân phối lớn cũng đang mở các cửa hàng bán lẻ của các thương hiệu lớn để dẫn dắt doanh số bán hàng, trong đó Samsung và Apple dẫn đầu bảng xếp hạng.

    Báo cáo thị trường smartphone quý 2/2022: Các con số phản ánh sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam - Ảnh 2.

    Nhu cầu điện thoại cao cấp (giá từ 400 USD) tăng trưởng mạnh ở Việt Nam.

    “Người dân Việt Nam đam mê điện thoại thông minh cao cấp”, nhà phân tích nghiên cứu Akash Jatwala cho biết. “Nhóm thiết bị cao cấp (giá hơn 400 USD) đã tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào dòng iPhone 11, iPhone 13 Pro Max và Galaxy S. Bên cạnh đó, Apple gần đây liên tục giảm giá các mẫu iPhone cũ tại Việt Nam, khiến chúng nằm trong top rẻ nhất thế giới. Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường lớn của Apple tại Đông Nam Á”.

    Về lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, các hoạt động đang có dấu hiệu gia tăng và các OEM đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Xiaomi đã bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam với sự hợp tác của DBG Technology. Samsung, công ty sản xuất phần lớn điện thoại thông minh tại Việt Nam, có kế hoạch tăng cường đầu tư trong quá trình mở rộng chuỗi cung ứng. Apple cũng đang thử nghiệm sản xuất Apple Watch và MacBook Pro tại Việt Nam, đồng thời chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc vào Việt Nam trong năm nay.

    Trong nửa cuối năm 2022, Counterpoint Research kỳ vọng quý cuối cùng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lô hàng xuất xưởng. Cụ thể, báo cáo nhận định hiện tại Việt Nam đang thoát khỏi các vấn đề vĩ mô lớn và không có nhiều áp lực lạm phát, ngay cả khi các hoạt động sản xuất đang gia tăng. Nhưng trong nửa cuối năm, nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề vĩ mô ở một mức độ nào đó, ví dụ như tác động của việc tăng giá nguyên vật liệu do áp lực lạm phát toàn cầu, hay sự ưa thích của người tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng thiết yếu khác. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng do sư ra mắt của mẫu iPhone mới từ Apple và mức chi tiêu lớn của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

    Tham khảo Counterpoint, Appleinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ