Bắt hàng loạt đường dây tội phạm mạng: "Hack 1.000 Facebook", "bán hồ sơ của 10.000 người, 20.000 tài khoản", lừa đảo tiền tỷ của hàng nghìn nạn nhân
Theo Công an thành phố Đà Nẵng, từ năm 2022 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh, làm rõ hàng chục vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.
- Sau 3 tháng mày mò, nhà nghiên cứu bảo mật tìm được cách "nhiễm độc" cho ChatGPT, ăn trộm dữ liệu người dùng chỉ bằng vài câu lệnh
- Từng cười nhạo TSMC cách đây 40 năm, điều gì khiến Intel giờ đây phải hối hận, cần nhờ đến Qualcomm hợp tác?
- Mỹ dựng thêm "hàng rào" với công nghệ Trung Quốc: cấm cửa phần cứng và phần mềm Trung Quốc xuất hiện trên xe điện Mỹ
- Thế Giới Di Động báo doanh số laptop tăng bùng nổ 40% cho hàng loạt thương hiệu - nguyên nhân từ đâu?
- MyTV HSB 2024: Hoành tráng với 24 đội tham dự cùng thể thức chuyên nghiệp
Công an đã làm rõ, bắt xử lý hàng trăm đối tượng có hoạt động thu thập, mua bán tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác…
Mới đây nhất, ngày 17/9 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bắt khẩn cấp đối với Cao Văn Hiếu (28 tuổi) và Mai Thanh Quốc (26 tuổi), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra bước đầu xác định: Từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm đối tượng này đã hack 1.000 tài khoản Facebook và chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã liên hệ được 3 bị hại ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Thừa Thiên Huế với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 440 triệu đồng; 1 bị hại ở Đà Nẵng bị chiếm đoạt 600 triệu đồng. Hiện Phòng Cảnh sát hình sự đang tiếp tục tổ chức truy xét các đối tượng có liên quan, phong tỏa các tài khoản ngân hàng, làm rõ nguồn tiền đối tượng chiếm đoạt để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó ngày 28/8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện và bắt quả tang nhóm đối tượng người ngoại tỉnh đến Đà Nẵng thuê căn hộ trên địa bàn thành phố để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn hack Facebook, sau đó chiếm quyền sử dụng và mạo danh chủ tài khoản để liên lạc, nhắn tin đến người thân, bạn bè, người quen trong danh bạ nhằm mục đích mượn tiền, chuyển tiền mua hàng rồi chiếm đoạt hàng tỷ đồng…
Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, không gian mạng, Phòng cảnh sát hình sự tiếp nhận thông tin của một số nạn nhân cho biết họ bị hack tài khoản Facebook, sau đó các đối tượng mạo danh để lừa người thân chuyển tiền và chiếm đoạt. Tiến hành xác minh ban đầu, Phòng Cảnh sát hình sự nhận thấy vụ việc có dấu hiệu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nên đã cho trinh sát tiến hành tổng rà soát, thu thập thông tin, xác định đối tượng nghi vấn.
Sau thời gian áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bước đầu xác định nhóm đối tượng gồm: Lê Công Phi (21 tuổi), trú xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong; Nguyễn Khuynh (21 tuổi), trú xã Tân Long, huyện Hướng Hóa; Lê Thị Ngọc A. (21 tuổi), trú phường 2, thị xã Quảng Trị; Nguyễn Thanh H. (21 tuổi), trú thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và Lê Trần Tấn Đ (21 tuổi), trú xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên đến các tiệm Internet trên địa bàn Đà Nẵng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 28/8, khi đã thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ xác định hành vi vi phạm các đối tượng trên, Phòng Cảnh sát hình sự đã đồng loạt khám xét 4 địa điểm tại địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu; đồng thời triệu tập 5 đối tượng nêu trên về cơ quan để đấu tranh.
Qua làm việc, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đồng thời cho biết, từ tháng 8/2023 đến nay, bằng thủ đoạn như trên đã lừa được khoảng hơn 400 bị hại trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng. Tất cả số tiền chiếm đoạt được các đối tượng sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân. Tiến hành củng cố hồ sơ, tài liệu, Phòng Cảnh sát hình sự ra lệnh bắt giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Khuynh và Lê Công Phi, 3 đối tượng còn lại cho gia đình bảo lãnh và củng cố tài liệu đề xuất xử lý sau.
Hay như vụ triệt phá 2 đường dây mua bán dữ liệu cá nhân và tài khoản ngân hàng với số lượng lớn được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng) triệt xóa vào cuối tháng 08/2023.
Vào thời điểm trên, tại căn hộ 1204 nhà CT1 chung cư The OriGarden thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, lực lượng Công an bắt quả tang một nhóm gồm 6 đối tượng do Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi), trú Phương Diên, Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế cầm đầu và đồng bọn đang thực hiện hành vi sử dụng trái phép thông tin về Căn cước công dân (viết tắt CCCD) của nhiều người khác để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trên mạng internet để bán lại thu lợi bất chính. Qua kiểm tra các thiết bị điện tử phát hiện nhiều tài liệu về hành vi phạm tội của Hiếu và đồng bọn.
2 đối tượng điều hành 2 đường dây thực hiện hành vi sử dụng trái phép thông tin về Căn cước công dân của nhiều người khác để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trên mạng internet nhằm thu lợi bất chính.
Qua xác minh, từ khoảng tháng 6/2023, Nguyễn Văn Hiếu thuê và chuyển đến căn hộ 1204 nhà CT1 chung cư The OriGarden, trang bị các thiết bị máy móc cấu hình cao rồi thuê 5 đối tượng trả lương theo tháng để ăn ở sinh hoạt và thực hiện các hành vi phạm tội trên không gian mạng do Hiếu yêu cầu. Hiếu phân công cụ thể công việc cho từng đối tượng trong nhóm. Hiếu sử dụng tài khoản Telegram tên “Hiểu Hiểu” liên hệ với 2 tài khoản Telegram tên “Phep xinh” và “lưu ho so” để mua khoảng 10.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân người khác (gồm mặt trước, mặt sau CCCD và ảnh chụp khuôn mặt) và 7.343 thẻ sim kích hoạt sẵn. Sau đó, Hiếu đưa bộ thông tin cá nhân và sim này cho các đối tượng trong nhóm để mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng BIDV và ví điện tử các loại.
Đến khi bị cơ quan Công an phát hiện, nhóm của Hiếu đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử các loại . Sau đó, Hiếu bán lại các tài khoản trên cho các đối tượng.
Cũng trong thời gian trên, tại căn hộ 11A14 nhà CT2 Chung cư The OriGarden thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, lực lượng Công an tiếp tục bắt quả tang một nhóm gồm 5 đối tượng do Phan Văn Luân (27 tuổi), huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cầm đầu và đồng bọn đang thực hiện hành vi sử dụng trái phép thông tin về Căn cước công dân của nhiều người khác để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trên mạng internet nhằm thu lợi bất chính.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện thông tin lưu trữ trên các thiết bị điện tử bao gồm: máy vi tính, điện thoại di động của Phan Văn Luân xác định Luân đang tàng trữ 307 thông tin về tài khoản ngân hàng trong đó có tối thiểu 52 tài khoản ngân hàng đang còn đăng nhập bằng ứng dụng của ngân hàng (app) internet banking (chuyển khoản, nhận chuyển khoản thông qua mạng internet) đang sử dụng được.
Qua điều tra ban đầu xác định, từ khoảng tháng 06/2023, Luân chuyên đến và thuê căn hộ 11A14 nhà CT2 Chung cư The OriGarden. Luân trang bị các thiết bị máy móc cấu hình cao rồi thuê 4 đối tượng trả lương theo tháng để ăn ở sinh hoạt và thực hiện các hành vi phạm tội trên không gian mạng do Luân yêu cầu. Luân sử dụng tài khoản facebook tên “Phan Văn Luân” để thỏa thuận với người sử dụng tài khoản facebook tên “Trịnh Văn Sáng” mua khoảng 8.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân (gồm mặt trước, mặt sau CCCD và ảnh chụp khuôn mặt) và 4.000 thẻ sim kích hoạt sẵn được Luân thuê theo tuần. Sau đó, Luân đưa bộ hồ sơ thông tin cá nhân và sim cho các đối tượng để mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng SeABank và ví điện tử các loại. Đến khi bị cơ quan Công an phát hiện, nhóm của Luân đã đăng ký được khoảng 13.000 tài khoản ngân hàng và các ví điện tử.
Qua các vụ việc trên, Phòng An ninh mạng Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, tình trạng dữ liệu Căn cước công dân và ảnh chụp chân dung đang bị thu thập, mua bán tràn lan, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Có khả năng thông tin này bị lộ từ các tổ chức tín dụng cho vay trả góp tại các siêu thị điện máy khi người dân tham gia các hoạt động vay hoặc mua thiết bị điện tử trả góp”, một cán bộ Phòng An ninh mạng Công an thành phố nhận định.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI