Bên cạnh cá mập cắn cáp, còn nhiều trường hợp "động vật hủy diệt" nữa mà bạn không biết
Khi công nghệ chỉ là "mồi ngon" của những loài động vật nghịch ngợm.
Không cần biết những công trình cơ sở vật chất chúng ta xây dựng nên kiên cố và hoàn hảo đến mức nào, vẫn luôn có những trường hợp “dở khóc dở cười” xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Đặc biệt, “tác giả” của tình huống ấy lại chính là những con vật tinh nghịch, lén lút, và tất nhiên không bao giờ thèm đếm xỉa đến dòng chữ “Cấm vào” to lù lù ngay phía trước, để lại hậu quả tỷ lệ nghịch với kích cỡ nhỏ bé của chúng. Dưới đây là vài gương mặt tiêu biểu cho thành tích phá hoại có một-không-hai đến từ thế giới động vật muôn màu mà cũng đầy tai quái.
Mất điện diện rộng
Tuần trước, công ty sản xuất năng lượng lớn nhất Kenya đã đưa ra một thông báo có phần khó tin trên Facebook của mình, nói rằng họ đã chịu tổn thất nặng nề gây ra bởi một chú khỉ đuôi dài.
Có lẽ với bản tính tò mò và linh hoạt của mình, nó đã không gặp nhiều khó khăn để đột nhập vào bên trong bằng cách trượt qua mái nhà và đáp xuống một máy biến thế. Tuy nhiên, tác động này kéo theo một vài trục trặc bên trong cỗ máy đó, kéo theo hàng loạt sự cố của những máy biến thế khác. Hầu hết đất nước đã chìm trong bóng tối suốt 4 giờ đồng hồ sau đó. Theo ghi nhận, thủ phạm tinh quái trên vẫn bình yên vô sự sau khi vô tình khiến cả một quốc gia lâm vào khổ sở…
Hỏng hóc cỗ máy lớn nhất thế giới
Có lẽ ít ai biết đến sự hiện diện của loài chồn đá trên Trái Đất, cho tới tháng Tư năm nay. Cá thể động vật trên bất ngờ “nổi như cồn” sau khi khiến cho Máy gia tốc hạt lớn – thiết kế hiện đại và tân tiến bậc nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu liên quan – lâm vào sự cố không thể vận hành đúng mức trong vài ngày liền. Nguyên nhân là do nguồn điện cung cấp bị gián đoạn.
Không may mắn cho chú chồn đã chưa biết lượng sức mình, dẫn đến phải “bỏ mạng” trong “nhiệm vụ” trên.
Sơn hào hải vị “Cáp quang Internet”
Hàng thập kỷ trôi qua chưa hề ghi nhận một trường hợp nào liên quan đến sự dính dáng của cá mập tới những hình thức truyền thông và liên lạc. Thế nhưng, kể từ giữa những năm 1980 khi công nghệ cáp quang xuyên biển được phát triển và phổ biến rộng rãi, các doanh nghiệp phụ trách đã nhận ra một điều lạ lùng là tần suất sửa chữa cáp ngày một tăng lên đáng kể so với dự đoán ban đầu.
Năm 2014, Google cho ra mắt một đoạn phim gây sửng sốt về cảnh một con cá mập tìm cách cắn vào hệ thống cáp của công ty công nghệ nổi tiếng này. Các nhà khoa học cho rằng chính những sóng điện từ phát ra từ dây cáp đã thu hút chúng.
Tuy vậy, có vẻ như loài vật đáng thương hơn đáng trách này cần nhận được cái nhìn bao quát từ dư luận hơn khi vô tình bị đổ tội cho hầu hết những hậu quả phá hoại liên quan sau đó, mặc dù “thủ phạm” hoàn toàn có thể là mỏ neo tàu thuyền, sự dịch chuyển của vỏ Trái Đất và cả những yếu tố khác nữa.
Máy gia tốc hạt “Raccoon”
“Không có cá thể gấu trúc Mỹ nào bị chết hay bắt giữ trong và sau khi sự việc xảy ra. May mắn là tổn thất không quá đáng kể.”
Thông báo trên dường như không có vẻ gì là được phát ra từ một trụ sở nghiên cứu, nhưng đó chính là những gì Fermilab – phòng phân tích và thí nghiệm tọa lạc ở ngoại ô Chicago – công bố vào tháng 5 năm 2006.
Chú raccoon (gấu trúc Mỹ) này có lẽ đã học tập nhân vật Rocket trong bom tấn Guardian of the Galaxy, lọt vào trong một máy gia tốc phân tử Tevatron như trường hợp đã đề cập trước đó, dẫn đến việc Tevatron phải tạm ngừng hoạt động để xem xét và sửa chữa trong vài ngày tiếp theo.
Mạng lưới điện quốc gia bị đe dọa bởi… sóc
Ít nhất 30 sự cố về điện trong năm nay được chính thức ghi nhận tại Mỹ với nguyên nhân chính bắt nguồn từ loài vật thích ăn quả hạch này, đặc biệt là cấu trúc răng có thể mọc và hoạt động suốt cuộc đời của chúng.
Thậm chí, theo thống kê của các chuyên gia, nguy cơ hứng chịu tổn thất do sóc gây ra còn cao hơn so với tỷ lệ tương đương đến từ các vụ tấn công công nghệ cao và tin tặc, nhất là trong khoảng thời gian vào tháng 5, 10 và 11 (nguồn tin từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia của Mỹ).
Nỗi kinh hoàng trên không
Cơ quan Hàng không Liên bang hiện đang lưu trữ khá nhiều dữ liệu và ghi chép liên quan đến những vụ đụng độ giữa máy bay và các loài vật. Xác suất những sự cố không đáng có trên xảy ra được cho là cao nhất vào mùa hè và cuối thu, cùng với thời điểm trưởng thành cũng như di cư của nhiều loài chim.
Một phòng nghiên cứu khoa học tại Học viện Smithsonian đã điều tra và thống kê nên danh sách những loài chim thường “có duyên” với những tai nạn hàng không, với tần suất dẫn đầu cao nhất thuộc về chim mòng biển. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng tránh và khắc phục hiệu quả nhất, nhưng giá trị tổn thất vẫn lên tới hàng triệu USD/năm.
Tham khảo: TechInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming