Bê bối khoa học ở Hàn Quốc: Trẻ em cũng có bài báo nghiên cứu, bố ghi tên con để được tuyển thẳng vào đại học
Hành vi ghi khống tên tác giả nghiên cứu được đánh giá là một vi phạm học thuật nghiêm trọng.
Mới đây, một báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện 17 trường hợp giảng viên đại học khai khống tác giả nghiên cứu mà họ đồng đứng tên. Đặc biệt, các tác giả được ghi khống đều là học sinh cấp ba thậm chí cấp hai, những đứa trẻ bị cáo buộc không hề đóng góp một chút công sức nào vào nghiên cứu.
Năm trong số các giảng viên này ghi tên con mình vào bài nghiên cứu. Một giảng viên khác ghi tên con của một người quen. Các trường hợp còn lại, giảng viên được xác định không hề có bất kỳ mối quan hệ đặc biệt nào với đứa trẻ được ghi tên vào nghiên cứu của họ, một dấu hiệu của hành vi mua bán và hối lộ.
Những nghi ngờ đang được đặt ra. Trong đó, động cơ lớn nhất được xác định là việc có tên trong bài báo khoa học sẽ giúp những đứa trẻ tăng cơ hội cạnh tranh, được tuyển hoặc thậm chí tuyển thẳng vào các trường đại học trong nước và cả ở nước ngoài.
Các trường hợp bê bối đầu tiên lợi dụng kẽ hở tuyển sinh này đã được phát hiện từ năm 2007. Từ năm 2017 cho tới nay, có ít nhất 24 bài báo khoa học gian lận đã bị phát hiện.
Bê bối công bố khoa học ở Hàn Quốc: Trẻ em cũng có bài báo nghiên cứu, bố ghi tên con để được tuyển thẳng vào đại học
Báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc được công bố trong bối cảnh, quốc gia này đang thanh tra một cách gắt gao những trường hợp cô chiêu cậu ấm của giới nhà giàu, có quan hệ tốt hay giới "tinh hoa", được nhận vào đại học.
Trước đó, một thông báo hồi tháng Năm cho biết Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng phát hiện 9 giảng viên đại học đã ghi khống tên tác giả là trẻ em vào nghiên cứu của mình. Một trong số các trường hợp đó đã được miễn trừ sau khi giảng viên này nộp đơn kháng cáo thành công.
Ở Hàn Quốc, hành vi ghi khống tên tác giả nghiên cứu được đánh giá là một vi phạm học thuật nghiêm trọng, những người mắc phải sẽ phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, đình chỉ nghiên cứu trong vòng một năm hoặc thậm chí sa thải.
Ít nhất một giảng viên tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul đã bị đuổi việc vì ghi khống tên tác giả vào nghiên cứu. Một giảng viên cùng trường khác cũng đã bị khiển trách, theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
Những hành vi ghi khống tên trẻ em vào bài báo khoa học đã được Hàn Quốc rà soát mạnh từ cuối năm 2017, sau khi một đồng tác giả nghiên cứu là trẻ em được phát hiện ở Đại học Quốc gia Seoul.
Sau đó, chính phủ đã mở một cuộc điều tra, tới tháng 1 năm 2018, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết họ đã xác định được 82 bài báo học thuật có các đồng tác giả là trẻ em. Chỉ có một nửa số bài báo có bằng chứng cho thấy các học sinh này đúng là có tham gia nghiên cứu như là một phần của chương trình học. Còn một nửa số bài báo còn lại thì không.
Vào thời điểm đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc không công bố cụ thể con số giảng viên đại học có liên quan đến các vụ bê bối này. Nhưng họ nói rằng họ sẽ chuyển các trường hợp đến ủy ban đạo đức đại học để xác nhận xem sự tham gia của những đứa trẻ có hợp pháp hay không.
Thành tích xuất bản khoa học có thể bị lạm dụng để được tuyển vào đại học
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hae, tới tháng 10 năm 2019, các cuộc điều tra đã xác định được tổng cộng 794 ấn phẩm khoa học ở nước này có đồng tác giả là trẻ em. Trong đó 549 bài báo khoa học đã được bình duyệt.
Chỉ 24 bài báo bị nghi ngờ có quyền tác giả không chính đáng. Báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc không nói rõ các bài báo này đã được xuất bản trên tạp chí nào.
Trong số 11 giảng viên đại học được đề cập trong báo cáo mới nhất, Bộ nhấn mạnh một số đứa trẻ được ghi tên khống sau đó đã dùng bài báo khoa học này để ứng tuyển vào đại học.
Young Kim, một nhà chính sách khoa học và công nghệ đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) ở Daejeon nghi ngờ số lượng các giảng viên dính vào bê bối có thể còn vượt xa các trường hợp bị phát hiện.
"Linh tính của tôi cho rằng thực tế này phổ biến hơn mức chúng ta tưởng", Kim nói.
Changgu Lee, một nhà khoa học vật liệu tại Đại học Sungkyunkwan ở Suwon kịch liệt phản đối việc lợi dụng các bài báo khoa học để giúp những đứa trẻ vào đại học.
"Tôi không thích các trường đại học đề cao kết quả nghiên cứu khoa học trong quá trình tuyển sinh, bởi vì học sinh trung học nghiễm nhiên không thể tham gia nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc. Và thành tích xuất bản có thể bị lạm dụng để được tuyển vào đại học", Lee nói.
Tham khảo Nature
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cuối cùng Samsung đã khắc phục được vấn đề mà người dùng Galaxy Z Fold than phiền bấy lâu nay
Galaxy Z Fold Special Edition đang cho thấy những cải tiến lớn, ngay cả với Galaxy Z Fold6 vừa ra mắt.
Mở hộp Cooler Master MasterLiquid 360 Atmos: không chỉ là tản nhiệt AIO