Bên trong một "kho hàng tiện đâu vứt đấy" của Amazon - nơi làm nên đế chế nghìn tỷ USD
Với những công nghệ hiện đại và cách vận hành thông minh, các kho hàng Amazon không chỉ làm nên nền tảng cho đế chế này mà còn thay đổi cả cách vận hành của ngành thương mại điện tử.
Các kho hàng khổng lồ với đầy đủ các công nghệ hậu cần thông minh đang là trụ cột cho công ty thương mại điện tử trị giá nghìn tỷ USD, Amazon. Với 149 kho hàng hiện đại trên toàn thế giới, trong đó có tới 25 kho hàng được trang bị hơn 100.000 robot, cùng hàng trăm nghìn người lao động khác, những nơi này thậm chí còn đang làm thay đổi cách vận hành của thương mại điện tử thế giới.
Nhờ hệ thống vận hành và quy trình xử lý hàng hóa thông minh của Amazon để kết hợp hiệu quả nhất giữa máy móc và con người, năng suất kho hàng tăng lên 40%, chi phí vận hành giảm xuống chỉ còn chưa đầy 10% doanh thu.
Mặc dù vậy, đây cũng là nơi gây nhiều tranh cãi nhất của Amazon khi thường xuyên nhận được những cáo buộc từ những người đã và đang làm việc tại nơi này, về môi trường làm việc khắc nghiệt ở đây, khi người lao động còn không có thời gian sử dụng nhà vệ sinh.
Trước sức ép ngày càng tăng, mới đây Amazon đã tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, một thay đổi ảnh hưởng đến 250.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian tại Mỹ, cùng với hơn 100.000 lao động thời vụ khác được tuyển dụng vào làm tại Amazon đợt nghỉ lễ.
Mới đây, phóng viên Avery Hartmans của trang Business Insider đã có dịp vào thăm kho hàng của Amazon tại quận Kent, bang Washington, nằm ở phía Nam thành phố Seattle. Đây là một phần trong chương trình do Amazon tài trợ. Và dưới đây là một số hình ảnh về nhà kho khổng lồ này.
Một trong những điều đầu tiên bạn sẽ thấy khi bước chân vào nhà kho Kent là những robot đang được treo trần nhà – chúng từng là những robot để di chuyển hàng hóa xung quanh kho hàng. Giờ đây khi chúng đã nghỉ hưu, chúng được biến thành vật trang trí với chữ ký của những nhân viên khi họ đi làm ngày đầu tiên ở đó.
Kho hàng Kent là một cơ sở khổng lồ - với diện tích khoảng 1 triệu feet vuông (tương đương hơn 92.000 m2) – và chứa các hệ thống băng tải chuyển hàng dài 18 dặm (gần 29 km) bên trong.
Kho hàng Kent hoạt động 22 giờ mỗi ngày, 363 ngày một năm.
Trong một phần của kho hàng, những con robot tương tự như các robot được treo ở cửa ra vào, đang dịch chuyển các kệ hàng tới lui trong kho hàng.
Những robot này dựa vào hệ thống mã QR Code trên sàn nhà để vạch ra lộ trình vận chuyển.
Dưới đây là cảnh hoạt động của các robot này. Điều ấn tượng và đẹp mắt nhất của khung cảnh này là chúng sẽ không bao giờ đâm vào nhau.
Một vật dụng rất quan trọng trong các kho hàng này đó là những thùng nhựa màu vàng này. Nó hiện diện ở khắp mọi nơi trong kho hàng. Mỗi thùng đều có mã vạch riêng, và là nơi đựng các món hàng khi chúng di chuyển trong kho hàng theo một quy trình được Amazon gọi là xếp đồ ngẫu nhiên.
Những món hàng được đặt trong thùng không được xếp theo loại sản phẩm hay theo nhà cung cấp – chúng được xếp với nhau hoàn toàn ngẫu nhiên.
Amazon cho biết, hệ thống xếp đồ ngẫu nhiên này giúp tăng tốc quá trình sắp xếp. Các trung tâm chứa hàng lớn đều có hàng loạt "các trạm lấy hàng" xuyên suốt cả kho hàng, và việc nhóm những món hàng lại theo các đặc điểm tương tự nhau trở nên quá tốn thời gian.
Những món hàng đi qua kho hàng này thường có kích thước không lớn hơn một lò nướng bánh. Có thể thấy trong hình ảnh dưới đây, có cả khăn vệ sinh, dụng cụ chơi bóng, và các gói trà hòa tan kombucha.
Sau khi các món hàng được nhập vào hệ thống và được xếp vào trong thùng, chúng được chuyển đi trên các băng tải để đóng hộp.
Các nhân viên sẽ đưa thùng nhựa ra khỏi băng tải, quét nó và dỡ hàng trong đó ra. Sau đó hệ thống sẽ nói với họ cần loại hộp giấy nào. Một nhân viên sẽ đặt hàng vào đúng loại hộp, dán kín nó và gửi nó đi.
Các vỏ hộp đựng của Amazon được đặt cạnh mọi băng tải, với mọi kích thước khác nhau, trên toàn bộ kho hàng này.
Nhìn cận cảnh một trong các trung tâm đóng hộp trong kho hàng.
Sau khi một hộp đựng được dán kín và đặt lại vào băng tải, nó sẽ được cân tự động. Hệ thống của Amazon sau đó sẽ tạo ra một nhãn dán, và dán lại bằng áp suất.
Hệ thống này được gọi là SLAM, viết tắt của Scan, Label, Apply, Manifest (quét, tạo nhãn, dán nhãn, kê khai). Amazon đã tạo ra hệ thống này 20 năm trước, trong những năm đầu mới thành lập của mình.
Sau khi được dán kín và gắn nhãn, các hộp đựng được đưa vào lộ trình của mình, sẵn sàng vận chuyển đến tay khách hàng.
Kho hàng Kent có khoảng 3.000 lao động. Mỗi người sẽ làm một ca 10 tiếng, 4 ngày một tuần, có đồ ăn cho cả ngày: một bữa buổi sáng, một bữa buổi trưa và một bữa vào lúc chiều.
Trong kho hàng, cũng có máy bán hàng tự động với đồ uống và đồ ăn nhẹ bên trong. Ngoài ra còn có phòng nghỉ với các bàn dài và ghế, nhưng trong giờ làm thì hiếm có ai ở đó.
Amazon cho biết, cùng với động thái tăng lương tối thiểu cho nhân viên, các nhân viên làm việc trong các kho hàng này dù vẫn cần phải đáp ứng một số tiêu chí, nhưng chúng không còn ràng buộc với thu nhập của họ nữa. Do vậy, theo công ty, thu nhập của người lao động sẽ cao hơn, và dễ dự đoán hơn.
Dường như Amazon đang cẩn trọng hơn với những lời chỉ trích về môi trường làm việc trong các kho hàng của mình và đang thay đổi cách đối xử với người lao động.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android