Báo cáo từ Harvard: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về ‘công nghệ lõi’ trong vòng 10 năm tới

    Bảo Nam, Theo Pháp luật & Bạn đọc 

    Báo cáo mới từ Harvard cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực AI, 5G, khoa học thông tin lượng tử, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

    Trung Quốc, nước đã soán ngôi Mỹ để trở thành nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới, được dự đoán sẽ tiếp tục - nếu họ chưa vượt qua - nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ tới nhờ các công nghệ nền tảng của thế kỷ 21. Chúng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, khoa học thông tin lượng tử (QIS), chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

    Đây là kết quả dự báo đã được đưa ra trong một báo cáo mới mang tên Cuộc đối đầu vĩ đại: Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21, được công bố bởi Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer tại Trường Harvard Kennedy, tổ chức chính sách công của Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ.

    Báo cáo từ Harvard: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về ‘công nghệ lõi’ trong vòng 10 năm tới - Ảnh 1.

    “Ngày nay, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ về chỉ huy công nghệ đã thu hút sự chú ý của Mỹ”, báo cáo cho biết. “Trong một số cuộc đua, [Trung Quốc] đã trở thành số 1. Ở một số cuộc đua khác, trên quỹ đạo hiện tại, nước này sẽ vượt qua Mỹ trong vòng một thập kỷ tới”.

    Tác giả chính của báo cáo là Graham Allison, hiệu trưởng sáng lập trường Harvard Kennedy, đồng thời là một cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

    Báo cáo trên cũng được cho là đã góp thêm một tiếng nói mới mẻ cho “điệp khúc” đang ngày càng được nhắc nhiều ở Mỹ, cảnh báo nước này hiện có nguy cơ bị thay thế bởi Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới.

     - Ảnh 1.

    Nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới

    Theo báo cáo của Harvard, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới, khi sản xuất 250 triệu máy tính, 25 triệu ô tô và 1,5 tỷ điện thoại thông minh vào năm 2020.

    Vào tháng 10 năm nay, các quan chức tình báo Mỹ đã cảnh báo các công ty công nghệ Mỹ không nên hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực AI, điện toán lượng tử, khoa học sinh học, chất bán dẫn và hệ thống tự trị.

    Cũng trong bản báo cáo của Harvard, Trung Quốc đã là một “đối thủ ngang hàng toàn diện” của Mỹ, trích dẫn câu nói của cựu CEO Google Eric Schmidt. Nó chỉ ra rằng Trung Quốc đang đặt nền tảng trí tuệ cho các lợi thế về AI. Cụ thể, trong lĩnh vực học sâu - lĩnh vực con 'nóng' nhất của AI - Trung Quốc có số công bố bằng sáng chế nhiều hơn Mỹ gấp 6 lần. Theo một đánh giá của Viện Trí tuệ Nhân tạo Allen, dự báo Mỹ sẽ rơi xuống vị trí thứ hai trong top 1% các bài báo về AI được trích dẫn nhiều nhất vào năm 2025.

    Trong công nghệ 5G, gần như tất cả các chỉ số chính đều hỗ trợ để dự đoán rằng Trung Quốc sẽ thống trị lĩnh vực này. Đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 150 triệu người dùng 5G so với 6 triệu của Mỹ; 700.000 trạm gốc 5G so với 50.000 của Mỹ; 460 phổ tần số trong băng tần trung được cấp phép, so với 70 của Mỹ; và tốc độ 5G trung bình 300 Mb/s so với 60 Mb/s của Mỹ.

    Nhưng theo báo cáo, bất chấp lợi thế của Trung Quốc về những con số trên, Mỹ vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh trong nghiên cứu và phát triển, tiêu chuẩn và ứng dụng 5G.

     - Ảnh 2.

    Trong điện toán lượng tử, giao tiếp lượng tử và cảm biến lượng tử - ba lĩnh vực con trong QIS do các nhà nghiên cứu Mỹ vốn vẫn dẫn đầu - “Trung Quốc đang bắt kịp và trong một số trường hợp, đã vượt qua Mỹ”, báo cáo cho biết.

    “Không giống như các cuộc cách mạng công nghệ trước đây diễn ra khi Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo, sự trỗi dậy vượt bậc của Trung Quốc đã cung cấp cho nước này kinh phí và nhân lực để có khả năng dẫn đầu lĩnh vực này”, báo cáo nói.

    Các nhà vật lý Trung Quốc gần đây đã tuyên bố có những bước đột phá trong tính toán lượng tử. Vào tháng 11, một nhóm 14 nhà khoa học Trung Quốc đứng sau siêu máy tính ngoại vi Sunway thế hệ mới đã tạo ra một bước đột phá thu hẹp khoảng cách về cái gọi là siêu lượng tử.

    Về chất bán dẫn, báo cáo dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, đặc biệt về các nút công nghệ trưởng thành.

    Với sự gia tăng gấp ba lần thị phần tiêu thụ chip toàn cầu - từ dưới 20% năm 2000 lên 60% vào năm 2019 - nhu cầu nội địa ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra động lực cho cả thị trường cũng như vấn đề an ninh quốc gia để mở rộng sự quan tâm vào ngành công nghiệp bán dẫn.

    Thực tế không thể phủ nhận

    “Thực tế không thể phủ nhận là tiềm năng trở thành nước dẫn đầu ngành bán dẫn của Trung Quốc không còn có thể bị ngăn cản nữa”, báo cáo cho biết. “Trên quỹ đạo hiện tại, có nhiều khả năng là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hoàn thành mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.”

    Tuy nhiên, báo cáo nhận định Mỹ vẫn giữ quyền kiểm soát các “điểm tắc nghẽn” của chuỗi cung ứng quan trọng, thông qua các công ty như Applied Materials và Lam Research, đang chiếm tới 55% thị phần thiết bị sản xuất chip - so với 2% đối với Trung Quốc - và 85% phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử.

    Còn trong lĩnh vực công nghệ sinh học và năng lượng xanh, báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, được hỗ trợ bởi những nỗ lực gia tăng trong nghiên cứu và phát triển, năng lực sản xuất và các sáng kiến được chính phủ hậu thuẫn. Trong khi Trung Quốc là nhà sản nhà sản xuất khí nhà kính số 1 thế giới, thì nước này cũng là nước đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo.

    Tham khảo SCMP

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày