Bao giờ các nhà khoa học mới điều chế xong vắc-xin cho chủng virus corona mới ở Trung Quốc?
Lẽ ra chúng ta đã có vắc-xin ngay từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tính đến ngày hôm nay, virus gây viêm phổi ở Vũ Hán Trung Quốc đã giết chết 132 người, lây nhiễm cho gần 6.000 người ở quốc gia này và gần 80 người ở 13 quốc gia khác. Các nhà khoa học tại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia, Pháp, Bỉ và mới đây nhất là Hong Kong đã tuyên bố kế hoạch phát triển vắc-xin của mình.
Nhưng liệu việc nghiên cứu và điều chế vắc-xin có kịp hay không? Các con số sẽ còn gia tăng đến bao giờ, trước khi chúng ta có một mũi tiêm chặn đứng sự lây lan của chủng virus corona mới?
Bao giờ các nhà khoa học mới bào chế xong vắc-xin cho chủng virus corona mới ở Trung Quốc?
Một cuộc đua bào chế vắc-xin đang diễn ra
Đây không phải là lần đầu tiên trong thế kỷ 21, các nhà khoa học được giao nhiệm vụ tạo ra một loại vắc-xin giúp nhân loại đối phó với một căn bệnh mới xuất hiện. Năm 2014, chúng ta đã chứng kiến sự bùng phát lớn nhất từ trước đến nay của virus Ebola, trong khi virus Zika lan rộng khắp châu Mỹ vào năm 2016.
Nhưng phải cho tới năm 2019, một loại vắc-xin Ebola đầu tiên mới được phê duyệt trên người. Ngay lập tức, nó đã cho hiệu quả ngăn ngừa cao vào đợt tái bùng phát năm ngoái, khiến mọi người bắt đầu ước rằng chúng ta có thể có vắc-xin Ebola sớm hơn, ngay trong năm 2014.
Thực tế là việc nghiên cứu và điều chế vắc-xin không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tới tận thời điểm bây giờ, vắc-xin Zika vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Nhưng với chủng virus corona mới gây ra bệnh viêm phổi ở Vũ Hán thì sao? Các nhà khoa học sẽ mất bao lâu để có được vắc-xin chống lại 2019-nCoV?
"Chúng tôi đã đang làm việc với nó. Và hy vọng trong khoảng thời gian ba tháng, chúng tôi sẽ có thể bắt đầu thử nghiệm [vắc-xin] giai đoạn I trên người", Mitch Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia tại Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, đã nói với Bloomberg tuần trước.
Giữa tháng 1, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với công ty công nghệ sinh học Moderna để bắt đầu nghiên cứu vắc-xin cho chủng virus cổna mới ở Vũ Hán. Tuần trước, Liên minh Dự bị ứng phó Dịch bệnh Tiên tiến (CEPI) cũng tuyên bố họ đã tài trợ cho ba nhóm các nhà khoa học, bao gồm nhóm ở Moderna, để phát triển các phiên bản vắc-xin chống lại 2019-nCoV.
Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, ngay trong mùa hè này, chúng ta có thể bắt đầu chứng kiến cuộc đua của các ứng cử viên vắc-xin cho virus corona mới khi chúng được đưa vào thử nghiệm.
Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, một số vắc-xin sẽ được thử nghiệm ngay trong mùa hè này
Trong khi đó, tinh chỉnh các vắc-xin dành cho virus cúm cũng là một hướng nghiên cứu được lựa chọn. Tại Đại học Hồng Kông, giáo sư Yuen Kwok-yung trưởng khoa các bệnh truyền nhiễm cho biết ông đã có thể phân lập được virus corona mới từ ca bệnh đầu tiên ở thành phố này.
Bằng cách tinh chỉnh vắc-xin cúm với một phần kháng nguyên bề mặt của virus corona mới, giáo sư Yuen đã tạo ra được một vắc-xin sẵn sàng thử nghiệm trên chuột. Ông cho biết thử nghiệm này sẽ kéo dài vài tháng, và nếu mọi chuyện thuận lợi, sẽ mất tiếp chừng 1 năm thử nghiệm trên người nữa trước khi vắc-xin được chính thức phê duyệt và đưa vào sử dụng.
Tại tâm dịch bệnh, Trung Quốc đại lục, Tân Hoa Xã báo cáo rằng Bệnh viện Đông Thượng Hải của Đại học Tongji đã khẩn trương phê duyệt một dự án phát triển vắc-xin cho chủng virus corona mới. Công việc sẽ diễn ra dưới sự hợp tác cùng Stemirna Therapeutics, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Thượng Hải.
Giám đốc điều hành của công ty, Li Hangwen cho biết họ không cần quá 40 ngày để sản xuất các nguyên mẫu vắc-xin, sau đó có thể được gửi đi xét nghiệm và đưa đến các phòng khám lâm sàng ngay khi có thể.
Mặc dù vậy, giáo sư Yuen tỏ ra nghi ngờ về những mốc thời gian này. Ông nói rằng các vắc-xin khẩn cấp mà các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển nhiều khả năng dựa trên virus corona được làm bất hoạt, có thể bằng cách nuôi cấy trong đĩa thí nghiệm nhiễm hóa chất hoặc phóng xạ.
Và điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó, người được tiêm vắc-xin có thể bị nhiễm bệnh từ chính vắc-xin mình được tiêm, cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Để thử nghiệm một loại vắc-xin an toàn hơn, người ta sẽ phải tiêm nó vào động vật để xem vắc-xin có tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hay không, giáo sư Yuen nói. Động vật đã được tiêm phòng sau đó sẽ được cho tiếp xúc với virus để xem chúng có được bảo vệ hay không.
"Nếu một loại vắc-xin có vẻ hiệu quả và an toàn cho động vật, nó sẽ đi vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Giai đoạn này nhanh nhất cũng mất một năm, ngay cả trong thời điểm khẩn cấp", giáo sư Yuen nói.
Giáo sư Yuen Kwok-yung trưởng khoa các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hongkong
Lẽ ra chúng ta đã có vắc-xin ngay từ khi dịch bệnh bùng phát
Nếu bất kỳ vắc-xin dành cho chủng virus corona mới nào trong số các kế hoạch kể trên thành công, nó cũng sẽ tạo nên một kỳ tích, một kỷ lục nhanh nhất giữa thời điểm chúng ta phát hiện ra một căn bệnh mới và tìm ra vắc-xin chống lại nó.
Điều này phản ánh tốc độ minh bạch hóa thông tin của Trung Quốc, cũng như sự hợp tác của cả cộng đồng khoa học trên toàn thế giới, để cùng chống lại một kẻ thù chung.
Trong khoảng thời gian rất nhanh, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc chính thức tuyên bố dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, các nhà khoa học nước này đã giải nén thành công bản thiết kế di truyền, hay bộ gen của chủng virus corona mới.
Toàn bộ thông tin đã được chia sẻ với cộng đồng y tế và khoa học thế giới. Sự minh bạch đó đã cho phép các nhà nghiên cứu ở khắp mọi nơi nhanh chóng nghiên cứu quá trình xâm nhập cơ thể người của virus và bắt đầu tìm cách tạo ra một loại vắc-xin ngăn chặn nó.
Nhưng Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor ở Texas cho biết: Các cuộc chạy đua điều chế vắc-xin này vẫn phản ánh bản chất "nước đến chân mới nhảy" của hệ thống y tế hiện nay.
"Chúng ta hiện đang có hai lỗ hổng lớn trong hệ thống vắc-xin. Một là vắc-xin cho các bệnh có khả năng gây đại dịch như Ebola hoặc SARS, và hai là vắc-xin cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên", ông nói với Gizmodo. "Nguyên nhân là do cả hai loại vắc-xin này đều không có xu hướng [tạo ra lợi nhuận để] kiếm tiền".
Virus corona mới ở Vũ Hán được ký hiệu là 2019-nCoV.
Trở lại vài năm trước đây, Hotez và nhóm của ông đã dành ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu vắc-xin chống lại virus SARS, một chủng cùng gia đình với virus Vũ Hán ở thời điểm hiện tại. Họ đã thành công với thử nghiệm trên chuột, vắc-xin đã giúp ngăn chặn virus SARS.
Vào năm 2017, Hotez đã công bố nghiên cứu cho thấy nhóm của ông có thể sản xuất vắc-xin hàng loạt bằng nấm men, như một cách dễ dàng và an toàn để ngăn chặn dịch bệnh.
Nhưng công việc cuối cùng chỉ dừng lại ở đó. Nghiên cứu của Hotez sử dụng nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách Hoa Kỳ, được tài trợ thông qua Viện Y tế Quốc gia (NIH). Khi ông có ý định theo đuổi hướng nghiên cứu sâu hơn và sản xuất vắc-xin hàng loạt, chính phủ Mỹ đã từ chối tài trợ cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.
Trên thực tế, vắc-xin SARS có vẻ không còn cần thiết vào thời điểm đó. Năm 2002, đại dịch SARS bùng nổ trên khắp thế giới đã lây nhiễm hơn 8.000 người và giết chết gần 800 người trong số họ. Các ca tử vong chủ yếu là ở Trung Quốc, giới hạn trong khoảng thời gian 6 tháng. Rồi từ đó, SARS đã không được báo cáo kể từ tháng 7 năm 2003. Chủng virus này có khả năng đã tuyệt chủng.
Mặc dù vậy, đợt bùng phát tại Vũ Hán năm nay cho thấy, ngoài kia còn có rất nhiều chủng virus corona khác giống như SARS, có khả năng nhảy từ động vật sang người và gây ra những đại dịch bệnh.
Nếu những nghiên cứu của Hotez tiếp tục được tài trợ, dù nó không có tính thực tiễn trong ngắn hạn, ông cho biết chúng ta sẽ có được một hệ thống phát triển vắc-xin chủ động. Trung Quốc và cả thế giới sẽ được trang bị tốt hơn nhiều, trong số đó có các vắc-xin để chống lại chủng 2019-nCoV này.
"Đó là một trong những nuối tiếc lớn của chúng tôi. Khi đại dịch SARS chấm dứt, không ai muốn đầu tư vào vắc-xin SARS. Vì vậy, trong ba, bốn năm qua, các mẫu vắc-xin đã bị bỏ lại trong những chiếc tủ đông", Hotez nói. "Nếu chúng ta có một hệ thống dự đoán tốt hơn, những vắc-xin đó đã có thể trải qua tất cả các thử nghiệm an toàn cần thiết, và có khả năng sẵn sàng được thử nghiệm ngay từ đầu [khi dịch bệnh ở Vũ Hán bùng phát]".
Thời gian tính từ khi dịch bệnh bùng phát cho tới thời điểm vắc-xin được thử nghiệm giai đoạn I của 4 dịch bệnh gần đây.
Mặc dù vậy, ngay cả khi nghiên cứu của Hotez chỉ dừng lại ở thử nghiệm trên chuột, công việc của ông và nhóm mình đã làm không hề bị lãng phí. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng virus Vũ Hán rất giống với SARS về mặt di truyền.
Sự gần gũi đó hy vọng sẽ giúp các loại vắc-xin được phát triển trước đây dành cho SARS cũng hiệu quả với virus corona mới. Hotez cho biết ông đã đàm phán với NIH và các cơ quan liên bang khác ở Mỹ để khởi động lại nghiên cứu của nhóm mình.
Và ông tin rằng mình có thể bắt đầu công việc ngay lập tức nếu có thể, nhóm của ông đang cách không quá xa một loại vắc-xin có thể thử nghiệm an toàn trên người. "Nếu chúng tôi bắt đầu ngay từ bây giờ và mọi chuyện thuận lợi, chúng tôi sẽ chỉ mất vài tuần, cùng lắm là vài tháng để tới được thử nghiệm lâm sàng, rồi tới điểm có thể thu thập được kết quả thử nghiệm an toàn trên bệnh nhân", Hotez cho biết.
Điều này cho thấy rằng chúng ta cần đánh giá nghiêm túc việc tài trợ cho các dự án khoa học, ngay cả khi chúng chưa đem lại lợi ích ngắn hạn trước mắt. Và chúng ta cũng cần vá những lỗ hổng trong hệ thống phát triển vắc-xin, cần có cái nhìn dài hạn về tương lai, khi các chủng virus và vi khuẩn liên tục biến hóa và gây ra những căn bệnh mới đáng sợ.
Tham khảo Gizmodo, Scmp, JAMA
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"