Bất kể hình thức: Hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hay shisha đều phá hủy mạch máu và gây ung thư phổi

    zknight,  

    Các loại hình thuốc lá này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 thể nặng, với nhiều triệu chứng tồi tệ hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

    Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu: Hút thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá hãm khói qua nước (như shisha, hookah, narghile) đều chia sẻ những tác hại sức khỏe giống với thuốc lá điếu truyền thống.

    Các loại hình hút thuốc này đều làm cứng động mạch, gây viêm và làm tổn thương DNA dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim mạch, bệnh phổi và ung thư. Ngoài ra, hút thuốc lá dưới mọi hình thức cho dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở thể nặng hơn, với nhiều triệu chứng tồi tệ hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

    Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới so sánh tác động của 3 hình thức hút thuốc lá chính: thuốc lá điếu truyền thống, các loại thuốc lá hãm khói qua nước và thuốc lá điện tử. Qua đó, các nhà khoa học một lần nữa nhấn mạnh sự đồng thuận chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, kêu gọi tất cả mọi người không hút và từ bỏ thuốc lá dưới mọi hình thức vì sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

    Bất kể hình thức: Hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hay shisha đều phá hủy mạch máu và gây ung thư phổi - Ảnh 1.

    1. Thuốc lá và những con số chết chóc

    Trong báo cáo toàn cầu về xu hướng hút thuốc, Tổ chức Y tế Thế gọi "thuốc lá là một loại ma túy hợp pháp giết chết nhiều người nhất". Năm 2019, WHO cho biết tất cả các loại hình hút thuốc cộng lại, bao gồm thuốc lá điếu truyền thống, tẩu, xì gà, các loại thuốc lá hãm khói qua nước (như shisha, hookah, narghile), thuốc lá điện tử (vape) và thuốc lá hóa hơi (IQOS) đang giết chết một nửa số người dùng chúng.

    Mỗi năm, có hơn 7 triệu người hút thuốc lá tử vong do các bệnh của nó gây ra, và hơn 1,2 triệu người hút thuốc thụ động phải chịu số phận chung đó. Thuốc lá là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng nó hoàn toàn có thể tránh được nếu mọi người giảm tiêu thụ và bỏ hẳn thuốc lá.

    Tống kê cho thấy trong gần 2 thập kỷ trở lại đây, số lượng người hút thuốc lá truyền thống đã giảm từ 1,394 tỷ người vào năm 2000 xuống còn 1,337 tỷ người vào năm 2018. Đóng góp chính vào con số này là số lượng phụ nữ hút thuốc giảm khoảng 100 triệu. WHO cho biết từ năm 2018 đến năm 2020, số lượng nam giới hút thuốc cũng đã giảm 1 triệu người.

    Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng kể trên, các loại hình hút thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá hãm khói qua nước như shisha lại đang hấp dẫn được nhiều người dùng hơn. Chỉ trong vòng 4 năm từ năm 2011 đến 2015, số lượng người hút thuốc lá điện tử ở Mỹ đã tăng gấp 9 lần.

    Tỷ lệ người hút các loại thuốc lá hãm khói qua nước cũng tăng từ 2,1% lên 44% tại Mỹ, 11,6% đến 40,1% ở Anh và 20,0% đến 28,9% ở Đức. Các loại hình thuốc lá mới này đang chinh phục được phụ nữ và giới trẻ nhờ vào hương vị hấp dẫn và tuyên bố từ nhà sản xuất rằng chúng ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống.

    Nhưng sự thật có phải vậy không?

    Bất kể hình thức: Hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hay shisha đều phá hủy mạch máu và gây ung thư phổi - Ảnh 2.

    2. Thuốc lá độc hại bất kể hình thức hút

    Nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu được thực hiện dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Thomas Münzel đến từ Khoa Tim mạch của Trung tâm Y tế Đại học Mainz, Đức. Đó là một bài đánh giá các bằng chứng sẵn có và so sánh tác hại của 3 loại hình hút thuốc lá bao gồm thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và thuốc lá hãm khói bằng nước.

    Các nhà khoa học nhận thấy có nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc lá thuốc lá có hại hơn thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lớn cũng đã thiết lập được những bằng chứng tốt về tác dụng phụ của thuốc lá điện tử và các loại hình hút thuốc hãm khói qua nước như hookah, shisha hoặc narghile. Cụ thể, chúng gây ra nhiều rối loạn chức năng nội mô, khởi nguồn cho các căn bệnh chết người.

    Các chức năng nội mô đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lực trương mạch máu, tăng trưởng hệ thống tuần hoàn, điều chỉnh viêm, kết tập tiểu cầu và đông máu. Suy giảm chức năng nội mô dẫn đến xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, ảnh hưởng đến huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

    Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy hút thuốc lá điếu truyền thống ảnh hưởng tới chức năng nội mô, làm tăng độ cứng động mạch lên 10% so với những người không hút thuốc. Trong khi đó, độ cứng động mạch là một trong những chỉ số thể hiện chức năng nội mô và là một tiên lượng quan trọng cho nguy cơ mắc các vấn đề về tim và đột quỵ.

    So với những người không hút thuốc, thuốc lá điện tử cũng làm tăng độ cứng động mạch lên 7%. Con số của các loại hình hút thuốc lá hãm khói bằng nước là 9%.

    Bất kể hình thức: Hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hay shisha đều phá hủy mạch máu và gây ung thư phổi - Ảnh 3.

    "Đánh giá của chúng tôi tập trung chủ yếu vào các tác động bất lợi của 3 kỹ thuật hút thuốc đối với rối loạn chức năng nội mô", Giáo sư Thomas Münzel cho biết. "Cả ba loại hình hút thuốc đều dẫn đến tăng sản xuất các gốc tự do có nguồn gốc oxy trong mô mạch máu, như superoxide. Điều này phá vỡ oxit nitric, được giải phóng bởi lớp nội mô, đóng vai trò rất quan trọng để giúp các mạch máu giãn ra và bảo vệ chống viêm và tắc nghẽn động mạch".

    Ngoài ra, so với những người không hút thuốc, thuốc lá điếu truyền thống cũng làm tăng 704% nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), con số với thuốc lá hãm khói qua nước là 218% và thuốc lá điện tử là 194% (tốt. Thuốc lá điếu và thuốc lá hãm khói qua nước làm tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 1.210% và 122%, trong khi mức độ bằng chứng cho thuốc lá điện tử là chưa đủ để đưa ra kết luận.

    Các nhà nghiên cứu cho biết trong khi tác hại và cơ chế gây bệnh của thuốc lá điếu truyền thống đã được nghiên cứu khá kỹ trong hàng thập kỷ, những ảnh hưởng lâu dài của thuốc lá hãm khói qua nước và thuốc lá điện tử cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Nhưng nhìn chung, bất kể loại hình hút thuốc lá nào cũng gây hại.

    Trong hơi thuốc lá điện tử, các nhà khoa học tìm thấy các chất gây hại chính bao gồm formaldehyde, acrolein, cũng như dấu vết của các hóa chất gọi là kim loại chuyển tiếp và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), tất cả đều được biết đế như những tác nhân có thể làm hỏng tế bào.

    Thuốc lá điếu và thuốc lá hãm khói qua nước còn chứa một hỗn hợp hóa chất độc hại nhiều hơn thế. Chúng chứa trong khói các hạt vật chất sinh ra từ quá trình đốt. Nicotine có mặt trong cả 3 loại hình hút thuốc gây nghiện và chịu trách nhiệm cho các tác động sinh học có hại khác.

    Bất kể hình thức: Hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hay shisha đều phá hủy mạch máu và gây ung thư phổi - Ảnh 4.

    3. Thuốc lá và COVID-19

    Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học cũng đã xem xét ảnh hưởng của việc hút thuốc lá tới nguy cơ với COVID-19. Trong bài báo của mình, các tác giả viết: "Theo WHO, thuốc lá và thuốc thuốc lá hãm khói bằng nước có thể góp phần làm tăng gánh nặng của các triệu chứng do COVID-19 gây ra so với người không hút thuốc".

    Các loại hình hút thuốc này khiến người nhiễm COVID-19 có các triệu chứng nặng hơn, nhiều khả năng đưa họ vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và dễ tử vong hơn. Bệnh nhân với các triệu chứng nặng sẽ cần thở máy và chịu hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe ngay cả khi đã hồi phục.

    Các sản phẩm thuốc lá điện tử thì tiềm ẩn khả năng gây độc cho phổi và tim, hai cơ quan nội tạng mà virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công. Mặc dù chúng ta thường nghĩ COVID-19 chỉ tấn công phổi, tuy nhiên, một số bằng chứng mới cho thấy nó có thể ảnh hưởng tới chức năng nội mô cũng như cả các cơ quan trong tim và mạch máu.

    Hút thuốc lá cũng góp phần làm suy yếu chức năng nội mô, đóng góp vào nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, và nguy cơ tử vong cao hơn tương tự như những bệnh nền khác như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì…

    Bất kể hình thức: Hút thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hay shisha đều phá hủy mạch máu và gây ung thư phổi - Ảnh 5.

    4. Tất cả mọi người nên cai thuốc lá

    Trong phần kết luận của nghiên cứu, các nhà khao học viết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cai thuốc lá đã và sẽ vẫn là cách tiếp cận mạnh mẽ nhất để ngăn ngừa bệnh tim mạch và hô hấp do hút thuốc. Điều này càng quan trọng hơn trong đại dịch COVID-19, khi hút thuốc lá có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến COVID-19 và các biến chứng nghiêm trọng khác ở người hút thuốc".

    "Với những tác hại đã được chứng minh rõ ràng liên quan đến việc sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, WHO khuyến cáo người dùng thuốc lá nên bỏ thuốc lá", Giáo sư Münzel nói.

    Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng có thể gây ra tác dụng phụ ở phổi, tim và mạch máu. Và sử dụng thuốc lá điện tử cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID -19.

    Tham khảo European Heart Journal

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ