Bật mí những điều chưa biết về Nexus 7

    H.A, H.A 

    Nexus 7 được hoàn thành chỉ sau 4 tháng.

    Tại hội nghị Google I/O 2012, gã tìm kiếm khổng lồ đã giới thiệu chiếc tablet Nexus 7 chạy hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean là sản phẩm hợp tác giữa Google và nhà sản xuất linh kiện nổi tiếng Asus. Mới đây, Asus đã công bố một số tài liệu tiết lộ khá chi tiết quy trình thiết kế và sản xuất vô cùng tỉ mỉ và đầy thách thức của tablet Nexus 7.
     
     
    Nguồn tài liệu đã mang đến một cái nhìn trực quan về quá trình tạo nên siêu phẩm Nexus 7 chỉ từ một ý tưởng được “thai nghén” trong 4 tháng đến khi trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Nexus 7 khi mới ra mắt đã đem lại những điều vô cùng ngạc nhiên và phấn khích cho người hâm mộ. Ngay cả đối thủ sừng sỏ Amazon Kinde File cũng phải e ngại vì Nexus 7 sở hữu cấu hình phần cứng vô cùng mạnh mẽ và mức giá rất hấp dẫn. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu làm cách nào mà Asus đã tạo ra một thiết bị tuyệt vời như vậy trong có 4 tháng và giá bán chỉ vỏn vẹn 200 USD (model 8GB).
     
    Tại triển lãm công nghệ CES 2012, chủ tịch của Asus và Google đã cùng thảo luận với nhau về cơ hội hợp tác nhằm phát triển sản phẩm tablet Nexus 7. Theo đó, Google đã đặt mục tiêu phải hoàn thành chiếc máy tính bảng này trong 4 tháng tính cả thời gian lên ý tưởng cho đến khi phát hành. Đây quả là một thách thức vô cùng khó khăn cho Asus khi mà những sản phẩm khác thông thường sẽ phải mất thời gian ít nhất là từ 6 đến 12 tháng cho quy trình thiết kế.
     
     
    Gã khổng lồ tìm kiếm cũng phải điều động các kỹ sư của mình sang làm việc cùng đội ngũ của đối tác ở Đài Loan trong khi các nhân viên của Asus phải hoạt động liên tục ở nhiều địa điểm khác nhau thậm chí ở cả Mountain View, trụ sở chính của Google. Mọi nguồn lực đều được huy động tối đa nhằm đảm bảo tiến độ của công việc.
     
    Nhà sản xuất Đài Loan cho biết Google rất khắt khe trong yêu cầu về thiết kế và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng là tôn chỉ làm việc của Asus, do đó có vẻ như hai đối tác này làm việc khá ăn ý với nhau trong dự án tablet Nexus 7. Asus cho biết: “Phần mềm và phần cứng luôn cần đi đôi với nhau một cách chặt chẽ” và “Google luôn muốn phải có một thiết bị hoàn hảo để “sánh đôi” với phần mềm của họ”.
     
     
    Chi tiết thiết kế
     
    Trong nguồn tài liệu mà Asus cung cấp cũng bàn luận một chút về điều mà trong triết học gọi là “Tư duy thiết kế”. Điều này tạo nên một thiết bị có sự sắp xếp phần cứng rất logic. Ví dụ, những chi tiết nhỏ như vị trí đặt jack cắm tai nghe cũng được bố trí khoa học để giúp người dùng vừa có thể nghe nhạc bằng tai nghe và chơi game mà không bị vướng víu. Nếu bố trí jack cắm tai nghe đặt ở cạnh trên của tablet thì dây nối có thể rơi xuống màn hình. Với màn hình cảm ứng, điều tối kỵ là không để các phụ kiện chạm vào màn hình vì nó có thể thay đổi giao diện hiện đang có của người dùng hoặc sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn là vỡ màn hình. Do đó, những nhà thiết kế đã chuyển jack cắm 3,5 mm xuống phía cạnh dưới chiếc tablet, cũng là vị trí đặt cổng kết nối microUSB kiêm cổng sạc pin để tránh những tác động cơ học không mong muốn xảy ra trong quá trình sử dụng.
     
     
    Về mặt âm thanh, Asus cho biết có rất nhiều vấn đề cẩn phải cải tiến ví dụ như vị trí của loa và micro kép: ”Một số người dùng sẽ giữ máy bằng tay phải, trong khi những người khác có thể cầm bằng tay trái cho tiện sử dụng. Thỉnh thoảng tùy vào mục đích làm việc, thiết bị sẽ được đặt nằm ngang hoặc nằm dọc.” Nếu chỉ có duy nhất một micro thì tay của người dùng có thể vô tình che lấp làm giảm hiệu suất khi chạy cùng lúc các ứng dụng như Skype hay các ứng dụng video/audio khác. Mà mục đích chủ yếu của một chiếc tablet là hướng tới khả năng giải trí đa phương tiện, do đó, các kỹ sư đã quyết định đặt hai loa nhỏ ở phần đáy Nexus 7.
     
    Mặt sau của Nexus 7 được phủ bằng một lớp cao su sần tạo nên cảm giác chắc tay khi cầm. Vậy tại sao Asus lại đưa ra một thiết kế như vậy? Bạn thử tưởng tượng đang đi trên đường chẳng may tuột tay làm rơi chiếc máy tính bảng thì hậu quả sẽ vô cùng đáng tiếc. Google nắm rõ nhược điểm này và họ đã yêu cầu đối tác của mình: “Chúng tôi cần sản xuất một thiết bị có thể dễ dàng cầm nắm, từ đó người dùng có thể tự tin sử dụng mà không sợ bị rơi. Vì vậy, vỏ ngoài cần được thiết kế để người dùng có cảm giác như đang đeo một đôi găng tay cao cấp có độ ma sát lớn.”
     
     
    Tiết kiệm năng lượng
     
    Nhà sản xuất linh kiện của Đài Loan đã chia sẻ rằng các kỹ sư của họ phải mất hơn một tháng để đo công suất năng lượng tiêu thụ trên từng bộ phận tách rời của Nexus 7 và thực hiện kết nối chúng lại nhằm mục đích tìm ra hạn chế của việc tiêu thụ điện năng trên thiết bị.
     
     
    Đối với mảng phần mềm, công việc chủ yếu là nghiên cứu các giải pháp sử dụng để tối ưu hóa điện năng tiêu thụ. Màn hình LCD, ổ cứng, CPU và thiết bị Wi-Fi là những phần tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trên máy tính bảng. Do đó, Asus đã giảm thiểu nhằm tiết kiệm tối đa năng lượng cho Nexus 7. CPU lõi tứ không cần hoạt động hết công suất khi người dùng lướt web hay không cần thiết phải kiểm tra tín hiệu Wi-Fi mỗi giây khi đang xem video trên máy tính bảng.
     
    Nhóm phần mềm của Asus đã mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để mô phỏng các kịch bản sử dụng khác nhau sao cho khi kết hợp toàn bộ hoạt động của các thành phần với nhau sẽ mang đến khả năng tiêu thụ năng lượng ít nhất. Kết quả của quá trình này đã cho thời lượng pin sử dụng trên Nexus 7 khá ấn tượng là 9,5 giờ.
     
     
    Không có khe cắm thẻ nhớ ngoài microSD và camera phía sau
     
    Có một vài lý do khiến tablet Nexus 7 không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD hay camera phía sau. Asus cho biết người dùng hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để gia tăng dung lượng lưu trữ mặc định mà không cần phải sử dụng thẻ nhớ nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, camera phía sau cũng làm đội giá khá nhiều. Để sản xuất một thiết bị có khả năng cạnh tranh tốt thì yếu tố giá cả luôn là vấn đề then chốt nhất. Thực sự đối với nhiều người dùng việc chụp ảnh bằng một chiếc máy tính bảng là một điều không cần thiết.
     
     
    Ngoài ra, Google Nexus 7 cũng có một nhược điểm lớn là màn hình Homescreen không thể xoay tự động theo hướng cầm của người dùng. Lý giải cho điều này, các kỹ sư của Asus cho rằng màn hình menu chính của thiết bị sẽ hiển thị tốt nhất khi cầm theo chiều dọc.
     
    Cả Asus và Google đều có mục tiêu chung là tạo ra một chiếc máy tính bảng tốt nhất từ trước đến nay và họ hoàn toàn tự tin về khả năng này. Cả hai “ông lớn” cùng hy vọng vào mối quan hệ hợp tác và phát triển cơ hội làm việc cùng nhau trong tương lai. Có thể, không lâu nữa người dùng sẽ lại được trải nghiệm một siêu phẩm “con lai” giữa Google và Asus chăng?
     
    Nexus 7 hứa hẹn sẽ là một đối thủ tầm cỡ trong làng máy tính bảng.
     
    Tham khảo: Techradar
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ