Bên trong kho hàng của Amazon - gã khổng lồ tai tiếng mới của thế giới

    Billvn,  

    Làm việc ở trong kho hàng khổng lồ như thế này quả thực là thách thức không nhỏ với các nhân viên Amazon.

    Cuối tuần qua, New York Times đã có một bài viết nêu lên tình trạng làm việc tồi tệ tại Amazon khiến cả thế giới phải rúng động. Mặc dù CEO Jeff Bezos đã lên tiếng phản bác nhưng điều đó không hề làm dịu đi những luồng ý kiến phản đối Amazon trên khắp thế giới.

    Để có cái nhìn rõ hơn về Amazon, bài viết này sẽ đưa các bạn tham quan một vòng nhà kho lớn của Amazon. Hiện tại, Amazon có hơn 90 nhà kho trên khắp thế giới với hàng chục nghìn lao động đang làm việc hết công sức để đảm bảo hàng hóa được giao đến tay khách hàng một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.

    Bên trong nhà kho khổng lồ của Amazon

    Amazon gọi các nhà kho của mình là "fulfillment centers", nơi hàng hóa được sắp xếp trước khi được vận chuyển đến tay khách hàng.

    Các nhà kho của Amazon bận rộn nhất vào những ngày lễ mà thời gian cao điểm là tháng 11 và 12, công ty gửi 1 triệu gói hàng một ngày và nhân viên có khi phải làm việc đến 12 giờ/ngày.

    Amazon đã tăng thêm 20.000 lao động toàn thời gian trên toàn thế giới trong năm 2014.

    Nhân viên làm việc tại nhà kho (FC) được trả 10 đến 14 USD/một giờ.

    Một trong những nhà kho lớn nhất của Amazon là ở Phoenix, Arizona với diện tích tương đương 12 sân bóng đá.

    Tất nhiên, làm việc trong nhà kho của Amazon có thể làm bạn mệt mỏi, các nhân viên có khi phải nâng những vật có trọng lượng hơn 22 kg và đi bộ khoảng 10 đến 12 giờ mỗi ngày.

    Tùy thuộc vào vai trò của bạn, bạn phải di chuyển từ 7 đến 15 dặm mỗi ngày trong kho.

    Trong bản danh sách công việc có đi kèm cảnh báo nhiệt độ trong nhà kho đôi lúc có thể lên đến 32 độ C tại một số khu vực. Năm 2014, Amazon chỉ có một nhà kho Pennsylvania được tổ chức để làm việc với nhiệt độ 46 độ C nhưng hiện tại, Amazon đã trang bị hệ thống kiểm soát khí hậu tại các trung tâm làm việc.

    Khi hàng hóa được đặt vào các ô, nhân viên sẽ thực hiện việc quét mã cho sản phẩm bằng một thiết bị cầm tay trước khi nó được đưa đến băng tải để vận chuyển đến khâu đóng gói.

    Mọi thứ đều được thực hiện rất hiệu quả tại kho, các băng tải di chuyển rất nhanh. Một dây chuyền tại Campbellsive, Kentucky có thể xử lí đến 426 đơn đặt hàng mỗi giây.

    Các "Pickers" là những người sẽ để tất cả hàng hóa được yêu cầu vào một chiếc túi rộng (totes), sau đó, "Packers" (những người đóng gói) sẽ cho chúng vào hộp.

    Một công nhân đóng gói của Amazon cho biết họ xử lí các gói hàng giống như đang gói quà Giáng sinh cho một người nào đó.

    Amazon áp dụng các thuật toán để tìm ra các loại hộp thích hợp cho từng loại hàng hóa.

    Wired cho biết một nhà kho của Amazon có thể ví như một con rô bôt khổng lồ với các khâu đều được tối ưu hoặc tự động bằng các thuật toán.

    Để hỗ trợ cho người lao động, Amazon đã bổ sung thêm khoảng 15.000 robot Kiva tại 10 nhà kho ở Mỹ trong dịp lễ năm 2014. Amazon mua Systems Kiva, một công ty sản xuất robot với giá 775 triệu USD năm 2012.

    Một số nhân viên đã nói rằng Amazon theo dõi họ trong suốt quá trình làm việc và sẽ đưa ra cảnh báo nếu họ không sản xuất theo quy định.

    Một số người lại phàn nàn do nhà kho quá lớn, họ lãng phí thời gian nghỉ ngơi của mình vì phải di chuyển nhiều đến khu vực thích hợp.

    Trước và sau khi làm việc, nhân viên phải đi qua máy dò kim loại, hành động này có thể mất của họ đến 25 phút nhưng Amazon lại cho rằng việc kiểm tra diễn ra rất nhanh chóng.

    Một vài năm trước đây, có nguồn tin cho rằng tại nơi làm việc của Amazon còn có nhiều quy định nghiêm ngặt khác như nhân viên không được sử dụng son môi và họ chỉ có thể uống nước từ các chai có nhãn hiệu rõ ràng để tiện cho việc giám sát. Một phát ngôn viên của Amazon đã phủ nhận những thông tin này.

     

    Tham khảo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày